| Hotline: 0983.970.780

Không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả

Thứ Sáu 06/12/2024 , 13:10 (GMT+7)

Hòa Bình Để phát triển ngành bền vững, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả.

Toàn cảnh Diễn đàn 'Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc'.

Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc".

Chiều 6/12, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.

Mục đích nhằm đưa ra hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Bắc, cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả.

Đồng thời, giới thiệu, phổ biến các quy trình, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý tổng hợp sinh vật gây hại trên một số loại cây ăn quả chủ lực và các giải pháp sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm rau quả.

Tham dự diễn đàn có ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình.

Trong ảnh, từ trái qua: ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; ông Trần Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Trong ảnh, từ trái qua: ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; ông Trần Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Ngoài ra, còn có ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp; ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch; ông Đinh Cao Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam; cùng đại diện các cơ quan liên quan khác.

Ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta 11 tháng năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023… Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài.

Dự kiến, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể đạt tới 7,2 tỷ USD; trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt tới trên 6,5 USD. Các tỉnh phía Bắc, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận và đào…

Hiện Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia.

Diễn đàn được tổ chức tại điểm cầu chính ở TP Hòa Bình. 

Diễn đàn được tổ chức tại điểm cầu chính ở TP Hòa Bình. 

Tất cảTổng thuật

17 giờ 00 phút

Không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả

ong le quoc doanh

PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam

PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, nhận xét, cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc đã trải qua quá trình phát triển dài. Đến nay, đã thu được nhiều kết quả, từ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đến nghiên cứu ra các giống năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, có tính chống chịu. Hiện các đơn vị sản xuất còn đẩy mạnh nghiên cứu chế biến, nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả.

“Từ năm 2013, cây ăn quả xuất khẩu được 1 tỷ USD, đến nay đã gấp 7 lần. Đó là thành quả rất đáng ghi nhận”, ông Doanh chia sẻ. Bên cạnh những thành tựu, nguyên Thứ trưởng cũng thừa nhận, các địa phương cũng đã những “cái giá” nhất định cho sự phát triển vừa qua, trong đó có việc suy thoái vùng cam Cao Phong.

Để phát triển bền vững cây ăn quả, ông đề nghị địa phương rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp ngành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ NN-PTNT. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả.

Ngoài vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam khuyến nghị về lựa chọn giống cây ăn quả. “Trồng sai giống lúa, chúng ta chỉ nợ nông dân 3 tháng. Nhưng trồng sai giống cây ăn quả, có thể phải trả giá hàng chục năm”, ông nhấn mạnh.

Với riêng tỉnh Hòa Bình, ông Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt sớm có hướng dẫn, có thể tạm thời để địa phương sớm tái canh cây có múi. Dựa trên kinh nghiệm đã có của Hòa Bình, cộng thêm các đề tài của khối viện nghiên cứu, các đơn vị của Bộ NN-PTNT sớm ban hành gói kỹ thuật cho từng đối tượng cây ăn quả trên từng vùng.

Song song với đó, công tác phục hồi với những vườn chưa đến mức tái canh, cũng cần được quan tâm. Ông Lê Quốc Doanh cho rằng, có thể gắn vấn đề này với các đề án vừa ban hành của Bộ NN-PTNT, như nâng cao sức khỏe đất.

“Phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, nhất là khâu chế biến, chế biến sâu”, ông nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thêm về bao bì, nhãn mác cho sản phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Cuối cùng, PGS.TS Lê Quốc Doanh kêu gọi sự tích cực vào cuộc của địa phương, nhất là các vùng trọng điểm cây ăn quả. Hiện ở phía Bắc, ông đánh giá có Sơn La (100.000ha), Hòa Bình (thủ phủ cây có múi, với hơn 10.000ha) có thể trở thành những đầu tàu cho toàn vùng phát triển bền vững.

16 giờ 40 phút

Mong cam Cao Phong có giá bán hợp lý

chi thuy

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình).

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình), chia sẻ, mong ước lớn nhất của người nông dân Cao Phong khi làm ra quả cam chất lượng, đó là có giá bán tương xứng sau thời gian vất vả chăm bón.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các HTX, hộ sản xuất vẫn đối diện với nhiều khó khăn như: sau thời gian dài sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, đất trồng cam đang có dấu hiệu suy thoái, công tác cải tạo tốn kém chi phí, thời gian. Quả cam Cao Phong chịu sự cạnh tranh về giá.

