Trong lịch sử, Arsenal từng sở hữu rất nhiều tiền đạo xuất sắc như Thierry Henry, Dennis Bergkamp, Ian Wright, Robin van Persie, Nwando Kanu hay mới nhất là Pierre-Emerick Aubameyang. Tuy nhiên, không ai trong số họ mang áo số 9 của một tiền đạo.
Ở một góc độ nào đó, vấn đề Arsenal gặp phải khá giống Chelsea. Hai đội cùng thất bại trong việc tìm một cây săn bàn đúng nghĩa, có khả năng ghi từ 20 - 30 bàn mỗi mùa. Bởi vậy, chiếc áo số 9 của Arsenal thường gắn liền với những thất bại, ít nhất là trong 20 năm qua.
Cái tên gần nhất xứng đáng với áo số 9 tại Arsenal là Nicolas Anelka. Tuy nhiên, sau khi là hạt nhân giúp "Pháo thủ" đoạt cú đúp quốc nội vào mùa 1997 - 1998, tiền đạo người Pháp nghe theo tiếng gọi của Real Madrid, và trao lại chiếc áo số 9 cho Davor Suker vào năm 1999. Lời nguyền số áo tại Arsenal cũng bắt đầu từ ấy.
Vào thời điểm năm 1999, Suker vẫn là một cái tên đẳng cấp. Ông vừa đoạt Chiếc giày vàng World Cup 1998, và giúp Croatia đứng hạng Ba chung cuộc năm ấy. Tuy nhiên, lối chơi giàu thể lực ở Ngoại hạng Anh không phù hợp với thể chất của một cầu thủ ngoài 30 như Suker. Chỉ sau một mùa, Suker nhanh chóng bị thanh lý sang West Ham, với thành tích ghi vỏn vẹn 8 bàn.
Sau Suker, HLV Arsene Wenger trao số 9 cho Francis Jeffers, một tài năng trẻ sáng giá của bóng đá Anh lúc ấy. Ông thầy người Pháp hy vọng cựu tiền đạo Everton sẽ trở thành đối tác ăn ý của Thierry Henry trên hàng công. Nhưng rốt cuộc, tiền đạo người Anh chỉ ghi được 4 bàn trong 3 mùa khoác áo Arsenal, trước khi bán xới sang Charlton.
Cái tên hiếm hoi sau Anelka thể hiện tương xứng với kỳ vọng về một số 9 là Antonio Reyes. Tiền đạo người Tây Ban Nha là thành viên của đội hình bất bại mùa 2003 - 2004. Nhưng lối chơi kỹ thuật của anh nhanh chóng trở thành "miếng mồi" cho các hậu vệ Ngoại hạng Anh lực lưỡng. Hè 2006, Arsenal chấp nhận trao đổi Reyes để lấy Julio Baptista từ Real Madrid. "Pháo thủ" hy vọng, việc thay đổi môi trường có thể giúp Reyes lấy lại cảm hứng chơi bóng.
Tuy nhiên, kế hoạch này thiệt cả đôi đường. Reyes không thể trở lại đỉnh cao. Anh thậm chí còn yểu mệnh khi thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông hồi tháng 9/2019. Còn Baptista, người chuyển đến từ Real và kế thừa chiếc áo số 9, cũng lụi tàn tài năng. Tiền đạo người Brazil gây ấn tượng khi ghi 4 bàn giúp Arsenal thắng đậm Liverpool với tỷ số 6-3 ở Cúp Liên đoàn, nhưng đó cũng là tất cả những gì anh làm được ở sân Emirates. Bởi ở Ngoại hạng Anh, anh chỉ ghi 3 bàn trong 24 lần ra sân.
Eduardo Da Silva lại là một trường hợp đáng tiếc khi đeo áo số 9. Chân sút người Brazil đã có những màn trình diễn tuyệt vời, và được xem là mở ra một kỷ nguyên mới cho đội bóng. Tuy nhiên, việc bị Martin Taylor làm gãy chân khiến anh hoàn toàn đánh mất phong độ. Sau Da Silva, Arsenal có Lukas Podolski. Chân sút người Đức ghi 31 bàn trong 2 năm rưỡi khoác áo đội bóng, nhưng chủ yếu được xếp đá cánh trái thay vì tiền đạo.
Park Chu-Young và Lucas Perez là những thất vọng của người hâm mộ Arsenal khi nghĩ về số 9. Một cầu thủ đơn giản là bản hợp đồng thương mại, còn người kia có đúng một bàn sau 11 lần ra sân. Alexandre Lacazette đang là chủ nhân của chiếc áo số 9 tại Arsenal, nhưng ngay mùa đầu tiên, người ta đã biết anh sẽ nối dài lời nguyền số 9 tại London.