Đó là tuyên bố của ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc họp báo quốc tế chiều 7/5 về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép gần đảo Lý Sơn, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo ông Thu, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường 80 tàu hộ vệ cho giàn khoan HD 981, trong đó có 7 tàu quân sự. Việt Nam nắm và ghi rõ số hiệu 2 tàu: Tàu hộ vệ tên lửa 534 (Giang Hồ II), tàu tuần tiễu tấn công nhanh 753.
Trung Quốc còn điều động 33 tàu Hải cảnh, Hải giám, Ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá, hung hăng ngăn cản lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam làm nhiệm vụ.
Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền Việt Nam, sự việc diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc sắp diễn ra tại Myanmar từ 10 - 11/5 tới đây, trong đó có việc bàn thảo một Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để giảm các căng thẳng trên vùng biển này. Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược từng bước gây sức ép qua tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, và Trung Quốc tin rằng các nước láng giềng nhỏ hơn sẽ không thể hoặc không sẵn sàng để ngăn chặn hành động này. Hãng tin AP ngày 5/5 bình luận rằng đây là hành động mới nhất trong chuỗi hành động mang tính khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông, gây nên căng thẳng với các nước ASEAN và lôi kéo sự chú ý của Mỹ. |
Trong video clip được Cảnh sát biển Việt Nam công bố, các tàu vũ trang Trung Quốc đều bỏ bạt tháp pháo, "cho thấy tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao".
8h5 phút ngày 5/5, tàu hải cảnh Trung Quốc 44103 đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 ở nơi cách giàn khoan 10 hải lý.
Cùng thời gian, tàu Hải cảnh 44103 đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển VN, tàu VN phải vòng tránh, nhưng đuôi bị hư hỏng, diện tích vết đâm khoảng 1m2.
8h10 sáng 3/5, tàu Hải cảnh 044 của Trung Quốc đã đâm vào mạn phải tàu Cảnh sát biển 4033 của Việt Nam với tốc độ rất cao.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam 4033 tránh nhưng vẫn bị đâm vào và bị vỡ toàn bộ cửa kính. Vị trí xảy ra vụ đâm tàu này cách giàn khoan của Trung Quốc 10 hải lý, ông Thu thông báo.
Đến 12h ngày 7/5, tàu Hải cảnh 3411 tiếp tục đâm tàu Cảnh sát biển 803. Một máy bay số hiệu 8321 bay độ cao thấp, trực tiếp uy hiếp các tàu Việt Nam.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam 8003 tiếp tục bị tấn công trưa cùng ngày, một máy bay số hiệu 8321 của Trung Quốc bay sát uy hiếp cùng với tàu Hải cảnh. Tàu quân sự Trung Quốc đều ở trạng thái chiến đấu cao, gây tình hình căng thẳng.
Phía Việt Nam đã hết sức kiềm chế. Ông Thu khẳng định Việt Nam không sử dụng tàu quân sự vào việc xua đuổi HD 981. Việc làm của Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam và quốc tế.
Đại diện lực lượng kiểm ngư Việt Nam cho hay: Các tàu kiểm ngư tiến hành tuyên truyền, xua đuổi khi phát hiện giàn khoan Trung Quốc.
Video tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam. (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam công bố)
Ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các tàu Hải cảnh Trung Quốc tấn công rất mạnh tàu kiểm ngư Việt Nam.
Từ ngày 2-5/7, hải cảnh Trung Quốc xua 2 đến 3 tàu kèm 1 tàu kiểm ngư VN. Có lúc có đến 5 tàu Trung Quốc vây quanh 1 tàu kiểm ngư 762 của Việt Nam. Tàu kiểm ngư 762 bị đâm 4 lần vào mũi. Sau đó, tàu này còn bị đâm vào mạn làm vỡ cửa kính.
Tuy nhiên, trước sự ngang ngược của phía Trung Quốc, ông Thu khẳng định, kiểm ngư Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp đẩy lùi giàn khoan của Trung Quốc.