HTX sau 7 năm chưa thể đưa quả cam vào hệ thống siêu thị vì những quy định, yêu cầu của nhiều siêu thị không mang lại lợi ích cho người trồng. Đặc biệt, đã có hiện tượng các đơn vị phân phối đánh tráo sản phẩm, sử dụng thương hiệu của HTX nhưng sản phẩm không phải, làm giảm uy tín của HTX với người tiêu dùng.

16 giờ 30 phút

Lưu ý vấn đề bình tuyển cây đầu dòng

Trả lời câu hỏi về việc lưu hành giống cây ăn quả, TS Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, trong quá trình sản xuất cây đầu dòng cho cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm cần đảm bảo yếu tố là được bình tuyển từ cây đầu dòng, hoặc vườn cây đầu dòng. Ngoài ra, là phải công bố lưu hành, tự lưu hành với giống.

Hiện Việt Nam có nhu cầu khoảng 500 triệu cây giống cây ăn quả, cây công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế là Việt Nam chưa có đủ năng lực cung cấp số lượng cây đầu dòng này.

cay dau dong

Ghép giống bơ sáp chất lượng từ cây đầu dòng vào cây gốc ghép.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có nội dung Sở NN-PTNT phải tăng cường kiểm tra cây giống mà không thông qua bình tuyển cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt sẽ tổng hợp để quản lý vấn đề này.

Về khó khăn khi tự công bố lưu hành với cây giống, ông Mạnh thông tin, với những giống không thuộc cây trồng chính, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm với giống được công bố.

“Chúng tôi rất mở với vấn đề tự công bố những giống cây trồng mà không phải cây trồng chính”, ông Mạnh khẳng định. Hiện Cục Trồng trọt không chịu trách nhiệm thẩm định giống tự công bố lưu hành và sẽ đăng tải toàn bộ kết quả mà đơn vị đã công bố.

16 giờ 20 phút

Nguồn bệnh từ cây có múi đến từ nguồn giống, làm đất quá phẳng

ts nguyen hong yen 2

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình.

Trong phần trình bày của mình, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, có phân tích về tác nhân gây hại cây có múi là nấm, tuyến trùng, rệp sáp. Nhà báo Trần Cao cho biết, điều tra của ngành BVTV tại Nghệ An cũng cho kết quả tương tự, đây là dấu hiệu suy thoái đất.

Bà Trần Thị Tuyết Thu, đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, tuyến trùng gây bệnh thường đến từ nguồn cây giống. Năm 2017, bà Thu cùng các đồng nghiệp đã phát hiện điều này khi thực hiện nghiên cứu thực địa ở Hòa Bình. “Quản lý để khoanh vùng, khống chế yếu tố gây bệnh từ nguồn giống không dễ. Điều này còn làm ảnh hưởng đến xuất khẩu, bên cạnh việc ô nhiễm kim loại nặng”, bà Thu nói.

Địa hình đồi bát úp của Hòa Bình phù hợp với cây có múi, song người dân lạm dụng máy móc dẫn đến địa hình quá phẳng, làm mất bản chất “cây dốc cần nước”. Để xử lý triệt để vấn đề, bà Thu cho rằng cần làm theo hướng giảm độ suy thoái vật lý của đất. Bà Thu cũng cho biết, sẽ chia sẻ với các đại biểu về nhiều nghiên cứu khoa học từ năm 2016 đến nay ở Hòa Bình.

16 giờ 10 phút

Thế giới có nhu cầu lớn với rau quả nguồn gốc Việt Nam

ong nguyen thanh tung

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Doveco, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ về thị trường rau quả và nhu cầu liên kết hợp tác, đầu tư sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, Việt Nam xuất khẩu rau quả đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường lớn gồm: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhu cầu của các thị trường quốc tế rất lớn về khối lượng và đa dạng về các loại rau quả có nguồn gốc của Việt Nam. Ví dụ: Trung Quốc nhập sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, vải… Mỹ nhập dưa bao tử, thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa…

Hiện nay, những thách thức đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam gồm: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, khó khăn áp dụng công nghệ, thiếu vốn và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh, hệ thống bảo quản đạt chuẩn còn yếu…

Các nước nhập khẩu rau quả có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP…

