| Hotline: 0983.970.780

Lắng nghe để hỗ trợ người dân vùng đệm tốt hơn

Thứ Sáu 15/12/2023 , 15:50 (GMT+7)

Mọi chương trình, hành động đều phải lấy người dân làm trung tâm, cộng đồng làm chủ thể mới có thể đảm bảo tính bền vững, theo Phó giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì.

Người dân sống tại các khu vực xung quanh vùng đệm tham quan Vườn quốc gia Ba Vì. Ảnh: Bảo Thắng.

Người dân sống tại các khu vực xung quanh vùng đệm tham quan Vườn quốc gia Ba Vì. Ảnh: Bảo Thắng.

Những tâm tư của người dân

“Tôi mong muốn được hướng dẫn và hỗ trợ về nguồn giống, cũng như các kỹ thuật canh tác để có những loại cây không phải khai thác trắng lúc thu hoạch”, ông Nguyễn Văn Phán ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết.

Theo vị lương y này, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác sống tại vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì có tập quán trồng keo để cải thiện thu nhập. Sau từ 4 - 5 năm, keo được đưa vào khai thác. Người dân có đồng ra đồng vào, nhưng phải đánh đổi bằng việc cả một vạt rừng đang xanh tốt bỗng dưng trở thành đất trống, đồi trọc.

Chung nỗi tâm tư này, ông Nguyễn Xung Hưng ở xã Khánh Thượng nói cuộc sống gia đình từ hàng chục năm qua gắn chặt với cây thuốc tại vùng đệm. Đồng bào người Dao có truyền thống vào rừng, hái thuốc và tạo ra những bài thuốc nam đơn giản, nhưng có tác dụng hữu hiệu với người dân.

Cách đây mấy chục năm, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, đồng bào người Dao hạ sơn từ độ cao 700 - 800m xuống chân núi Ba Vì. Họ phải đổi phương thức canh tác, từ du canh du cư, phát rừng làm rẫy, săn bắt hái lượm… sang trồng trọt, tự làm ra cái ăn.

Hạ sơn nhưng ông Hưng không tách cuộc sống của bản thân khỏi cánh rừng thân thuộc. Đều đặn, đời cha rồi đời con vẫn tiếp nối các bài thuốc nam chữa bệnh cứu người. Với hàng chục năm lịch sử, ông hy vọng sẽ được các cấp chính quyền hỗ trợ để mở các cửa hiệu thuốc nam, giúp ngành nghề này hình thành chuỗi liên kết và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Chu Ngọc Quân giới thiệu một số cây thuốc với người dân. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Chu Ngọc Quân giới thiệu một số cây thuốc với người dân. Ảnh: Bảo Thắng.

Thực tế là khi đồng bào các dân tộc ở vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì xuống núi, thứ họ muốn mang theo nhất chính là những cây thuốc. Chẳng thế mà bà Nguyễn Thị Thoa ở xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) luôn tâm tư về điều này.

Bà bảo, hầu hết các hộ dân theo nghề thuốc nam giờ có ít đất để trồng cây dược liệu. Ngoài ra, những cây thuốc nam hầu như chỉ thích hợp với khí hậu của các vùng có độ cao trên 400m, nhiệt độ mát mẻ hơn. Để giải bài toán nguyên liệu, bà cùng một số hàng xóm đã hình thành các nhóm thu gom, vận chuyển nguyên liệu cây thuốc từ các vùng khác về.

“Tôi chỉ ước có một vườn cây thuốc nam ở gần nhà. Thử trồng mấy lần rồi nhưng dược tính không bằng như trên núi”, bà Thoa bày tỏ.

Xã Thịnh Minh vốn là hai xã Hợp Thịnh và Phú Minh thuộc huyện Kỳ Sơn cũ (Hòa Bình). Trước đây, xã yên bình, người dân chăm chỉ, cần cù làm ăn. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, nạn kích giun hoành hành khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

Theo lời bà Trần Thị Thảo, thảm thực vật tại các khu vực bà hái thuốc bị ảnh hưởng bởi những người kích trộm giun. Trao đổi với Vườn quốc gia Ba Vì trong buổi tọa đàm ngày 8/12, vị lương y mong muốn có những biện pháp để sớm ngăn chặn, xử lý tình trạng này.

Hình thành cộng đồng phát triển tại vùng đệm

Cùng với xã Bá Trại, huyện Ba Vì, người dân xã Khánh Thượng và Thịnh Minh được Vườn quốc gia Ba Vì mời đến đối thoại để lắng nghe trực tiếp những tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, có những chính sách phù hợp, sát thực tiễn, góp phần hỗ trợ một cách tốt nhất cho bà con.

Vùng đệm của Vườn quốc gia Ba Vì trải dài trên 15 xã, thuộc 3 huyện, 1 thành phố trực thuộc tỉnh. Tổng số dân trong khu vực các xã vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì khoảng 150.000 người, trong đó người Kinh chiếm khoảng 50%, còn lại là dân tộc Mường, Dao và Thái. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đệm chiếm hơn 10%, tập trung chủ yếu tại xã Khánh Thượng.

Theo ông Quân, để trồng cây dược liệu dưới tán rừng hiệu quả, tầng đất phải đủ dinh dưỡng. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Quân, để trồng cây dược liệu dưới tán rừng hiệu quả, tầng đất phải đủ dinh dưỡng. Ảnh: Bảo Thắng.

Hơn 90% lao động hoạt động trong khu vực nông lâm nghiệp, với đặc thù năng suất thấp do phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Mức sống của phần lớn dân cư trong vùng ở mức thấp, chỉ đảm bảo đời sống thường ngày.

