Bảo tồn phát triển làng hoa lớn nhất ĐBSCL
Làng hoa Sa Đéc đã hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20 và cùng thế kỷ đó có một nghệ nhân hoa kiểng đã gắn chặt tên tuổi với làng hoa, nghệ nhân Tư Tôn, nhập hàng trăm loài hoa hồng từ nước Pháp xa xôi về thuần hóa, xây dựng nên “Vườn Hồng” nổi tiếng. Bây giờ, ở phường Tân Quy Đông, con đường từ bờ sông Tiền chạy sang sông Sa Đéc mang tên Vườn Hồng và Vườn Hồng Tư Tôn vẫn còn đây, bước vào đó là một thế giới hoa hồng lộng lẫy sắc màu, có cả hoa hồng màu xanh.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, UBND TP Sa Đéc đã thuê đơn vị tư vấn người Pháp thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TP Sa Đéc để làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, bảo tồn phát triển làng hoa. Đến nay đã phát triển được hơn 950 ha hoa kiểng, với trên 4.000 hộ dân, khoảng 3.000 loài hoa kiểng khác nhau, trở thành một trong những vựa hoa kiểng lớn vùng ĐBSCL.
Trong khởi đầu thực hiện phát triển Làng hoa gắn với phát triển du lịch. Lúc đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh, chất lượng cuộc sống của mỗi cư dân thành phố hoa phải được nâng tầm. Mỗi nghệ nhân trồng hoa cần trở thành người tiếp thị du lịch bằng lòng tự hào với xứ sở ngàn hoa của mình. Làm được điều đó, chúng ta đã giải quyết một cách căn cơ sự đối lập giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, để hoa trên mảnh đất Sa Đéc này không chỉ làm đẹp cho muôn nơi mà nó còn làm đẹp cho chính những người vun trồng nó. Bên cạnh đó còn kêu gọi chính quyền hãy cùng ngồi lại với những nghệ nhân trồng hoa, với từng cộng đồng dân cư để cùng nhau hoạch định một lộ trình biến khát vọng thành phố hoa thành hiện thực.
Bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc cho biết: Thời gian qua ngành hoa kiểng và du lịch nông nghiệp, nông thôn tại TP Sa Đéc thực sự được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ trong khoảng 5 năm gần đây. Sa Đéc không chỉ có Làng hoa mà còn có Làng Bột. Làng Bột, bình quân mỗi ngày Làng nghề bột Sa Đéc sản xuất khoảng 38.000 tấn bột cung cấp trong và tỉnh, làm nên những thương hiệu như: hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang, bánh phồng tôm Bích Chi và bột gạo lứt Bích Chi. Làng gạo, cạnh dòng Sa Giang luôn tấp nập tàu bè, thương lái là cửa ngõ xuất khẩu gạo của tỉnh và khu vực miền Tây. Trong vòng bán kính khoảng 40 km, Sa Đéc là trung tâm nối hàng chục làng nghề như: làng xuồng, làng quýt, làng nem...
Trong những năm qua, Sa Đéc đã không ngừng đầu tư, nâng cấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, thực hiện nhiều dự án nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. TP Sa Đéc đã tạo dựng nhiều điểm nhấn hấp dẫn thông qua các hoạt động “Tuần lễ Du lịch”, “Lễ hội hoa Xuân” và năm 2023 TP Sa Đéc được tỉnh chọn làm Festival hoa kiểng lần thứ nhất. Qua đó, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch, dịch vụ, mua bán hoa kiểng, tại Làng hoa Sa Đéc, quảng bá và kết nối làm ăn.
Cũng từ đó, đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân làng hoa từ đơn thuần trồng hoa, kiểng để bán nay chuyển dịch thành trồng hoa kiểng kết hợp với dịch vụ du lịch trải nghiệm, xây dựng các điểm check in thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đến nay đã không còn là du lịch vào các mùa lễ hội mà quanh năm, lúc nào cũng có sản phẩm hoa kiểng để phục khách khi đến tham quan trải nghiệm.