Ông Tùng cũng thông tin, Doveco hiện tại có khả năng hợp tác phát triển chuỗi sản xuất, xuất khẩu rau quả với các tỉnh đồng bằng sông hồng và các tỉnh Tây Bắc. Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tập trung một số rau, quả như: dứa, chuối tiêu hồng, ngô ngọt, nhãn, vải, rau chân vịt, dưa chuột bao tử, đậu tương rau…

Các tỉnh Tây Bắc phù hợp với các loại rau như cam, chuối tiêu hồng, ngô ngọt, súp lơ, nhãn xoài, chanh leo, súp lơ… rất rộng cửa chào đón các địa phương, HTX, hộ sản xuất phát triển chuỗi liên kết bền vững.

16 giờ 05 phút

Chú trọng xuất khẩu sang thị trường đã có FTA

ong le thanh hoa

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, đánh giá, Trung Quốc đã và đang là thị trường xuất khẩu số một của cây ăn quả Việt Nam.Vấn đề lớn nhất trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, là hai bên chưa thống nhất được các quy trình kiểm dịch, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tái ký nghị định thư, cũng như còn chịu tần suất kiểm tra rất cao.

Về sản phẩm chủ lực của Hòa Bình - cây bưởi, cây có múi - ông Hòa thông tin, Trung Quốc là nơi sản xuất hàng đầu về mặt hàng này. Do đó, người sản xuất cần hướng đến những sản phẩm đặc sản, đặc trưng và độc đáo tại Trung Quốc, chẳng hạn bưởi da xanh.

Bên cạnh Trung Quốc, ông Hòa khuyến nghị các đơn vị nên khai thác những thị trường mà Việt Nam đã ký FTA, như EU. Cùng với đó, người sản xuất nên chú ý đến mức dư lượng BVTV, vệ sinh, an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra nước ngoài.

16 giờ 00 phút

Thúc đẩy thương mại điện tử, chia sẻ kiến thức

ong hoang van du

Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp.

Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, cho rằng, một trong những vấn đề cần cải thiện hiện nay là thương mại điện tử. “Nhiều khi lấy hàng hóa từ nước ngoài về còn nhanh hơn đặt trong nội địa. Điều này chứng tỏ các nước gần chúng ta đang phát triển rất mạnh về logistics”, ông Dự dẫn chứng.

Cụ thể, về thương mại điện tử, ông Dự nói đến việc tận dụng mạng xã hội để quay phát trực tiếp (livestream), trưng bày giới thiệu sản phẩm, tổ chức sự kiện, thu hút người mua hàng. “Việc này giúp người mua có thể chỉ cần đến với chúng ta là mua được sản phẩm tốt, không cần đến tận nơi sản xuất”, ông Dự phân tích.

Lấy ví dụ về chương trình cam Cao Phong ở Hà Nội, ông Dự cho rằng cần tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức, giúp người dùng phân biệt cam thật, giả.

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, nhiều lần đi Hà Nội, ông phát hiện có những nơi đề biển “cam Cao Phong”, nhưng giá chỉ 30.000-40.000 đ/kg. Ông Dự nói, “đây có khả năng là hàng giả”, bởi giá cam Cao Phong ngay tại vườn đã ít nhất 50.000 đ/kg.

15 giờ 45 phút

Co.opmart chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

ba nguyen thi kim dung

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart khu vực Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart khu vực Hà Nội chia sẻ, là đơn vị phân phối nông sản, nên hệ thống Siêu thị Co.opmart rất chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, hệ thống siêu thị luôn rộng cửa chào đón các HTX, hộ sản xuất hợp tác để tiêu thụ.

Tuy nhiên, mong muốn tất cả các chủ thể chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý theo cơ quan chức năng quy định để không phải thông qua các đơn vị trung gian. Khó khăn ở đâu, siêu thị sẽ đồng hành cùng các chủ thể tháo gỡ.

15 giờ 30 phút

Diễn đàn chuyển sang phần thảo luận

anh cao

Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, điều hành phần thảo luận của diễn đàn.

Sau phần đi sâu vào phân tích chuyên môn và các hoạt động xúc tiến, mở cửa thị trường, diễn đàn tại Hòa Bình sẽ được nghe phát biểu của các nhà mua Central Retail, Wincomere, Co.opmart… về nhu cầu rau quả nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, rằng bên cạnh xuất khẩu, giao thương trong nước cũng là một kênh bán hàng quan trọng đối với mặt hàng cây ăn quả. Các nội dung thảo luận cũng là dịp để các cơ quan quản lý được lắng nghe ý kiến từ hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, HTX… nhằm cùng phối hợp để giúp sản phẩm cây ăn quả đến được nhiều hơn với người tiêu dùng, đồng thời duy trì, đảm bảo được chất lượng.

