Theo báo cáo của Khu du lịch Vườn Xoài (KDL), tổng đàn hổ đang chăm sóc và nuôi dưỡng tại đơn vị là 42 cá thể và 2 cá thể báo. Nguồn gốc nhập khẩu lúc đầu có 12 con từ Nam Phi, sau đó đàn hổ sinh sản, tăng lên số lượng như hiện nay.
Từ ngày 8/9, KDL Vườn Xoài có 4 con hổ và 1 con báo bị chết và đến nay tổng số lên đến 20 con hổ và 1 con báo. Triệu chứng trước khi chết là bỏ ăn, đi lại yếu và sốt… Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm trên hổ chết gửi đi xét nghiệm cúm A/H5N1.
Ngoài số hổ và báo chết tại KDL Vườn Xoài, đoàn liên ngành cũng đã nhận được báo cáo trước đó, từ tháng 8 đến nay, tại Vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có 27 con hổ và 3 con sư tử bị chết. Trong đó, 3 con hổ con bị chết có nguồn gốc nhập về từ Công ty TNHH KDL Vườn Xoài. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương phát hiện virus cúm gia cầm A/H5N1 trên mẫu bệnh phẩm của loài hổ ở Vườn thú Mỹ Quỳnh.
Khi xảy ra tình trạng hổ chết, KDL Vườn Xoài đã báo với Hạt Kiểm lâm Biên Hòa và Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai phối hợp với Trạm Thú y Biên Hòa xuống mổ khám, lấy mẫu đại diện của 2 cá thể hổ và 1 cá thể báo để gửi đi xét nghiệm. Các phòng khám thú y bước đầu nhận định: Bạch cầu tăng cao là vì nhiễm khuẩn do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; Creatinine máu gấp 10 lần bình thường do suy thận, suy tim, sung huyết do nhiễm khuẩn cấp. Trong đó, có 2 chỉ tiêu dương tính là FPV (gây bệnh viêm ruột truyền nhiễm) và FCV (gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp). Các mẫu bệnh phẩm này cũng đã được tiếp tục gửi đi xét nghiệm cúm A/H5N1.
Đến nay, tuy chưa có kết quả hổ, báo tại KDL Vườn Xoài bị chết do nhiễm cúm A/H5N1 nhưng cơ quan chức năng nhận định không loại trừ khả năng lây từ nguồn thức ăn là thịt gà. Đoàn Thú y vùng VI yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai lấy thêm mẫu bệnh phẩm trên hổ và báo xét nghiệm cúm A/H5N1 để nắm tình hình dịch bệnh này có lây đa loài hay không.
Đoàn công tác cũng yêu cầu KDL Vườn Xoài cần xây dựng quy trình chặt chẽ hơn trong kiểm soát nguồn thức ăn cho vật nuôi, nhất là phải kiểm soát được chất lượng cũng như truy xuất được nguồn gốc nguồn thức ăn này.
Đồng thời, cần chủ động thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1 như: cách ly vật nuôi, không cho nhập thú nuôi mới về, thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng để hạn chế lây lan trên đàn vật nuôi; hạn chế người tiếp xúc với đàn vật nuôi, những người trực tiếp chăm sóc, tiếp cận đàn vật nuôi phải thực hiện các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang…
Những ngày qua, các cá thể hổ, báo đã chết được cấp đông trong container. Đến nay, số cá thể hổ và báo chết bắt đầu bốc mùi hôi thối vì số lượng quá nhiều, container cấp đông không đủ lạnh. KDL Vườn Xoài kiến nghị sớm cho xử lý số vật nuôi đã chết vì đây là nguồn lây lan dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện dịch cúm trên cá thể hổ, báo, nhưng trên thế giới đã ghi nhận cúm A/H5N1 lây trên nhiều loài như: bò, hải cẩu, các loài chim hoang dã, mèo… Đến nay, nguồn gốc lây bệnh trên hổ, báo vẫn chưa xác định được nhưng không loại trừ khả năng lây từ nguồn thức ăn là thịt gà vì thú xuất hiện triệu chứng lây nhiễm đồng loạt.