Phó Tư lệnh Cảnh sát biển khẳng định chưa có người nào thiệt mạng trong các đụng độ nói trên, cho dù tình hình là căng thẳng bởi phía Trung Quốc cố tình đâm và phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam. Tính đến hôm nay, có 6 kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương do mảnh kính vỡ đâm vào.
Tại cuộc họp báo, khi được hỏi liệu Việt Nam có dự định kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế như Philippines đã làm hay không, ông Trần Duy Hải thuộc Ủy ban Biên giới cho biết: "Việt Nam kiên định sử dụng mọi biện pháp hòa bình, không loại trừ biện pháp nào".
Khi sự việc xảy ra, Việt Nam và Trung Quốc đã sử dụng đường dây nóng cấp cao giữa hai nước để giải quyết các vấn đề trên biển, ông Trần Duy Hải cho hay. Việt Nam cũng đã thông báo với các nước khác, các nước ASEAN về diễn biến này. Các nước đều bày tỏ sự lo ngại trước hành động của Trung Quốc.
"Việt Nam kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, trao đổi với Trung Quốc để giải quyết vấn đề, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước về luật biển năm 1982", ông Hải nhấn mạnh.
Về vấn đề phía Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào về kinh tế nếu Trung Quốc khoan thăm dò vào các vị trí mà các công ty dầu khí Việt Nam đang hoạt động, ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN)cho hay vị trí mà HD 981 định vị nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam. "Nhưng tôi tin rằng với lực lượng của Việt Nam, chúng ta sẽ ngăn chặn và đấu tranh được".
Ở vị trí này, Việt Nam đã thăm dò từ những năm 1970, nhưng chưa có hoạt động khoan khai thác, ông Hậu cho biết. Đây là vùng nước sâu, đòi hỏi phải vượt qua được các khó khăn về mặt kỹ thuật. Khai thác vùng nước sâu là mục tiêu của chúng ta trong tương lai lâu dài.
Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam cho biết: “Việc làm của Trung Quốc vô cùng ngang ngược và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống”. Theo ông Mưu, đây là mưu đồ của Bắc Kinh nhằm tạo ra những biên giới mềm, phục vụ dã tâm độc chiếm Biển Đông lâu dài và từng phần. Đối với ngư dân Việt Nam, khu vực Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thăm dò nằm giữa Hoàng Sa và Trường Sa, đây là ngư trường truyền thống của chúng ta, khai thác hàng chục năm nay. “Sự kiện này sẽ cản trở quá trình sản xuất của ngư dân trong mùa khai thác sắp tới. Với dự kiến làm việc 3 tháng trên Biển Đông và có vùng cách ly lên đến 3 hải lý, Trung Quốc đương nhiên sẽ có những hành động quấy phá, xua đuổi ảnh hưởng đến quá trình khai thác của ngư dân Việt Nam”, ông Mưu nói. |
Ông Hậu nhắc lại việc PVN đã gửi thư phản đối tới Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động trái phép trên thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 2/5, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15 độ 29 phút vĩ độ bắc, 111 độ 12 phút kinh độ đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc tuyên bố giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD-981) sẽ khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15 độ 29 phút độ vĩ Bắc – 111 độ 12 phút độ kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8.
Ngày 4/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là bất hợp pháp và kiên quyết phản đối hành động xâm phạm này.
Cũng trong ngày 4/5, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Trung Quốc Lưu Chấn Dân giao thiệp nghiêm túc vụ việc trên.
Sau đó, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hãng tin Reuters cho biết Cục Hải sự Trung Quốc ngày 5/5 đã mở rộng bán kính cấm tàu thuyền lai vãng quanh giàn khoan Hải Dương 981 đang ở trái phép trên vùng biển Việt Nam lên 3 dặm (4,8 km) so với 1 dặm công bố ngày 3/5.