5 vùng chuyên canh
Ngày 12/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến về Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông lâm sản giai đoạn 2021-2025. Đề án được xây dựng bởi Cục Kinh tế hợp tác & PTNT, với mục tiêu tạo ra 5 vùng nguyên liệu chuyên canh trên tổng diện tích khoảng 160.000 ha.
Đây là một chương trình lớn, được Bộ NN-PTNT xem là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của các địa phương.
Với tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng, đề án đã được Bộ phê duyệt về chủ trương và đang tích hợp thêm những hợp phần về khuyến nông, bảo hiểm nông nghiệp và tín dụng.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác & PTNT cho biết, đề án sẽ xây dựng các vùng nguyên liệu gồm.
Miền núi phía Bắc, thuộc tỉnh Sơn La, Hòa Bình, có diện tích 14.000 ha, tập trung phát triển chanh leo, dứa, xoài. Duyên hải miền Trung, thuộc tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, diện tích 22.900 ha, phát triển gỗ rừng trồng. Tây Nguyên, thuộc tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, diện tích 11.200 ha, phát triển cà phê. Tứ giác Long Xuyên, thuộc tỉnh Kiên Giang, An Giang, diện tích 50.000 ha, phát triển lúa gạo. Và vùng Đồng Tháp Mười, thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, diện tích 60.200 ha, phát triển cây ăn quả.
Để triển khai xây dựng các đề án, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT đã gửi đề cương tới 11 tỉnh liên quan. Nội dung đề án gồm 5 hợp phần chính là: (1) Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng nguyên liệu. (2) Củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã (HTX) và thành viên. (3) Khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ. (4) Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý vùng nguyên liệu phục vụ liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc. (5) Thí điểm và triển khai áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ liên kết.
Trong số 5 hợp phần, hợp phần 1 - liên quan tới kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu - được xác định trọng tâm. Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ 440 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Khi triển khai, hợp phần sẽ cải tạo 132 km đường giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cấp hệ thống thủy lợi cho hơn 4.000 ha cây lúa và ăn quả.
Về phía địa phương, các tỉnh cam kết bố trí 347,9 tỷ đồng vốn đối ứng để nạo vét 31,5 km kênh mương và hỗ trợ trang thiết bị, máy móc cho HTX. Phía doanh nghiệp, HTX cũng hứa đối ứng 40,6 tỷ đồng vốn đối ứng và 20,8 tỷ đồng vốn vay tín dụng.
Từ nửa đầu năm 2021, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT đã tổ chức các đoàn khảo sát thực tế về triển vọng các mô hình. Bước đầu, 10/11 tỉnh đã phê duyệt và gửi Đề án chính thức.
"Khi đi vào thực tiễn, 17 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, 250 HTX và 185.000 hộ nông dân sẽ hưởng lợi trực tiếp từ đề án", ông Thịnh cho biết.
Do đây là đề án đầu tiên tích hợp nhiều nội dung như phát triển HTX, khuyến nông vào xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều khó khăn đã nảy sinh. Một trong số đó, theo Cục Kinh tế hợp tác & PTNT, nằm ở chỗ Sở NN-PTNT các tỉnh phải lấy ý kiến các Sở, ngành về nội dung đề án, dù được giao làm đầu mối. Một số địa phương còn băn khoăn trong khâu chỉ đạo thực hiện.
Đổi mới tư duy
Tại điểm cầu TP. HCM, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Thứ trưởng kiến nghị, cần huy động thêm nguồn vốn xã hội, kết hợp nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, HTX để tạo ra những mô hình chất lượng, hoạt động tốt cả sau khi kết thúc đề án.
"Tôi rất mừng khi chúng ta đã xây dựng được những mô hình khuyến nông cộng đồng, giúp tổ chức sản xuất ngay tại ấp, xã. Giờ là lúc ngành nông nghiệp cần những chính sách cụ thể hơn, để huy động và quản lý tốt nguồn vốn", Thứ trưởng nói.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nhận xét, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho đề án hiện hơn 30% là quá cao. Ông cũng kêu gọi, đẩy mạnh số hóa từ quản lý mã số vùng trồng cho đến ứng dụng khuyến nông điện tử.
Ông Nguyễn Quốc Oánh, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 1 đề xuất hai vấn đề. Một, là chọn một vùng nguyên liệu có quy mô lớn để Bộ tập trung chỉ đạo, thí điểm, và tìm ra nút thắt qua thực tiễn sản xuất. Hai, là thay đổi chính sách cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
"Thay vì ưu tiên bằng cách hạ lãi suất, chúng ta có thể hỗ trợ người dân về khâu tư vấn, kỹ thuật, hoặc chủ động tìm đầu ra cho bà con", ông chia sẻ.
Kết luận, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, rằng "thành công của bất kỳ chương trình nào đều phụ thuộc người dân".
Ông nhất trí với ý kiến, nâng cao vai trò của doanh nghiệp, nông dân, và HTX trong đề án, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh kinh tế tập thể.
"Cái thiếu đôi khi không phải ở công cụ, kỹ năng, hay phương pháp mà nằm ở thái độ, cách tiếp cận vấn đề. Chúng ta vận động người dân xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, thì phải cho họ thấy được lợi ích, tại sao cần làm như vậy. Những cái nào cho hiệu quả sớm, thiết thực như khuyến nông, công nghệ sau thu hoạch, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh. Nguồn vốn thực chất nằm trong tư duy của người nông dân, của doanh nghiệp. Nếu chỉ tập trung phát triển hạ tầng, chúng ta khó nâng cao được giá trị thặng dư, bởi những bên tham gia chưa ý thức được vai trò của mình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.