Mưa trên cánh bướm đưa khán giả tới với câu chuyện của người phụ nữ tên Tâm và những vấn đề xoay quanh gia đình bà. Ở trung tâm tiệc cưới nơi mình làm việc, bà Tâm là người nhanh nhẹn, xốc vác và có tiếng nói. Khi trở về nhà, bà lại là người quán xuyến mọi chuyện, từ chuyện cơm nước, dọn phòng cho con, cho tới việc trần nhà bị dột cũng đến tay bà xử lý.
Dù hết lòng với gia đình như vậy, thế nhưng một ngày nọ, bà Tâm lại gặp phải cú sốc lớn khi phát hiện chồng mình là ông Thành ngoại tình. Hình ảnh của ông Thành và cô nhân tình trẻ cùng đi xem bóng đá hiện rõ mồn một trên sóng trực tiếp. Chẳng còn gì đau lòng hơn thế.
Dẫu vậy, bà Tâm không ly dị mà muốn tìm cách khiến chồng quay trở lại như xưa. Bà tìm đến một vị thầy đồng để xin giúp đỡ, nhưng lại không may đánh thức một thế lực siêu nhiên bí ẩn. Đáng nói hơn, thứ này chỉ có những người phụ nữ trong nhà là bà Tâm và cô con gái tên Hà nhìn thấy.
'Mưa trên cánh bướm': Hành trình cô độc của người mẹ
Đảm nhận nhân vật bà Tâm là NS Tú Oanh. Cho những ai chưa biết, Phim Mưa trên cánh bướm là tác phẩm điện ảnh đầu tay của nữ diễn viên. Dù vậy, với kinh nghiệm diễn xuất dày dạn trên màn ảnh nhỏ, cô đã thể hiện quá thành công vai diễn.
Qua diễn xuất của NS Tú Oanh, khán giả dù ít hay nhiều cũng sẽ nhìn thấy hình bóng của những người phụ nữ xung quanh hay là chính bản thân mình. Đó là người vợ, người mẹ luôn tần tảo, bận rộn, dù đôi khi tỏ ra khó tính nhưng sâu trong lòng luôn là tình thương vô bờ bến dành cho gia đình. Nhân vật bà Tâm của NS Tú Oanh có thể nói chính là hình tượng phụ nữ trung niên Việt Nam điển hình.
Lần này, người vợ trong phim của Dương Diệu Linh vẫn không đánh ghen. Hình ảnh "tiểu tam" cũng rất mờ nhạt bởi đạo diễn muốn nhấn mạnh vào sự mất kết nối trong một gia đình.
Đó là sự kìm nén cảm xúc của người vợ, sự câm lặng của người chồng, vẻ cáu bẳn của cô con gái. Người chồng bấu víu vào mối quan hệ ngoài luồng, cô con gái tìm nơi chia sẻ ở cậu bạn thân chán chường, còn người vợ - người phụ nữ trung niên - dường như cô độc trong hành trình của mình.
Không có điểm tựa về tinh thần và không tin vào chính mình, Tâm tìm đến những sự trợ giúp bên ngoài, từ những kẻ cúng bái lừa đảo đến nhóm bạn gái chuyên tụ tập buôn dưa lê. Nhưng Tâm chỉ vùng vẫy, ngày càng lún sâu trong nỗi cô độc.
Và Tú Oanh tỏa sáng trong một cảnh hiếm hoi nhân vật chịu đối diện với nội tâm, bộc lộ nỗi khao khát tuổi trung niên và tiếc nuối một quá khứ thanh xuân yêu đương đẹp đẽ.
Trong vai người chồng "câm lặng" và mất kết nối hoàn toàn với vợ con, Lê Vũ Long hóa thân ấn tượng dù chỉ vỏn vẹn một câu thoại. Nhân vật đại diện cho những người chồng từng khước từ, rồi bị phủ nhận, cho đến khi tồn tại như cái bóng trong gia đình.
Nam Linh và Bùi Thạc Phong - trong vai Hà và Trọng - rất cố gắng để khắc họa những người trẻ chênh vênh giữa cuộc đời, chịu tổn thương sâu sắc vì cha mẹ.
'Mưa trên cánh bướm' giành giải quốc tế nhưng là bộ phim khó xem
Như đã biết, phim Mưa trên cánh bướm tạo tiếng vang lớn trong nước nhờ giành 2 giải thưởng IWONDERFULL Grand Prize và giải bộ phim sáng tạo nhất tại LHP Venice. Điều này là bằng chứng cho Dương Diệu Linh cùng các cộng sự đã tạo ra một tác phẩm điện ảnh với những giá trị đáng được trân trọng. Dẫu vậy với khán giả đại chúng, đây có thể là một bộ phim khó xem.
'Mưa trên cánh bướm' mang tới một bức tranh về hiện thực cuộc sống, xen lẫn với đó là yếu tố kỳ ảo cùng những chi tiết đáng suy ngẫm, đầy nghệ thuật được cài cắm khéo léo. Tuy nhiên, khác với những bộ phim thương mại giàu tính giải trí, Mưa trên cánh bướm không có sự xuất hiện của những tình tiết lãng mạn, giật gân, mảng miếng hài hước hay những câu thoại bắt trend khiến người xem phải bật cười. Thay vào đó, bộ phim đem đến nhiều suy tưởng, gợi suy ngẫm về thân phận phụ nữ và đàn ông trong những gia đình Việt.
Đây là một tác phẩm mà mà người xem cần tập trung xem và dụng tâm để cảm nhận. Nó sẽ phù hợp với những người thực sự yêu thích và đã quen xem dòng phim nghệ thuật. Còn với những ai muốn tìm kiếm một tác phẩm đơn giản để xả stress, họ nên cho mình một lựa chọn khác.