14 giờ 40 phút

Lưu ý gốc ghép khi nhân giống cây ăn quả

ong vu manh hai

GS.TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó giám đốc VAAS, Hội giống cây trồng Việt Nam.

Việc trồng cây ăn quả đang được đẩy mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước. GS.TS Vũ Mạnh Hải, nguyên Phó giám đốc VAAS, Hội giống cây trồng Việt Nam, đánh giá, mỗi địa phương chỉ có một vài loại cây ăn quả phù hợp. Mỗi loại lại có một vài giống cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

“Trồng giống nào phải căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, lợi thế tại địa phương ấy”, ông Hải nói và nhấn mạnh vào yếu tố khí hậu khi chọn tạo giống cây ăn quả.

Về vấn đề giống, ông Hải nhấn mạnh, rằng cây giống đưa vào sản xuất, cần có lý lịch rõ ràng, được cung cấp bởi các tổ chức có đủ điều kiện cả về pháp lý và chuyên môn được Nhà nước công nhận và cấp phép.

Nếu là giống nhập nội phải qua kiểm dịch, chỉ trồng các loại giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không mang nguồn sâu bệnh.

Dù nghề trồng cây ăn quả ở Việt Nam đã có từ lâu, nghiên cứu chọn tạo gốc ghép còn ít được quan tâm, bộ giống gốc ghép được sử dụng còn khá đơn điệu, dẫn đến tình trạng chất lượng vườn cây ăn quả chưa được cải thiện, cây sinh trưởng không đồng đều, thoái hóa nhanh, năng suất, chất lượng quả chưa cao và dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh hại nguy hiểm, theo nguyên Phó giám đốc VAAS.

Gốc ghép có tác động khá rõ đến với sinh trưởng của cành ghép, ảnh hưởng tới năng suất và kích thước quả, chất lượng sản phẩm, sức chống chịu với các điều kiện bất thuận. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, rằng gốc ghếp còn có quan hệ đến sức chống chịu của cây với phức hệ sâu bệnh hại quan trọng, nhất là với cây có múi.

Về giải pháp, ông Hải khuyến nghị, gốc ghép phải là giống sinh sản vô giao, nghĩa là giống đa phôi, cây làm gốc ghép là cây phôi tâm (cây vô tính) để đảm bảo sự đồng nhất về hình thái và di truyền. Đồng thời, có khả năng cải tiến tăng năng suất cành ghép, giảm độ cao cây ghép, thích hợp với nhiều điều kiện đất đai, chịu được tình trạng đất nghèo dinh dưỡng, tiếp hợp tốt với nhiều cành ghép, chống chịu bệnh hại, chống được các loại sâu hại gốc, rễ và cải thiện chất lượng quả.

“Mục tiêu chọn lọc giống gốc ghép còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng, là ăn tươi hay chế biến, tạo sản lượng tập trung hay rải vụ thu hoạch, đối tượng và thị trường tiêu thụ”, ông Hải nói.

14 giờ 30 phút

Cây có múi là đòn bẩy kinh tế của Hòa Bình

ts nguyen hong yen 1

TS Nguyễn Hồng Yến trình bày về thực trạng cây ăn quả có múi của Hòa Bình.

TS Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cây có múi suy thoái ở địa phương, đó là: Nhận định về phát triển không nằm trong quy hoạch; Nhiễm dịch hại nguy hiểm (vàng lá thối rễ, greening, tuyến trùng, rệp sáp...); Canh tác sử dụng thuốc, phân bón hóa học khiến đất chai cứng; Thiếu kiến thức canh tác bền vững; Quy hoạch vùng trồng chưa đồng bộ.

Theo ông Yến, việc thiếu kiến thức và nghiên cứu đầy đủ về cây có múi dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. “Có tháng tôi tiếp đến 17 nhà báo hỏi về cây cam chết. Nhiều nông dân khi mới thấy cây có hiện tượng vàng lá thối rễ đã vội vã chặt bỏ. Trong canh tác, các tiêu chuẩn kỹ thuật được khuyến cáo kỹ song người dân đôi khi không tuân thủ, cũng là nguyên nhân khiến suy thoái cây có múi”, TS Nguyễn Hồng Yến nói.