Hiện Sa Đéc đã hình thành phát triển hơn 14 điểm du lịch cộng đồng đã được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, trong đó có 3 cơ sở homestay và 11 điểm tham quan phục vụ khách du lịch. Đến nay TP Sa Đéc đã có sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, nhất trí cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân quyết tâm đưa ngành du lịch của thành phố ngày càng phát triển theo hướng bền vững, trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng. Từ năm 2020 đến nay, đã có hơn 3 triệu lượt khách tham quan, du lịch, trong đó có gần 170 ngàn lượt khách nước ngoài.
Bà Mai Hồng, Điều phối viên Việt Nam, Hiệp hội Hợp tác Kinh doanh Nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam (NVHBP) cho biết: Từ năm 2022, NVHBP đã có những hợp tác bước đầu với tỉnh Đồng Tháp về việc phát triển hoa, kiểng của tỉnh. Đặc biệt, tháng 8/2023, NVHBP và Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và thương mại các giống hoa - kiểng mới, phục vụ phát triển Ngành hàng hoa - kiểng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025.
Làng hoa trên 100 tuổi cho doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng/năm
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đã chọn ngành hàng hoa kiểng là 1 trong năm 5 ngành hàng đóng vai trò chủ lực tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển bền vững. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng hiện nay đạt trên 6.100 tỷ đồng, với diện tích trên 3.000 ha, tăng hơn 4 lần so với trước đây. Tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết và thị trường, từng bước xây dựng và hoàn thiện hơn chuỗi sản xuất hoa, kiểng phát triển trên phạm vi cả nước.
Trong canh tác hoa kiểng đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lai tạo, thuần dưỡng, chuyển giao giống mới, áp dụng kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới, kỹ thuật tưới tiết kiệm để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm hoa kiểng.
Bên cạnh đó, hoa kiểng còn phát huy đa giá trị ngành hàng khi khai thác yếu tố văn hóa kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình Homestay, trong 3 năm 2020 2023 thu hút 1,7 triệu du khách, có 33.200 khách quốc tế. Bên cạnh đó phát triển các sản phẩm OCOP từ hoa kiểng và xây dựng thương hiệu hoa kiểng Sa Đéc có 6 sản phẩm du lịch đạt OCOP 3 - 4 sao.
“Theo đó một điều đáng tự hào, làng hoa Sa Đéc hơn trăm năm tuổi đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt thực hiện xây dựng Mô hình điểm phát huy đa giá trị gắn kết với du lịch đáp ứng được bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm du lịch trong bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho hai nhãn hiệu “Làng Hoa Kiểng Sa Đéc” và “made in dongthap” và thực hiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa, kiểng đặc trưng trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp tự hào cho biết.
Theo kế hoạch phát triển ngành hàng hoa, kiểng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng hàng này dự kiến đạt 7.000 tỷ đồng. Diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh đạt trên 3.500 ha, chủ yếu tập trung TP Sa Đéc đạt trên 1.100 ha; huyện Lai Vung đạt trên 1.500 ha, huyện Lấp Vò đạt trên 450 ha, TP Cao Lãnh 50 ha. Thực hiện khảo nghiệm, chọn lọc và chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu từ 2 - 3 giống hoa, kiểng mới phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thực hiện chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm hoa, kiểng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp.
Ông Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:
Giữa không gian vô cùng sống động và rực rỡ sắc màu, tôi trân trọng gửi lời tri ân đến những con người cần mẫn trong hành trình trăm năm tạo dựng tên tuổi Làng hoa Sa Đéc. Tri ân những người nông dân, nghệ nhân với trái tim, bàn tay, khối óc đã luôn nỗ lực miệt mài vì sự phát triển của nghề hoa, kiểng, của Sa Đéc, của Đồng Tháp, để ngàn năm Tình đất - Tình hoa - Tình người sẽ mãi hòa quyện trên quê hương Đất Sen hồng...
Chúng tôi cũng trân trọng cám ơn các tổ chức, cá nhân, đơn vị đã tài trợ, hỗ trợ, đồng hành để có một Festival đầy ý nghĩa này.
Trân trọng cám ơn những yêu mến, tình cảm của bạn bè, du khách gần xa đã dành cho Đồng Tháp, cho Sa Đéc, tìm về chung vui trong Festival lần này...