Metro Nhổn - Ga Hà Nội dài là 12,5 km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới toàn tuyến là năm 2027.
Đến ngày 3/7, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, hết tháng 6, tiến độ thi công đoạn trên cao thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã đạt 100% khối lượng.
8 nhà ga trên cao và depot Nhổn đã được công nhận kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. 10 đoàn tàu được đăng kiểm và dán tem. Các thiết bị tại nhà ga và depot cũng được dán tem kiểm định theo quy định. Tư vấn Systra đã cấp Chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành (TOC) cho từng gói thầu.
Về nhân sự vận hành, MRB cho hay 353 người của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã được đào tạo. Công tác vận hành thử dự án đã hoàn thành vào cuối tháng 5.
"Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang nỗ lực gấp rút hoàn thiện các thủ tục sớm đưa dự án vào vận hành thương mại", lãnh đạo MRB cho hay. Tuy nhiên, thời điểm vận hành đoạn trên cao vẫn chưa được công bố.
Cũng theo lãnh đạo MRB chia sẻ, đơn vị đang chờ Liên danh Tư vấn Apave Bureau Veritas - Certifer (Tư vấn ABC) của Pháp hoàn thiện báo cáo đánh giá và phát hành Chứng nhận an toàn hệ thống.
"Tư vấn ACB hẹn 28/6 sẽ có báo cáo đánh giá và chứng nhận an toàn, nhưng sau đó lùi sang ngày 10/7", lãnh đạo MRB chia sẻ.
Sau khi tư vấn ABC trình nộp báo cáo và chứng nhận, MRB sẽ trình hồ sơ chứng nhận an toàn hệ thống lên Cục Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) để thẩm định và chấp thuận. Cuối cùng, Hội đồng kiểm tra nhà nước sẽ họp thông qua kết quả nghiệm thu để thống nhất đưa đoạn tuyến trên cao vào vận hành thương mại.
Dù bắt đầu có dấu hiệu chậm trễ trong khâu đánh giá an toàn, tuy nhiên phần việc này tại dự án Nhổn - Ga Hà Nội được tin tưởng là không tốn nhiều thời gian như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Lý do là Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống đã tham gia cùng nhà thầu từ quá trình thi công xây dựng, làm đến đâu góp ý và nghiệm thu đến đó.
Bên cạnh việc chờ đánh giá an toàn hệ thống, MRB cũng đang phải hoàn thành các thủ tục về bảo vệ môi trường, trong đó phải xin cấp Giấy phép môi trường cho dự án.
Dự kiến, sau khoảng 15 ngày kể từ khi Tư vấn ABC phát hành chứng chỉ an toàn hệ thống cho đoạn trên cao, Cục Đường sắt sẽ kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.
Sau khi có Chứng nhận an toàn hệ thống và Giấy phép môi trường, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu sẽ họp phiên kết luận và có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành đoạn trên cao. Sau công tác nghiệm thu, dự án sẽ được bàn giao cho Hanoi Metro khai thác vận hành.
Lãnh đạo MRB vẫn khẳng định mục tiêu đưa dự án vào vận hành thương mại trong tháng 7. Tuy nhiên, việc này là không dễ với khối lượng quy trình, thủ tục nêu trên.
Song song với việc vận hành đoạn trên cao, MRB cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm. Tuy nhiên, khối lượng thi công của hạng mục này đến nay mới đạt 34,5%.
3 ga ngầm S9, S10 và S11 đã hoàn thành kết cấu bê tông cốt thép, sẵn sàng đón robot đào hầm xuyên qua. Riêng ga S12 đang phải thúc tiến độ do có khối lượng thi công lớn (gồm cả gara).
Theo khẳng định của lãnh đạo MRB, 2 robot đào hầm (TBM) của dự án sẽ được vận hành trong tháng 7.
Trước đó, vào tháng 3/2021, nhà thầu đã đưa 2 robot khoan ngầm về công trường và hoàn thành lắp ráp. 2 robot được đặt tên là "Thần Tốc" và "Táo Bạo" với kỳ vọng sớm được vận hành. Trớ trêu thay, chúng đã nằm im dưới ga ngầm S9 suốt từ đó đến nay.