| Hotline: 0983.970.780

Rau quả sạch nhờ cây giống khỏe và nhà lưới thông minh

Thứ Ba 19/11/2024 , 18:04 (GMT+7)

SƠN LA Ở tuổi 53, ông Hà Văn Tiến quyết tâm phát triển các nhà lưới đạt chuẩn để cung cấp rau quả hữu cơ cho phân khúc thị trường nông sản sạch.

Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận cho Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Bộ NN-PTNT) thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững với 34 nông hộ hưởng lợi. Nông dân Mộc Châu ngày càng tự tin ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào sản xuất rau quả hữu cơ.

Ông Hà Văn Tiến trong nhà lưới rộng 1.700m2 được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Hà Văn Tiến trong nhà lưới rộng 1.700m2 được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thành công từ mô hình nhà lưới thông minh

Ông Hà Văn Tiến (53 tuổi) sống tại tiểu khu 14 (thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu) là người đi đầu trong phong trào canh tác bền vững ở địa phương. Trong số các nhà lưới được dự án hỗ trợ, vườn của ông Tiến là mô hình điểm, thường xuyên đón bà con đến tham quan và học hỏi kỹ thuật.

Bước chân vào nhà lưới rộng 1.700m2 của ông Tiến, ai cũng ấn tượng với sắc xanh của cây cối khỏe mạnh, lá tươi tốt. Những giàn cà chua bi thẳng tắp, quả căng mọng và sáng bóng, phân bố đồng đều. Đây là vụ rau quả thứ 2 ông Tiến canh tác trong nhà lưới được FAO hỗ trợ xây dựng, cải tạo.

Ông Tiến đã nhiều năm theo đuổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn. Ba năm trước, ông học hỏi kỹ thuật trồng ớt chuông trong nhà màng từ đồng nghiệp ở miền Nam. Ông cũng tận dụng phân bò ủ làm phân bón hữu cơ, tuy nhiên việc thiếu kiến thức chuyên sâu và công nghệ phù hợp đã khiến ông gặp không ít khó khăn. Vụ ớt chuông đó bị bệnh, năng suất thấp, chất lượng quả không đạt chuẩn.

Mọi thứ thay đổi từ khi ông Tiến tham gia dự án. Vụ ớt chuông năm 2024, ông được cung cấp toàn bộ cây giống và vật tư. Dự án cũng lắp đặt các thiết bị công nghệ cao để giám sát các yếu tố ảnh hưởng đến cây trồng như độ ẩm, nhiệt độ, sức gió... được cập nhật liên tục theo giờ.

Cùng hơn 30 hộ dân ở Sơn La, ông Tiến thường xuyên tham gia các lớp tập huấn của FAO về canh tác bền vững.

Máy bắt côn trùng sử dụng năng lượng mặt trời được cán bộ FAO lắp đặt trong nhà màng của ông Hà Văn Tiến. Ảnh: Quỳnh Chi.

Máy bắt côn trùng sử dụng năng lượng mặt trời được cán bộ FAO lắp đặt trong nhà màng của ông Hà Văn Tiến. Ảnh: Quỳnh Chi.

“Từ khi FAO đến địa phương, nông dân chúng tôi được tiếp cận những kỹ thuật mới nhất nên sản phẩm làm ra khác biệt hẳn. Trước đây cây thường bị bệnh, quả không đẹp. Giờ đây cây và quả đẹp ở mọi giai đoạn phát triển, tôi tiếp cận thị trường cũng rất tốt”, ông Tiến phấn khởi.

Vụ ớt chuông đầu tiên trong nhà lưới công nghệ cao đạt sản lượng sản lượng 25 tấn. Giá ớt chuông bình quân từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 5.000 đồng so với trước khi áp dụng kỹ thuật của dự án. Thậm chí đã có lúc giá ớt chuông lên tới 40.000 đồng/kg.

Với doanh thu 700 triệu đồng sau vụ ớt chuông đầu tiên, ông Tiến đã mạnh dạn đầu tư thêm 3.000m2 nhà lưới ở khu đồi cách đó không xa và bắt đầu trồng cà chua theo kỹ thuật của FAO. Dù đã lắp đặt đầy đủ hệ thống lưới chắn côn trùng và hệ thống tưới nhỏ giọt, vườn trồng mới còn thiếu lưới cắt nắng.

“Ước mơ của tôi là nâng cấp toàn bộ nhà lưới của mình đạt chuẩn như nhà lưới của dự án. Tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện điều đó” - ở tuổi ngoài 50, ông Tiến vẫn có quyết tâm cho riêng mình. 