Chính vì vậy, ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì xác định hỗ trợ vùng đệm dựa trên 3 yếu tố chính: Môi trường bền vững, kinh tế bền vững và xã hội bền vững. Tính đến thời điểm hiện tại, vườn đã triển khai 5 dự án lớn về vùng đệm. Gần nhất là năm 2021, vườn được Trung tâm Khuyến nông quốc gia đầu tư dự án và phát triển mô hình Bương mốc gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội và Hòa Bình.

Từ năm 2013 đến nay, Vườn thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng cho 253 thôn, vườn đã cấp gần 150.000 cây ăn quả, gần 250 con bò và sửa chữa nhiều nhà văn hóa thôn để phục vụ người dân vùng đệm.

Vườn quốc gia Ba Vì cũng ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với nhân dân địa phương, tham gia đào tạo bồi dưỡng nhân lực tại chỗ về phát triển du lịch. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền cho người dân về quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường.

Theo ông Quân, Vườn quốc gia Ba Vì nằm trong số ít các vườn quốc gia tự chủ tài chính một cách bền vững, thông qua các hoạt động du lịch sinh thái. Người dân vùng đệm được hưởng lợi khi trở thành lao động trực tiếp, hoặc có cơ hội quảng bá văn hóa, sản phẩm bản địa. Tuy nhiên, mặt trái là lạm phát tăng vượt so với trước, phân hóa giàu nghèo tăng…

Mô hình trồng cây dược liệu tại Vườn quốc gia Ba Vì. Ảnh: Bảo Thắng.

Mô hình trồng cây dược liệu tại Vườn quốc gia Ba Vì. Ảnh: Bảo Thắng.

Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho người dân vùng đệm, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì kêu gọi người dân phối hợp tạo ra các sản phẩm dịch vụ, du lịch chất lượng cao theo chiến lược phát triển kinh tế vùng phía Tây Hà Nội. Đồng thời, hướng tới liên kết chuỗi, hỗ trợ thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” với các xã vùng đệm.

“Chúng tôi sẽ kiên trì phối hợp xây dựng nông thôn mới cho các xã vùng đệm, góp phần hình thành một cộng đồng du lịch hoàn chỉnh. Trên cơ sở tuyên truyền làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thô sơ, Vườn quốc gia Ba Vì mong muốn các bên liên quan sẽ chung tay tái cơ cấu kinh tế phục vụ du lịch và tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở địa phương”, ông Quân cho biết.

Chung tay tạo hướng đi bền vững

TS Nguyễn Mậu Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp và PTNT Bắc Bộ chia sẻ, tại vùng đệm của các rừng đặc dụng, người dân được hỗ trợ bình quân 300.000 đồng/ha/năm . Nhà nước cũng chi hỗ trợ cộng đồng dân cư thôn bản để đồng quản lý rừng, với mức chi là 40 triệu đồng/thôn/năm.

Theo tổng hợp từ các ban quản lý khu bảo tồn, giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm có khoảng 1.100 lượt thôn, bản vùng đệm được hỗ trợ từ Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, với tổng kinh phí gần 45 tỉ đồng.

Dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống của cư dân vùng đệm vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, ông Thái đề xuất, các ban quản lý rừng cần chủ động tạo nguồn thu ngoài ngân sách như phát triển du lịch sinh thái, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ các bon… để chia sẻ lợi ích với cộng đồng vùng đệm.

Bên cạnh đó, các ban quản lý nên nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế bền vững cho người dân. “Chúng ta có thể lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ vùng đệm”, ông Thái nhấn mạnh.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bảo Thắng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bảo Thắng.

Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng đệm, vai trò của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp xã cần được phát huy với yêu cầu cao hơn, theo TS Đỗ Quốc Đạt, chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Đạt khuyến nghị 3 nhóm giải pháp chính cho vấn đề này, trong đó có việc nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo gắn với năng lực xử lý và giải quyết tình huống, đặc biệt là những tình huống nhạy cảm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

“Sự ủng hộ của người dân là rất quan trọng. Vì thế, lãnh đạo cần tăng cường khả năng dự báo, dự đoán, kết hợp sự từng trải trong kinh nghiệm sống, sự hiểu biết pháp luật, cộng thêm khả năng giao tiếp để khéo léo giải quyết các vấn đề phát sinh theo hướng hài hòa các mối quan hệ”, ông Đạt nêu quan điểm.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết, phát triển du lịch tại khu vực vùng đệm các vườn quốc gia có nét tương đồng với Đà Bắc - một huyện vùng cao, nằm ở phía tây bắc của địa phương.

Với điều kiện tự nhiên đặc thù, bị chia cắt mạnh mẽ bởi núi, đồi, sông, suối nên phần lớn đất đai ở Đà Bắc là đất lâm nghiệp (chiếm 65%). Đây là điều kiện thuận lợi để Đà Bắc phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng.

Hiện Đà Bắc nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Khí hậu nơi đây quanh năm trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, Khu bảo tồn Pu Canh có diện tích trên 500ha được bảo vệ nghiêm ngặt cùng núi Pu Canh cao nhất Hòa Bình (1.373m) đã tạo cho huyện lợi thế phát triển loại hình du lịch leo núi mạo hiểm, đi bộ hay phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Gần đây, một số hộ dân ở xóm Ké, xã Hiền Lương còn đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, hình thành bãi cắm trại để phục vụ khách. Các cơ sở lưu trú homestay đón khách tấp nập, tháng cao điểm có thể đạt doanh thu 30 - 40 triệu đồng.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.