Thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn
Ngày 1-2/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra các mô hình chuyển đổi sản xuất, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang về triển khai thí điểm xây dựng vùng nguyên lớn, gắn với thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng, để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian qua Bộ đã tập trung, chỉ đạo thực hiện các nội dung để chuyển đổi nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.
Để làm tốt kinh tế nông nghiệp thì phải có vùng sản xuất nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, có mã số vùng trồng, vùng nuôi để quản lý, truy xuất nguồn gốc và chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị.
Để thực hiện, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai dự án thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn, về sản xuất lúa gạo (tại Kiên Giang và An Giang), cây ăn quả (Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An và Sơn La), cà phê (Tây Nguyên) và phát triển trồng rừng (Thừa Thiên - Huế). Cùng với đó, là xây dựng phát triển hợp tác xã trong vùng dự án, có sự liên kết, đồng hành của doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng.
Riêng về vùng nguyên liệu lớn sản xuất lúa, dự kiến sẽ hình thành khoảng 100.000 ha, trước mắt triển khai tại tỉnh Kiên Giang khoảng 20.000 ha ở vùng Tứ giác Long Xuyên và tỉnh An Giang 30.000 ha. Trong vùng sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nhà xưởng chế biến, thúc đẩy phát triển tổ chức nông dân.
Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn là đơn vị được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vùng nguyên liệu, xây dựng bản đồ quản lý sản xuất nông nghiệp, cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Khuyến nông cộng đồng và truyền thông phát triển vùng nguyên liệu, tư vấn phát triển hợp tác xã, xây dựng mô hình sản xuất lúa tiên tiến cho các hợp tác xã tham gia mô hình.
Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho biết: Vùng nguyên liệu sẽ tập trung nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, tích hợp các giá trị trong chuỗi sản xuất để nâng cao hiệu quả. Theo đó, vùng nguyên liệu phải đáp ứng các điều kiện: Nằm trong vùng quy hoạch, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, hiện đại hóa sản suất, áp dụng cơ giới hóa, tạo được mối liên kết sản xuất và huy động được các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.
Tại Kiên Giang, sẽ xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo trên địa bàn 3 huyện Giang Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, với diện tích 20.000 ha. Bộ NN-PTNT sẽ đầu tư một số công trình hạ tầng, đường giao thông, cầu, thủy lợi… với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Tỉnh Kiên Giang tham gia nạo vét thủy lợi nội đồng, củng cố đê bao để củng cố vùng nguyên liệu. Hỗ trợ mua sắm thiết bị, máy móc cơ giới sản xuất, khoảng 9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đề xuất, khi xây dựng vùng nguyên liệu lớn sản xuất lúa, nên thay máy cấy bằng máy sạ khóm (sạ cụm). Vì máy này có công suất gieo sạ khoảng 8-10 ha/ngày, không phải tốn công làm mạ, chi phí rẻ hơn, phù hợp cho sản xuất diện tích lớn.
Về doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa quy mô lớn, hiện đang có 3 đơn vị tham gia, gồm Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Tân Long, đã ký cam kết với tỉnh Kiên Giang tham gia dự án phát triển lúa gạo, với thời gian tối thiểu là 5 năm.
Thí điểm thành lập Tổ Khuyến nông cộng đồng
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho rằng, tỉnh có thế mạnh về sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Với diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn, trải rộng trên 4 vùng sinh thái đặc trương, gồm vùng Tây sông Hậu nước ngọt quanh năm, vùng U Minh Thượng mặn lợ, vùng Tứ giác Long Xuyên phèn mặn và vùng hải đảo chuyên mặn, phát triển nghề đánh bắt, cũng như nuôi biển.
Theo ông Toàn, từ năm 2000, tỉnh Kiên Giang đã quyết định thành lập Tổ Kinh tế Kỹ thuật đặt tại các xã, để cùng nông dân ra đồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đến nay, có 116 xã (trong tổng số 144 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh) có Tổ Kinh tế Kỹ thuật, mỗ tổ bố trí 2-3 cán bộ khuyến nông cơ sở hoạt động. Nhiệm vụ của các Tổ Kinh tế Kỹ thuật là tập huấn cho nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất, phòng chống dịch, bệnh…
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết, dự án thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông cơ sở thông qua hình thành Tổ Khuyến nông cộng đồng, được triển khai thực hiện tại 6 tỉnh: Kiên Giang, Đồng Tháp, Gia Lai, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Sơn La.
