| Hotline: 0983.970.780

Móc ruột hồ Dầu Tiếng

Thứ Hai 31/03/2014 , 10:34 (GMT+7)

Cùng sự mất an toàn hồ đập là ô nhiễm sông hồ hiển hiện mười mươi, trong đó nguy hiểm nhất từ nguy cơ nhiễm chất dioxin...

Những chiếc “vòi rồng” cắm sâu xuống đáy sông, hồ cả chục mét, hút cát lên lòng tàu, rồi nhả ra mặt nước một chất lỏng vàng khè. Cùng sự mất an toàn hồ đập là ô nhiễm sông hồ hiển hiện mười mươi, trong đó nguy hiểm nhất từ nguy cơ nhiễm chất dioxin nằm sâu dưới lớp trầm tích đáy hồ.

Đó là tình trạng khai thác cát vô tội vạ từ nhiều năm nay ở khu vực hồ Dầu Tiếng (địa bàn tỉnh Tây Ninh, Bình Dương), sông Tha La, sông Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh).

Hàng ngày, trên hồ Dầu Tiếng, rải từ địa phận huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), đến huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), có cả trăm chiếc tàu hút cát, hoạt động rầm rộ, công khai. Không chỉ đe dọa an toàn hệ thống đập chính, mà nguồn nước còn có nguy cơ nhiễm chất dioxin nằm sâu dưới lớp trầm tích đáy hồ.


Có cả trăm chiếc tàu hút cát đang hoạt động ở hồ Dầu Tiếng, trong đó có những tàu hoạt động cách bờ đập chính chỉ vài trăm mét

Nghe tôi nói mục đích thuê xuồng đi 1 vòng quanh hồ, bác tài công chuyên đưa khách từ bờ hồ Dầu Tiếng ra đảo Nhím (Dương Minh Châu, Tây Ninh) tên Ba, nhìn tôi ngần ngừ: “Đi cũng được, nhưng tôi hơi ngại, vì tụi hút cát cũng dữ lắm. Tôi sống ở đây, tụi nó biết mặt hết”. Tôi trấn an anh một hồi anh mới xuôi tai đồng ý chở tôi đi với giá 4 trăm ngàn, đi đến khi tôi xong việc mới quay vào.

Chiếc xuồng nổ máy, xé tan bầu không khí và khung cảnh tuyệt đẹp dưới chân núi Bà Đen, lao đi. Khi chiếc xuồng có trớn, chạy êm hơn, anh Ba kể: “Có lần tôi đang chở khách ra đảo, lúc đó mặt hồ rất lặng, gió nhẹ, xuồng đang chạy ngon trớn, bất ngờ ngay trước mặt tôi có một cột nước cao khoảng gần 1 mét ùn lên. Dù cột nước không cao lắm, nhưng nó cuốn ngầm, làm chiếc xuồng chao đảo.

16-08-27_anh-4
Tàu gần như chìm do hút quá nhiều cát

Cũng may tôi đánh mũi xuồng né kịp. Lúc đó tôi chẳng hiểu chuyện gì, cứ tưởng động đất dưới đáy hồ. Sau này, nhiều lần thấy tàu hút cát tôi mới hiểu nguyên nhân. Đó là do mấy cái ống hút cắm sâu xuống lòng đất đáy hồ có khi cả hơn chục mét để hút cát lên, khiến lòng đất bị rỗng, rồi sụp xuống”.

Xuồng đi chừng 10 phút, đến ngang khu vực đập chính hồ thuộc xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu. Tại đây, chỉ cách bờ hồ vài trăm mét, là một công trường khai thác cát với quy mô lớn. Chiếc tàu hút cát công suất lớn đang gầm rú. Bên hông tàu là những ống dẫn loại lớn cắm sâu xuống đáy hồ, vừa hút cát lên tàu vừa nhả nước vàng khè ra mặt hồ.

Chiếc tàu càng lúc như càng nặng hơn, như đang chìm dần. Đến khi mạn tàu đã mấp mé mặt nước, cảm giác chỉ cần 1 làn sóng nhẹ cũng khiến nước tràn qua mặt tàu, thì những ống hút được rút lên, chiếc tàu quay mũi, ì ạch chạy vào bờ cách đó không xa, nơi có những đống cát to như núi, xe múc, xe tải đang hoạt động tấp nập.

Chạy dọc bờ hồ, từ địa bàn xã Suối Đá (khu vực cống ngầm), Phước Ninh, Phước Minh, đến ngay trước đập chính của hồ, cứ cách vài trăm mét lại có một công trường khai thác cát. Nhẩm đếm sơ sơ, có 15 chiếc tàu, đen như con bọ hung, đang cần mẫn hút cát hoặc chạy ra chạy vào bờ như con thoi.