Xác định cây có múi là một trong những đòn bẩy kinh tế, ông Yến cho biết, quan điểm của tỉnh là “huy động các nguồn lực tái canh”, giai đoạn 1 sẽ là tái canh 1.500ha ở huyện Cao Phong. Giai đoạn 2 mở rộng 4.500ha ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn. Cả hai giai đoạn được thực hiện trong thời gian 2021-2025.

Để phát triển bền vững cây ăn quả tại tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền rà soát, thống kê, đánh giá cây có múi toàn quốc làm cơ sở chỉ đạo, điều hành; Ban hành quy trình đặc thù cho từng giống; Hỗ trợ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện mô hình cánh đồng mẫu tái canh 13,04ha (33 vườn); phân tích mẫu đất, test bệnh hại; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ tái canh...

14 giờ 20 phút

Nhiều công nghệ tiên tiến ứng dụng trong chế biến rau quả

ong pham anh tuan

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.

Tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thông tin: Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ nhỏ. Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, tới trên 20%.

Hiện nay, một số công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong sơ chế bảo quản rau quả tươi như: công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng kỹ thuật CA; công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng kỹ thuật bao gói MAP; công nghệ bảo quản rau quả tươi bằng chế phẩm tạo màng; công nghệ giấm chín quả bằng khí Ethylene.

Công nghệ tiên tiến ứng dụng trong chế biến rau quả dạng khô (sấy/chiên) như: công nghệ sấy bơm nhiệt, quy mô 2 - 3 tấn/modul; công nghệ sấy thăng hoa; công nghệ và thiết bị chiên chân không liên tục.

Công nghệ chế biến rau quả lạnh đông như: công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng (liquid freezer); Công nghệ tiên tiến ứng dụng trong chế biến nước ép/puree trái cây như: hệ thống thiết bị chế biến Puree chuối, năng suất 2 tấn/h; công nghệ và hoàn thiện thiết bị chế biến một số sản phẩm có giá trị gia tăng từ quả dưa hấu.

Chế biến sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi.Chế biến sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi.

Chế biến sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại Bến Tre. Ảnh: Báo Đồng Khởi.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, trong việc lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế bảo quản, chế biến rau quả cần lưu ý: xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu. Lựa chọn nhà tư vấn công nghệ, thiết bị, thiết kế xây dựng nhà xưởng đáp ứng yêu cầu thị trường; đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị; sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thiết bị; đăng ký chất lượng và thương mại hóa sản phẩm.

14 giờ 10 phút

Chanh leo sắp sang Hoa Kỳ, vải thiều 'gõ cửa' Hàn Quốc

ong tran van chien

Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV).

Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV), thông tin, có 6 thị trường chính đã mở cửa cho cây ăn quả Việt Nam, nhiều nhất là Trung Quốc, kế đó là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Quy định chung về kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm ở thị trường xuất khẩu gồm: Phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu; Không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm; Đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu; Đóng gói, dán nhãn đáp ứng yêu cầu của các thị trường; Kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cảng đến.

Ngoài ra, mỗi thị trường lại có yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, Hoa Kỳ cấm các loại sinh vật gây hại trên bưởi như ruồi đục quả, sâu đục quả, một số loại nấm. Trong khi đó, New Zealand lại cấm thêm rầy chổng cánh, rệp sáp, bọ trĩ, nhện đỏ...

Hàn Quốc, cũng là thị trường đã mở cửa với quả bưởi, lại yêu cầu cơ sở xử lý hơi nước nóng phải đặt trong cơ sở đóng gói và được Cục BVTV phê duyệt. Việc xử lý phải được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam.

vai thieu

Chế biến vải thiều xuất khẩu. Ảnh: TTXVN.

Với thị trường EU, nơi có yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới, lại không cần đánh giá nguy cơ dịch hại và không cần có phê duyệt chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của phía EU trước khi xuất khẩu sang EU.

Nhưng EU yêu cầu cây có múi phải được xử lý bằng dung dịch Calcium Hypochlorid hoặc Sodium hypochlorid (nồng độ 200ppm, thời gian tối thiểu 2 phút) tại các cơ sở xử lý được phép hành nghề do Cục BVTV cấp.