Theo đó, sẽ thành lập 18-30 Tổ Khuyến nông cộng đồng (mỗi tỉnh 3-5 tổ), tại các vùng nguyên liệu tập trung do Bộ NN-PTNT chỉ đạo và các địa phương thực hiện. Tổng số có khoảng 54-90 hợp tác xã, tương ứng với 5.000 - 9.000 hộ xã viên được tiếp nhận kiến thức tổ chức lại hoạt động sản xuất hiệu quả thông qua hoạt động tư vấn của Tổ Khuyến nông cộng đồng (mỗi tổ hỗ trợ 3 hợp tác xã). Hỗ trợ triển khai 30 mô hình khuyến nông, cung cấp thường xuyên thông tin thị trường, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa.
Hiệu quả Tổ Kinh tế kỹ thuật
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp triển đại bàn tỉnh.
Tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, giúp lưu thông hàng hóa, duy trì sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất điều kiện bình thường mới. Với dân số 1,7 triệu người, trong đó nhóm từ 18 tuổi trở lên là khoảng 1,2 triệu, hiện đã tiêm vacxin phòng Covid-19 mũi 1 được khoảng 80%, mũi 2 trên 30%, phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành 100%. Đồng thời, triển khai cho nhóm trẻ dưới 18 tuổi để đủ điều kiện đến trường học tập an toàn.
Đánh giá về mô hình Tổ Kinh tế Kỹ thuật, ông Thành cho rằng, từ khi được thành lập, đã giúp nông dân chuyển đổi nhanh tập quán sản xuất truyền thống, tiếp cận nhanh với các kỹ thuật mới, hình thành vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả cao.
Ông Thành cũng thống nhất thành lập Tổ chỉ đạo để phát triển vùng nguyên liệu lớn mà Bộ triển khai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, để sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, đề xuất Bộ NN-PTNT sớm có quy chế vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé hiệu quả, vì liên quan đến nhiều địa phương trong vùng hưởng lợi, người dân cũng cần được tập huấn thay đổi phương thức, mô hình sản xuất khi nguồn nước sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Về các dự án, thời gian tới Bộ NN-PTNT tiếp tục đầu phát triển hạ tầng sản xuất nông nghiệp bền vững cho các tỉnh, thành ĐBSCL. Cụ thể, sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại Kiên Giang, tổng vốn khoảng 900 tỷ đồng, đầu tư tại 2 huyện Châu Thành và An Biên. Dự án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, đầu tư tại huyện Hòn Đất, vốn khoảng 700 tỷ đồng, quy mô diện tích 5.500 ha.
Xây dựng vùng sản xuất hữu cơ liên tỉnh
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, Kiên Giang có lợi thế rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp, là vùng trọng điểm sản xuất lúa chuyên canh, có vùng tôm - lúa rất lớn, có 2 vườn quốc gia, có vùng biển rộng và được chọn đầu tư trung tâm nghề cá lớn của khu vực…
Kiên Giang cũng là địa bàn xây dựng công trình thủy lợi liên vùng Cái Lớn - Cái Bé, đã sớm đi vào vận hành, phát huy hiệu quả. Các địa phương cần tập trung xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp, để tận dụng hết các hiệu quả mà công trình mang lại. Tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi sản xuất và đồng bộ trong tất cả các khâu, từ xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến, kho bãi lưu trữ và cầu cảng xuất khẩu…
Song song đó, cần củng cố lại Tổ Kinh tế Kỹ thuật thành Tổ Khuyến nông cộng động, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông. Riêng về mô hình tôm - lúa, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất hữu cơ lên tỉnh, An Minh (Kiên Giang) và Thới Bình (Cà Mau), tổng diện tích vài ngàn ha, với sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi thủy sản, lúa gạo. Cùng với đó sẽ có các tổ chức quốc tế cùng tham gia tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cấp các chứng nhận có giá trị toàn cầu…