| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân triển khai Đề án 1 triệu ha lúa

Thứ Bảy 23/11/2024 , 11:42 (GMT+7)

Mô hình tổ khuyến nông cộng đồng của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang tích cực hoạt động, hỗ trợ bà con ĐBSCL thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ông Hoàng Tuyển Phương, Trưởng phòng Trồng trọt - Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Hoàng Tuyển Phương, Trưởng phòng Trồng trọt - Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sáng 23/11, chương trình tọa đàm và kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Trong đó, nội dung tọa đàm là cùng nhìn lại các mục tiêu và giải pháp của Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL (Đề án).

Chia sẻ tại sự kiện, ông Hoàng Tuyển Phương, Trưởng phòng Trồng trọt - Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) cho biết, trong quá trình triển khai Đề án, đơn vị kết nối với hơn 30 kênh truyền thông trong nước và quốc tế.

Đây là các bước đi nhằm nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

“Chúng tôi luôn nhấn mạnh việc thông tin cho người dân về quy trình kỹ thuật nhằm giảm giống, phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã ban hành sổ tay hướng dẫn bà con quản lí rơm rạ và kĩ thuật”, ông Phương nói.

Chuyên gia về trồng trọt - lâm nghiệp cho rằng, nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia thông qua hoạt động đào tạo, huấn luyện là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển canh tác lúa bền vững. Khuyến nông cộng đồng tại cơ sở luôn đồng hành cùng người dân, với tôn chỉ ‘Cùng tham gia - cùng hành động - cùng phát triển’.

Việc xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo sẽ tập trung vào chuyển giao các công nghệ sản xuất lúa gạo chất lượng, giảm phát thải, liên kết sản xuất, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn xuất khẩu SRD.

Khuyến nông cộng đồng đã góp phần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tăng cường năng lực nông dân, nâng cao vai trò của HTX và tổ hợp tác, giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị và thu nhập. Đồng thời, phát triển lực lượng MRV (đo đạc, báo cáo và thẩm định), xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam”, ông Phương nói.

Trong thời gian tới, đại diện TTKNQG cho biết sẽ định hướng lại nội dung truyền thông, xây dựng thông điệp và bộ nhận diện logo cho Đề án, phát triển các chuyên mục, chuyên trang và các chương trình phóng sự trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, tổ chức các sự kiện theo chuyên đề và phát hành các ấn phẩm để nâng cao nhận thức cộng đồng.

Về đào tạo huấn luyện, tiếp tục hoàn thiện và củng cố hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương, nâng cao năng lực cho các đối tượng tham gia, đặc biệt là khuyến nông cộng đồng cơ sở.

Về xây dựng mô hình, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mô hình thí điểm tại các địa phương, nhân rộng các mô hình thông qua các Dự án khuyến nông trung ương và hợp tác công tư (PPP) để tạo sự lan tỏa và phát triển bền vững.

“Tôi đề xuất cần tăng cường chỉ đạo của Ban chỉ đạo Đề án và lãnh đạo Bộ NN-PTNT đối với toàn bộ hoạt động của Dự án. Đồng thời, nhận được sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Sở NN-PTNT các tỉnh đối với các đơn vị tại địa phương. Ngoài ra, tôi cũng đề xuất bố trí đủ nguồn lực và kinh phí để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án”, ông Phương nói.

Từ góc độ địa phương, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, tỉnh đã triển khai bài bản 12 mô hình lúa phát thải thấp và xây dựng 116 tổ khuyến nông cộng đồng. Đầu tiên, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án, tạo nền tảng tổ chức vững chắc. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến các hợp tác xã (HTX) và nông dân, giúp họ hiểu rõ mục tiêu và lợi ích của đề án.

Dựa trên tình hình thực tế của từng HTX và từng vùng sinh thái, tỉnh xác định diện tích phù hợp để tham gia đề án. Theo kế hoạch, tỉnh Kiên Giang đã triển khai 210ha mô hình giảm phát thải, tạo cơ sở để mở rộng quy mô trong tương lai.

Ngành nông nghiệp đã chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông cơ sở. Đến nay, có 2.400 người, bao gồm 30 cán bộ chuyên môn tham gia các khóa tập huấn, nhằm đảm bảo kiến thức và kỹ năng triển khai đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở.

Ngoài ra, Kiên Giang đã phối hợp thực hiện các mô hình của Bộ NN-PTNT, như mô hình thu hoạch và hệ thống tôm - lúa. Qua 20 ngày thực hiện, các chỉ số đang được theo dõi chặt chẽ, nhằm đánh giá hiệu quả thực tiễn.

Những kinh nghiệm này sẽ là bài học quý giá để các địa phương khác tham khảo và áp dụng, đảm bảo triển khai hiệu quả các mô hình nông nghiệp giảm phát thải, góp phần phát triển bền vững.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.