Ngày 12/6, Bộ NN-PTNT đã chính thức cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam để giết mổ (hoặc nuôi).
Những ngày qua, một số lô lợn giống và lợn thịt từ Thái Lan cũng đã được các doanh nghiệp phía Nam nhập khẩu về nước. Đây là động thái được kỳ vọng sẽ giúp bổ sung nguồn lợn giống nhằm đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn, đồng thời tăng cường nguồn cung thịt lợn giúp hạ nhiệt giá lợn trong nước.
Mặc dù vậy, một số dư luận cũng lo ngại khi cho rằng, việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan sẽ có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong nước? Về vấn đề này, Cục Thú y khẳng định đã có các giải pháp, quy định nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn về nguy cơ dịch bệnh khi nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về nước.
Cụ thể, theo Cục Thú y, trước khi trình Bộ NN-PTNT quyết định cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, Cục Thú y đã tiến hành kiểm tra, nghiên cứu chi tiết để đánh giá các nguy cơ rủi ro dịch bệnh đối với các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu mà phía Thái Lan đã cung cấp, cũng như thông tin thu thập từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Trước đó, Việt Nam cũng đã cho phép nhập khẩu lợn giống từ Thái Lan. Các lô lợn giống nhập khẩu từ Thái Lan trong nhiều năm qua cho thấy hoàn toàn đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh. Cục Thú y cũng đã nhiều lần có các hoạt động hợp tác, thăm và kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh, hệ thống quản lí nhà nước về thú y trong phòng chống dịch bệnh của Thái Lan.
Theo đó, khẳng định Thái Lan là quốc gia có nền chăn nuôi lợn phát triển cao, có hệ thống để quản lí vệ sinh thú y, môi trường, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi rất chặt chẽ. Thái Lan hiện nay là quốc gia không có bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và một số bệnh khác theo quy định giữa hai nước đối với đàn lợn sống nhập khẩu sang Việt Nam.
Thái Lan hiện là một trong 6 quốc gia trên thế giới đã được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận về chương trình quốc gia kiểm soát bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc...
Đối với việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, cơ quan thú y hai nước (Cục Thú y và Tổng cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan) đã đàm phán, thống nhất các biện pháp chặt chẽ về kiểm dịch, kiểm soát nguy cơ dịch bệnh trong quá trình nhập khẩu, với các yêu cầu cụ thể như sau:
Lợn xuất khẩu sang Việt Nam phải lấy từ các trang trại trong vòng bán kính 10km không có các bệnh trong vòng 12 tháng trước khi xuất khẩu, bao gồm bệnh LMLM, bệnh tai xanh, bệnh viêm dạ dày ruột truyền nhiễm, bệnh sảy thai truyền nhiễm, bệnh viêm mũi truyền nhiễm, bệnh giả dại, bệnh dịch tả lợn cổ điển, bệnh xoắn khuẩn.
Lợn phải có nguồn gốc là các đàn lợn không có các ca bệnh giun bao trong vòng 3 năm trước khi xuất khẩu. Lợn phải không được tiếp xúc với bất kỳ nguồn bệnh truyền nhiễm nào trong quá trình vận chuyển từ trang trại tới địa điểm xuất hàng tại Thái Lan; không có các triệu chứng lâm sàng của bất kỳ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào vào ngày xuất khẩu sang Việt Nam.
Mặt khác, đây là lợn giết mổ làm thực phẩm (hoặc để nuôi) nên yêu cầu phải không được sử dụng các thức ăn có chứa các chất cấm trong chăn nuôi theo quy định thống nhất về danh mục các chất cấm của cả hai nước.
Về tiêm phòng, yêu cầu lợn phải được tiêm phòng các bệnh LMLM và tai xanh. Đồng thời, lợn phải được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính trong vòng trước 30 ngày trước khi xuất khẩu sang Việt Nam đối với các bệnh gồm sảy thai truyền nhiễm, dịch tả lợn Châu Phi và bệnh xoắn khuẩn.
Lợn phải có nguồn gốc từ các trang trại được quản lí theo các tiêu chuẩn của Thái Lan về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAHP), được cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan kiểm soát.
Trong quá trình xuất khẩu, lợn phải được vận chuyển bằng các xe chuyên dụng đến các cửa khẩu trên đất liền theo chỉ định của phía Việt Nam.
Phương tiện vận chuyển phải đảm bảo vệ sinh thú y, được tiêu độc khử trùng bằng các phương pháp đã được cơ quan thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Thái Lan phê duyệt.
Thái Lan cũng đã tổ chức kiểm tra giám sát các cơ sở chăn nuôi lợn, theo đó bước đầu đã đăng ký cho 8 doanh nghiệp với 8 trang trại để xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu có thể thay đổi tùy theo nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp Thái Lan và nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Các trang trại của doanh nghiệp phía Thái Lan đạt các yêu cầu theo quy định, nếu có nhu cầu xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam thì có thể cập nhật thêm vào danh sách và gửi cho phía Việt Nam (không hạn chế số lượng).
Về phía Việt Nam, việc triển khai nhập khẩu lợn sống của các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu, thủ tục theo quy định của Luật Thú y cũng như các văn bản hướng dẫn luật.
Cụ thể, doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu lợn sống từ các trang trại của Thái Lan đã được cơ quan có thẩm quyền về thú y của Thái Lan tổ chức kiểm tra, xác nhận và đăng ký xuất khẩu với cơ quan thú y của Việt Nam.
Các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam phải có xe vận chuyển đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn vệ sinh thú y và phúc lợi động vật.
Các doanh nghiệp phải có cơ sở nuôi cách ly để kiểm dịch phía Việt Nam đáp ứng yêu cầu theo quy định. Các cơ sở cách ly kiểm dịch này phải được cơ quan thú y Việt Nam kiểm tra, thẩm định, xét nghiệm đạt yêu cầu các chỉ tiêu theo quy định trước khi đưa đàn lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan về nuôi cách li.
Trong thời gian nuôi cách ly kiểm dịch, cơ quan thú y sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo yêu cầu mới được phép đưa đi giết mổ hoặc đưa về cơ sở nuôi.
Như vậy, việc Việt Nam cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống từ Thái Lan, có sự kiểm soát chặt chẽ, với các yêu cầu, điều kiện nghiêm ngặt sẽ đảm bảo được an toàn dịch bệnh. Điều này cũng có thể giảm được tình trạng lợn nhập lậu qua biên giới phía Nam, không được kiểm soát về nguy cơ dịch bệnh.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh; bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản lợn ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở… với các nước Lào, Campuchia.
Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy theo quy định...