16-08-27_anh-7
16-08-27_anh-9
 Những mỏ cát quanh hồ Dầu Tiếng (khu vực Dương Minh Châu, Tây Ninh)

Đối diện khu rừng lịch sử Dương Minh Châu là bãi cát Tiên. Anh Ba cho biết, bãi cát này của một tay có “số má” ở Tây Ninh, là một trong những bãi cát nổi tiếng và lâu đời nhất ở khu vực hồ Dầu Tiếng. “Số má là sao?”, tôi hỏi. “Là “có số” trong giới làm ăn lớn, trong giới giang hồ và được bảo kê, anh Ba cười trả lời. Khi tôi hỏi bảo kê là sao, anh tiếp tục cười… trong im lặng.

Trên bờ hồ thuộc các xã Định Thành, Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương), có hơn chục bãi cát đang hoạt động, xe tải, xe ben liên tục vào bãi, dừng lại và hứng những “muỗng cát” từ chiếc máy xúc đổ xuống, vài phút sau, khi đầy thùng, xe lại ì ạch chạy ra, nhường chỗ cho xe khác vào.

Chỉ vào bờ, nơi có một bãi cát rất hoành tráng ở bến Bưng Bàng (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), nói: “Bãi này của thằng S “cùi”, hoạt động từ hơn chục năm nay. Ban đầu nó chỉ có 1 tàu, giờ nghe nói tăng lên 7 cái rồi”.

Tại khu vực hồ Dầu Tiếng, ngoài bãi cát Tiên nói trên, còn có 2 điểm nóng khác về khai thác cát là bến K7 (xã Phước Minh), và khu vực bến đò Hai Thỏ (ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, Dương Minh Châu). Đây là những địa điểm có trữ lượng lớn cát vàng, đẹp, từng bị nhiều doanh nghiệp khai thác ồ ạt, cả công khai và “chui”. Dù bị cấm, nhưng một số cá nhân vẫn tiếp tục khai thác.

16-08-27_anh-13
Những bãi cát ở bờ hồ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng Bình Dương)

“Theo văn bản của Tổng cục Thủy lợi thì việc cấp giấy phép hoạt động khai thác trong hồ Dầu Tiếng phải qua 3 giai đoạn là cấp phép thăm dò đánh giá trữ lượng, thẩm định. Khi có kết quả mới cấp phép. Tuy nhiên, thực trạng khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng thời gian qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp, cá nhân khai thác tùy tiện, chẳng theo quy trình, chưa kể tình trạng khai thác lậu, gây tác động xấu đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước và sự an toàn của hồ Dầu Tiếng”, một lãnh đạo công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.

Gần đây, đã có một vài trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hành chính nhưng nhiều cá nhân vẫn tiếp tục khai thác “chui” hoặc bán công khai… Một cán bộ Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, trong khu vực hồ Dầu Tiếng hiện có hàng chục tàu khai thác cát lậu hoạt động, kéo theo đó là vài chục bến, bãi tập kết cát ở các điểm bán ngập, trên bờ hồ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 4 DN được cấp phép khai thác cát ở khu vực hồ Dầu Tiếng. Trong đó, chỉ có Công ty cổ phần khoáng sản và xây dựng Bình Dương được cấp phép khai thác trong thời hạn 10 năm (công suất 98.000 m3/năm). 3 doanh nghiệp khác được cấp phép 5 năm là: Công ty TNHH TM-DV Dương Đại Lực (công suất khai thác 40.000 m3/năm), DNTN Huy Thiện (công suất 20.000 m3/năm), Liên doanh Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà và Công ty CP Xây dựng 40 (công suất 38.500m3/năm).

Ngoài ra, có 9 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò, đánh giá trữ lượng cát ở những nhánh suối nhỏ như M.T, C.D, H.B (Bình Dương), B.N, A.B, V.U, Q.V, Q.T, T.Đ (Tây Ninh). Tuy nhiên, việc kiểm soát các DN có phép khai thác đúng khối lượng thì gần như không thể.

 “Ôi giời, giấy phép chỉ cho khai thác khối lượng ngần ấy, nhưng ai theo họ mà cân đo, kiểm tra suốt ngày được? Còn mấy DN được cấp phép thăm dò, nhưng họ có “kết hợp” khai thác luôn hay không thì có trời mới biết”, anh Ba nói. Và, ngoài 4 đơn vị được cấp phép khai thác nói trên, khu vực hồ Dầu Tiếng còn có hàng chục DN, cá nhân khác vẫn ngày đêm khai thác “chui”.

Theo những người dân chạy xuồng, thả lưới quanh hồ Dầu Tiếng thì có hai loại tàu hút cát và 2 mốc thời gian hoạt động. Những ghe hiện đại, được đầu tư tốt, thường hoạt động liên tục từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm, có thể được từ 5 – 6 chuyến. Với sức chứa từ 50 – 60 khối, một tàu có thể hút từ 250 – 300 khối cát/ngày. Còn những ghe thô sơ, đầu tư ít, chỉ hoạt động khi có ánh sáng trời, tức từ 7 giờ sáng đến chiều tối, cũng được 3 – 4 chuyến.


Bãi cát trên hồ Dầu Tiếng - khu vực Bình Dương 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.