| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp quyết đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

Thứ Năm 16/09/2021 , 08:23 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Nghị quyết 105 sẽ là đòn bẩy để nông nghiệp đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD và tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng ngành nông nghiệp có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin tưởng ngành nông nghiệp có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Ảnh: Bảo Thắng.

Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 được xem là đòn bẩy phát triển kinh tế của nhiều ngành, nghề trong xã hội.

Tuy nhiên, do Chính phủ giao quyền chủ động cho các bộ, ban, ngành chuyên môn và địa phương, nên hiệu quả của Nghị quyết phụ thuộc chặt vào cách triển khai trong thực tế chỉ đạo sản xuất.

Phấn đấu bằng được các mục tiêu

Xin Thứ trưởng cho biết, Nghị quyết 105 của Chính phủ ban hành hôm 9/9 có tác dụng như thế nào trong phục hồi sản xuất nông nghiệp?

Doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh là những thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, thu ngân sách, cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho người dân. Trong dịch Covid-19, Việt Nam chịu nhiều sức ép để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo các mục tiêu kinh tế, xã hội trong năm 2021.

Giữa bối cảnh ấy, Nghị quyết 105 đã ra đời, giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời ổn định cho kỳ sản xuất mới trong những tháng cuối năm, và các năm kế tiếp.

So với nhiều ngành khác, nông nghiệp có tính đặc thù khi người sản xuất phải ở ngoài đồng ruộng, ao hồ. Ngoài ra, những doanh nghiệp nông nghiệp vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng yếu kém, kỹ thuật sơ chế, chế biến lạc hậu, ứng dụng công nghệ cao thấp, và chuỗi giá trị còn khiêm tốn. Khi gặp dịch bệnh, những khó khăn lần lượt phát sinh.

Một là vốn, do doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, hoặc tồn kho. Hai là lưu thông, phân phối, hiện nhiều nơi còn ách tắc ở cấp xã, huyện. Ba là lao động giảm sút, do về quê, nhớ gia đình, và khó tuyển dụng lực lượng thay thế.

Bốn là chưa có quy trình tái sản xuất cho những cơ sở chế biến có ca F0. Năm là mọi chi phí, từ vật tư đầu vào, giống cho tới vận tải đồng loạt tăng. Sáu là tốc độ tiêm vacxin chậm, chỉ đạt khoảng 10-15% tại các chuỗi sản xuất.

Nghị quyết 105, với những hướng dẫn cụ thể, chi tiết tới các Bộ, ban, ngành đã điểm trúng những khó khăn này. Với ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trực tiếp chỉ đạo trong Hội nghị hôm 13/9, và đề ra 3 nội dung chính. Đó là phục hồi sản xuất; đẩy mạnh lưu thông, phân phối; và hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2021.

Dựa trên những chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ có những kế hoạch cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tổ chức lại sản xuất?

Trước mắt Bộ NN-PTNT sẽ rà soát lại các doanh nghiệp, HTX trong 4 nhóm ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp ở các tỉnh, thành, đặc biệt là các nơi giãn cách. Trên cơ sở thống kê năng lực sản xuất, cung ứng hiện tại, Bộ sẽ chuẩn bị giống, vật tư đầu vào, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, vacxin cho vụ sản xuất mới.

Sau khi nắm tình hình, Bộ sẽ tổ chức những hội nghị chuyên đề về các vấn đề cụ thể, để tập trung tháo gỡ khó khăn cho từng ngành. Riêng ngành chế biến, có giá trị gia tăng cao, cần được đặc biệt quan tâm. 

Tuần trước, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch vụ đông 2021 cho các tỉnh phía Bắc. Cùng với đó, Bộ sẽ chuẩn bị kịch bản phòng chống dịch bệnh cho các tháng cuối năm trên cả vật nuôi, lẫn cây trồng.

Ngoài 4 nhóm ngành trên, Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh xuất khẩu. Hai tháng vừa qua, xuất khẩu tháng 7 đi xuống, tháng 8 giảm sâu, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu sau 8 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 32,13 tỷ USD, thặng dư 3,35 tỷ USD. Cùng với phục hồi sản xuất, xuất khẩu cũng là một trong những mục tiêu quan trọng Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được lưu thông tốt nhất, bán được giá nhất. 

Từng có một số ý kiến lo ngại, rằng ngành nông nghiệp khó đạt kế hoạch xuất khẩu 44 tỷ USD. Tuy nhiên, dựa trên những tiên lượng phục hồi sau dịch bệnh, chúng tôi sẽ phấn đấu đạt bằng được các mục tiêu, để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế.

Bộ NN-PTNT sẽ phân tích thị trường để cân đối cung - cầu, trước khi chỉ đạo sản xuất cho chu kỳ mới.