Nói thêm về thị trường xuất khẩu trọng điểm Trung Quốc, ông Chiến thông tin, chỉ được xuất khẩu qua một số cửa khẩu được chỉ định. Cùng với đó, bao bì đóng gói phải sạch sẽ, chưa qua sử dụng. Mỗi hộp đóng gói và phải được dán bằng chữ tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh theo quy định.

Tin vui cho những người sản xuất, là dự kiến trong năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, ổi, chanh và mít đã được Cục BVTV gửi hồ sơ mở cửa thị trường cho phía bạn. Ngoài ra, quả vải cũng đang hoàn tất hồ sơ để sang Hàn Quốc.

14 giờ 00 phút

Cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả thị trường nội địa

ong tran anh hung

Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp.

Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cho biết, nước ta có điều kiện sinh thái đa dạng với chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới, trong đó nhiều loại có năng suất và chất lượng khá tốt.

Cây ăn quả của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; đặc biệt là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Trung Quốc… Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD. Năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc có 1.269,4 ngàn ha, sản lượng đạt 13.887,3 ngàn tấn; ĐBSCL là vùng có diện tích lớn nhất cả nước (chiếm 31,8%), tiếp đến là vùng trung du miền núi phía Bắc (chiếm 21,4%). Chủng loại cây ăn quả đa dạng, phong phú; trong đó chuối có diện tích lớn nhất (chiếm 12,72% tổng diện tích), sầu riêng xếp ngay phía sau.

Về thị trường tiêu thụ, ông Hùng cho rằng đối với thị trường trong nước cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả.

Đối với thị trường xuất khẩu, cần tăng cường xuất khẩu vào các thị trường truyền thống; đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada , Hàn Quốc, Nga, ASEAN, EU, Trung Đông, Bắc Phi... và đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

13 giờ 50 phút

Tập trung nâng cao chất lượng chuỗi giá trị nông sản, không phát triển nóng

ong dinh cong su

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, chia sẻ, với đặc thù đa dạng về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cho phép Hòa Bình có thể phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là cây ăn quả. Đến hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 16.000ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cam, bưởi, chanh… (trên 10.000ha); 1.200ha nhãn, 1.500ha chuối; ngoài ra xoài, thanh long...

Xác định cây ăn quả là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng đề án tái canh cây ăn quả có múi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại… Tất cả đều dựa theo tinh thần xuyên suốt “tập trung nâng cao chất lượng chuỗi giá trị nông sản, không phát triển nóng”.

Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu; hơn 2.400ha cây ăn quả được cấp các chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm chủ lực tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, thành phố lớn. Nhiều sản phẩm như chuối, cam, bưởi được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, EU…

Nhập chú thích ảnh

Vườn cam hữu cơ chín vàng ở HTX Organic Hopefarm, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh chụp hồi tháng 12/2021.

Cũng theo ông Sứ, bên cạnh thành tựu, việc phát triển cây quả của tỉnh vẫn còn 1 số hạn chế như mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng chưa rõ nét, chủ yếu tiêu thụ tươi do khâu bảo quản, chế biến còn nhiều hạn chế… làm giá trị sản xuất chưa đạt được như kỳ vọng.

Do đó, thông qua Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”, ông mong muốn các đại biểu có thể đề xuất những chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển ngành hàng sản xuất cây ăn quả các tỉnh phía Bắc nói chung, Hòa Bình nói riêng. Điều này càng có ý nghĩa khi vựa cam của tỉnh đang bước vào giai đoạn chính vụ.

13 giờ 40 phút

Chuẩn hóa sản phẩm, hướng tới xuất khẩu

ts nguyen hong yen

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Hòa Bình.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Hòa Bình, cho biết, những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng.

“Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng”, ông Yến nói.

Đại diện ngành nông nghiệp Hòa Bình đánh giá, các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến phải được tuân thủ chặt chẽ. Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Xem thêm
Lào xem xét một số chính sách đặc thù với doanh nghiệp Việt Nam

Chính phủ Lào đã xem xét áp dụng một số chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu tăng trưởng 3 - 3,5%

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Thuận ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch đề ra.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Số vụ vi phạm an toàn thực phẩm tại TP.HCM giảm

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, năm 2024, tăng số lượng kiểm tra tại các cơ sở, số vụ vi phạm giảm so với năm 2023.