| Hotline: 0983.970.780

Người làm cả Brazil phải khóc, tất cả chìm trong không khí tang tóc

Thứ Tư 27/06/2018 , 13:05 (GMT+7)

Trước khi chịu trận thua nặng nề nhất lịch sử, 1-7 trước Đức ở bán kết World Cup 2014, người Brazil còn có một thất bại đau đớn khác, được ví như Hiroshima của bóng đá xứ samba.

Bóng ma trong sân vận động

Ngày 16/7/1950 được nhớ đến như một ngày đặc biệt của lịch sử bóng đá thế giới. Đó là thời điểm ghi nhận con số kỷ lục về khán giả tới xem một trận bóng đá. Con số được Ban tổ chức World Cup năm đó ghi nhận là 199.854 người, nhưng theo nhiều nhân chứng, sân Maracana ở thành phố Rio De Janeiro, Brazil hôm ấy phải chứa tới 300.000 người. Hầu hết mọi người đã đứng trong suốt 90 phút, chỉ để chờ khoảnh khắc đăng quang của đội bóng vàng xanh.

15-59-15_nh_1
Thủ môn Barbosa thời còn thi đấu

Nhưng điều mong đợi ấy không bao giờ đến. Brazil, ứng viên số một cho chức vô địch World Cup 1950, đã thắng như chẻ tre ở vòng bảng thứ nhất, và tiếp tục khiến Thụy Điển và Tây Ban Nha bẽ mặt ở vòng bảng thứ hai - lượt đấu xác định nhà vô địch - khi đè bẹp 2 đại diện châu Âu với tỷ số 7-1 và 6-1. Họ cũng hưởng lợi lớn từ việc FIFA chấp thuận cho giải đấu không có trận chung kết, lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử World Cup. 4 đội đứng đầu 4 bảng đấu sẽ vào vòng bảng thứ hai, đá vòng một lượt lần nữa. Đội đứng đầu sẽ vô địch.

Trong 3 kỳ World Cup đầu tiên, Uruguay và Italia là 2 đội chủ nhà đã giành ngôi quán quân. Tới ngày hội bóng đá năm 1950, tất cả, từ quan chức đến người dân Brazil, đã làm mọi thứ có thể để điều tương tự sẽ tái diễn với Seleccao. Thị trưởng Rio còn nói với Zizinho cùng đồng đội, trước trận đấu cuối gặp Uruguay, rằng “Brazil chắc chắn vô địch” và “Tôi thay mặt mọi người chúc mừng sớm cho đội tuyển”.

Không khí lễ hội tràn ngập Maracana trong ngày 16/7. Friaca đưa Brazil dẫn trước đầu hiệp hai, trước khi Schiaffino san bằng tỷ số cho Uruguay vào giữa hiệp. Khi trận đấu còn hơn 10 phút nữa, tỷ số vẫn là 1-1, chừng đó là đủ để đội chủ nhà vô địch. Tuy nhiên, thủ thành Moacir Barbosa đã phá hỏng bữa tiệc được dọn sẵn của cả nước Brazil. Phút 79, ông mất tập trung và bị Ghiggia của Uruguay hạ gục bằng một cú sút xa. Cả sân bóng hàng trăm nghìn người, không ai nói với nhau lời nào. Tất cả chìm trong không khí tang tóc tới tận khi trọng tài thổi hồi còi hết giờ.

Barbosa không bị CĐV ném gạch đá ngay trong sân nhưng ông phải chịu sự ô nhục và chỉ trích trong suốt quãng đời còn lại. Ông kể lại vào một dịp đi mua hàng sau trận đấu lịch sử hơn 20 năm, Barbosa bị một phụ nữ nhận ra. Bà này lập tức chỉ vào ông và quay sang nói với con trai: "“Con hãy nhìn và nhớ cho kỹ. Đấy chính là kẻ làm cả Brazil phải khóc”. Đầu năm 2000, vài tháng trước khi qua đời, ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “'Tại Brazil, hình phạt cao nhất cho một tội phạm là 30 năm tù giam. Vậy mà lỗi lầm của tôi đã 50 năm vẫn chưa được tha thứ”.
 

Hủy hoại sự nghiệp

Giống như đa phần các sai lầm kinh điển khác, người ta không hề nhớ rằng Barbosa là một thủ môn thuộc hàng chất lượng của bóng đá Brazil. Ông giúp Seleccao vô địch Copa America 1949, lần đầu tiên sau 27 năm bị Argentina và Uruguay lấn lướt. Tại World Cup 1950, Barbosa được bình chọn là thủ môn hay nhất giải, với nhiều pha cản phá nhạy bén trong hành trình đưa đội chủ nhà vào chung kết.

15-59-15_nh_2
Barbosa khi về già

Vào thập niên 50, xã hội Brazil vẫn còn kì thị người da màu. Tuy nhiên, Barbosa vẫn tìm được chỗ đứng và được trao suất bắt chính ở đội tuyển. Chỉ riêng chi tiết này cũng đủ nói lên tài năng của cố thủ thành sinh năm 1921. 56 năm sau ngày Barbosa rời tuyển Brazil, một thủ thành da màu khác - Dida - mới được giao vị trí số một trong khung gỗ Brazil ở World Cup 2006.

Sau sự cố ở sân Maracana, Barbosa không bao giờ được triệu tập lại đội tuyển, dù đang ở đỉnh cao phong độ. Năm 1993, Barbosa định đến thăm các tuyển thủ Brazil, khi đội tuyển hội quân tại quê nhà. Dù vậy, mong muốn của ông không thành hiện thực bởi một tuyển thủ lúc ấy đã phát hiện ra ông từ xa và lập tức xua đuổi. Một năm sau, Brazil thắng Italia trên loạt sút luân lưu trong trận chung kết World Cup 1994, và rất nhiều người dân nước này đã đồng ý với nhau rằng, đó là nhờ Barbosa không bén mảng tới gần đội tuyển.

Sau mỗi thất bại, người ta luôn cố gắng tìm một người để “tế thần”. Với Italia ở World Cup 1994 là Roberto Baggio, còn Brazil năm 1950 là Barbosa. Sau khi người gác đền tội nghiệp qua đời, nhiều hãng tin lớn trên thế giới đã cất công về thành phố Rio Branco, bang Acre, phía Bắc Brazil để tìm hiểu ngọn ngành những gì đã xảy ra với Barbosa. Dù vậy, không có bằng chứng nào xác thực việc ông đã mắc lỗi, dẫn tới trận thua của đội nhà.

Xem thêm
100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng

Ngày 26/12, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQG tổ chức hội thảo khoa học '100 năm nghệ thuật Việt Nam từ góc nhìn liên ngành và khai phóng'.

Mãn nhãn với ‘Huyền sử Yết Kiêu’ phục vụ Tết Nguyên đán

TP.HCM Vở múa rối nước ‘Huyền sử Yết Kiêu’ vừa được Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tổ chức phúc khảo tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nhằm chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.