Những lợi ích mà dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” đem lại đã tạo động lực mạnh mẽ hơn cho nông dân Sơn La theo đuổi đam mê trồng trọt bền vững. Trong đôi mắt đăm chiêu của ông Tiến không có sự trăn trở, mà ánh lên niềm tin biến giấc mơ thành hiện thực.

Ông Hà Văn Tiến tiếp đoàn làm việc của Chính phủ Hàn Quốc, FAO và Viện Nghiên cứu Rau quả đến khảo sát nhà màng. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Hà Văn Tiến tiếp đoàn làm việc của Chính phủ Hàn Quốc, FAO và Viện Nghiên cứu Rau quả đến khảo sát nhà màng. Ảnh: Quỳnh Chi.

Giống cây khỏe tạo hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Tại Hợp tác xã Rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu), nông hộ Thái Thị Vân đã bước sang năm thứ 5 làm dịch vụ cung ứng cây giống. 

Trước khi tham gia dự án, cây giống do bà Vân sản xuất thường không đạt chất lượng cao. Một nguyên nhân chính là do bà Vân sử dụng đất ngoài vườn làm giá thể khiến cây dễ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.

Bên cạnh đó, nông dân thường trồng cà chua và ớt với cây giống gieo thẳng từ hạt. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là giống cho năng suất và chất lượng cao thường không có khả năng chống chịu tốt với các bệnh trong đất, trong khi những giống có khả năng kháng bệnh lại cho năng suất thấp.

Nhận thấy hạn chế này, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tổ chức các khóa đào tạo cho bà Vân và hai chủ vườn ươm tại địa phương về kỹ thuật ghép cây giống. Kỹ thuật này kết hợp mắt ghép là giống cây có năng suất cao với gốc ghép chống chịu bệnh, giúp tỷ lệ cây giống ghép thành công tăng từ 70% lên 90%. Nhờ đó, bà con đã áp dụng trồng các loại cây như cà chua ghép và ớt chuông ghép mang lại giá trị kinh tế cao hơn đáng kể.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các đại diện từ Bộ Nông nghiệp - Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc về các giải pháp kỹ thuật mà Viện cung cấp cho nông dân ươm giống. Ảnh: Quỳnh Chi.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các đại diện từ Bộ Nông nghiệp - Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc về các giải pháp kỹ thuật mà Viện cung cấp cho nông dân ươm giống. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thời gian qua, với nhu cầu ngày càng cao về cây giống chất lượng phục vụ sản xuất hữu cơ tại Sơn La, bà Vân cũng chú trọng nâng cấp sản phẩm của mình. Thay vì tự trộn giá thể từ phân bò, trấu hun và xơ dừa, bà chuyển sang sử dụng giá thể nhập khẩu từ châu Âu. Đồng thời bà cũng nắm vững kỹ thuật xử lý giá thể bằng chế phẩm sinh học, đảm bảo cây giống sạch bệnh và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người sản xuất.

Không chỉ vậy, cơ sở ươm giống của bà đã được đầu tư máy gieo hạt tự động giúp tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất. Các công đoạn như đóng đất vào khay, sàng đất, lọc rác, tạo lỗ, gieo hạt, lấp hạt và xếp khay đều được thực hiện chính xác. Máy gieo hạt tự động giúp bà Vân sản xuất tới 1.000 khay giống/ngày. So với năng suất khoảng 300 - 400 khay/ngày như trước đây, bà Vân cảm thấy công việc bớt nặng nhọc, phấn khởi vì kinh tế gia đình được cải thiện. 

Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” hỗ trợ 34 hộ sản xuất, chủ vườn ươm tại huyện Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa các nhà kính hiện có; cung cấp cây giống, phân bón, dụng cụ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao cho các hộ dân thuộc dự án. Các đối tượng cây trồng chính được thực hiện trong dự án gồm cà chua, dưa lưới, dưa chuột, dưa lê và ớt chuông.

Xem thêm
Nuôi 6 vạn gà, mỗi ngày thu về 4 vạn quả trứng

Quảng Ninh Mỗi ngày trang trại gà của bà Phạm Thị Nguyệt Dung thu về 4 vạn quả trứng, cung ứng cho trên 70% các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Nghệ An cẩn trọng đặc biệt

Nhận thấy diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị ứng phó trên diện rộng.

Giống ớt khổng lồ trồng tại Mộc Châu được thế giới săn đón

Sơn La Trái ớt lớn nhất có thể to bằng cổ tay, khối lượng lên tới 200 - 300g, gồm 4 màu đỏ, vàng, cam và chocolate.