Bộ NN-PTNT sẽ phân tích thị trường để cân đối cung - cầu, trước khi chỉ đạo sản xuất cho chu kỳ mới.

Tập trung gỡ đầu ra

Một trong những chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp được Chính phủ nêu trong Nghị quyết 105, là sản xuất và phân phối các sản phẩm nông, lâm, thủy sản theo phương thức đặt hàng, dựa trên tổng hợp, dự báo sản lượng, chất lượng hàng hóa và liên kết chào bán. Phương thức này có hiệu quả như nào với sản xuất nông nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát?

Trong thời gian bị Covid-19 ảnh hưởng, các phương thức giao dịch thương mại thay đổi. Ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung cũng phải theo xu thế để đáp ứng được các nhu cầu mới. Đó là lý do, Bộ NN-PTNT đã chủ động thành lập hai Tổ công tác ở phía Nam và phía Bắc, nhằm kết nối tiêu thụ nông sản và nắm chắc tình hình sản xuất, lưu thông, phân phối.

Một điều dễ nhận thấy, là khi Covid-19 xảy ra, các chuỗi liên kết bị đứt gãy. Chúng ta tổ chức sản xuất trong trạng thái bình thường, nhưng lúc thu hoạch, phân phối lại trong thời gian dịch bệnh. Các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và tiêu dùng ngoài gia đình bị ngưng hoạt động dẫn đến nhu cầu giảm. Vì thế, cần tính toán lại toàn bộ quá trình để tổ chức lại từ sản xuất, tiêu thụ, phân phối, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân cũng như xuất khẩu.

Song song với ổn định sản xuất, Bộ NN-PTNT sẽ cùng Bộ Công thương, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể địa phương về vấn đề truy xuất nguồn gốc, tem, nhãn mác để phù hợp với tình hình bình thường mới. Cùng với sự ra đời của Nghị quyết 105, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp để chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ kịp thời khó khăn nảy sinh.

Theo tinh thần của Nghị quyết 105, Chính phủ chủ trương giao quyền chủ động cho các Bộ, ban, ngành, địa phương, đồng thời chỉ đạo phải khen thưởng kịp thời cho những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất. Bộ NN-PTNT sẽ vận dụng những điều ấy như thế nào?

Khi tổ chức sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng đảm bảo. Do đó, trong điều kiện mới, Chính phủ chủ trương mở rộng sản xuất cho các cơ sở, nhà máy đáp ứng được các công tác phòng, chống dịch như: công nhân xanh, y tế xanh, nhà máy xanh, địa phương xanh... Đó là cơ sở để chính quyền địa phương tổ chức sản xuất phù hợp, chứ không thể rập khuôn, cứng nhắc.

Cũng theo tinh thần Nghị quyết 105, Bộ NN-PTNT đã làm việc với Bộ Y tế, và thống nhất là bằng mọi cách phải kéo được nông, lâm, thủy sản ra khỏi cơ sở sản xuất. Muốn làm được, chúng ta phải đẩy mạnh lưu thông, phân phối, phát triển thị trường, cả trong lẫn ngoài nước. Có như vậy, ngành nông nghiệp mới tránh được cảnh "được mùa mất giá". 

Dịch bệnh đã khiến nền sản xuất, kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nhưng qua đó, chúng ta lại phát hiện ra những bài học quý báu. Chẳng hạn, nhiều mô hình vẫn đảm bảo được năng lực cung ứng khi tham gia vào chuỗi sản xuất lớn. Hay việc thu hoạch lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dù có diện tích 1,5 triệu ha, nhưng khi được mở luồng xanh giao thông thủy nội địa, tập trung cả lực lượng vũ trang, tận dụng máy gặt đập liên hợp, và có các cơ chế tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước, vụ hè thu cơ bản đã thu hoạch xong.

Điều đó cho thấy, nếu triển khai đồng bộ các phương án, nắm chắc tình hình, chúng ta chắc chắn vượt qua khó khăn. 

Để hoàn thành mục tiêu chung, không thể thiếu sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành. Với Bộ NN-PTNT, những kiến nghị cụ thể là gì, thưa Thứ trưởng?

Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh quảng bá nông sản, nhằm được phép xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước.

Với Bộ Tài chính, chúng tôi kiến nghị cắt giảm thuế, tiền sử dụng đất, điện, nước với doanh nghiệp.

Với Ngân hàng Nhà nước, phát triển gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nông nghiệp. 

Với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục thực hiện khơi thông vận chuyển hàng hóa, kể cả nội địa và xuất khẩu.

Với Bộ Y tế, tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát các cơ sở "3 tại chỗ" sao cho phù hợp với mô hình sản xuất nông nghiệp, đồng thời có cơ chế để phát triển sản xuất ở quy mô lớn hơn.

Với Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, bố trí nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo hoạt động trở lại cho nhà máy, cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất