Xuất khẩu rau quả có thể đạt 7,2 tỷ USD trong năm nay. Nâng cao năng lực của cán bộ nông thôn mới các cấp. Xây dựng vùng cà phê đặc sản chất lượng cao. Ra mắt máy kéo hoạt động được trên mọi địa hình.
XUẤT KHẨU RAU QUẢ CÓ THỂ ĐẠT 7,2 TỶ USD TRONG NĂM NAY
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến ngày 21/11, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt xa kim ngạch cả năm 2023. Dự báo, cả năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 7,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất… đều tăng trưởng khả quan và được khai thác tốt.
Triển vọng từ nay đến cuối năm, xuất khẩu rau quả nhìn chung vẫn khả quan do yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CỦA CÁN BỘ NÔNG THÔN MỚI CÁC CẤP
Thực hiện: NGỌC LINH – VIỆT KHÁNH
Ngày 23/11, tại Nghệ An, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội nghị bàn về phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung Bộ. Đa số các đại biểu đều nhận định, công tác đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ nông thôn mới các cấp và cộng đồng, người dân là nội dung quan trọng trong xây dựng NTM. Từ cơ sở đó, các địa phương cần xác định phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, đào tạo nghề cho các hợp tác xã, tổ hợp tác là giải pháp trong giai đoạn tới.
Ghi nhận đến 10/2024 toàn vùng có 80,5% số xã đạt chuẩn NTM, đứng thứ 4 trong cả nước, mỗi xã đạt bình quân 17,6 tiêu chí. Toàn vùng có 22% số xã nông thôn mới nâng cao, 4,4% số xã nông thôn mới kiểu mẫu. Có 40 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bên cạnh đó vùng Bắc Trung Bộ có hơn 1.600 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
XÂYDỰNG VÙNG CÀ PHÊ ĐẶC SẢN CHẤT LƯỢNG CAO
Thực hiện: VÕ DŨNG
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đẩy mạnh tái canh cây cà phê, xây dựng vùng trồng cà phê đặc sản chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Tại đây, nông dân, doanh nghiệp đã được các nhà quản lý, chuyên môn giải đáp những câu hỏi về kỹ thuật tái canh, trồng cà phê đặc sản, liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm và các chính sách hỗ trợ.
Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê tại Quảng Trị thực hiện từ năm 2017. Địa phương này cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là một trong 8 tỉnh để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
Hiện, cà phê Arabica Catimor là một trong 3 cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị, được trồng chủ yếu tại huyện Hướng Hóa với gần 4 .000 ha, diện tích cho thu hoạch gần 3.600 ha, sản lượng bình quân 4.300 tấn nhân/năm.
RA MẮT MÁY KÉO HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC TRÊN MỌI ĐỊA HÌNH
Thực hiện: QUỐC TOẢN
Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) phối hợp với Công ty Cổ phần Thành Công - Biên Hòa (chi nhánh Tây Ninh) vừa ra mắt các dòng máy kéo John Deere công suất từ 36 đến 120 mã lực với giá bán dao động từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Đây là loại máy kéo chuyên phục vụ trong canh tác nông nghiệp.
Loại máy này có thiết kế công suất dự trữ an toàn đảm bảo thực hiện các công đoạn làm đất nặng như cày ngầm, cày sâu, bừa, san phẳng giúp việc làm đất đảm bảo độ sâu, độ tơi xốp, hạn chế cỏ, giữ nước, đảm bảo độ ẩm vào mùa khô và thoát nước tốt vào mùa mưa. Ngoài ra, máy có thể hoạt động hiệu quả trên mọi địa hình nhờ các tính năng ưu việt, vượt trội giúp tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu.