| Hotline: 0983.970.780

Những trang trại sống dở, chết dở ở Hà Nội

Thứ Năm 11/01/2024 , 06:36 (GMT+7)

'Thành phố mà thu hồi đất trang trại để đấu thầu thì chẳng khác nào cắt mất nguồn sống của chúng tôi', anh Đỗ Văn Thăng ở xã Phú Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) than.

Cắt mất nguồn sống

Hơn 20 năm trước, đi bộ đội về, anh thuê 1,8ha đất hoang vốn là những thùng, vũng sâu hoắm để xây chuồng lợn, trồng cây ăn quả và thả cá, trong hợp đồng ghi thời hạn 20 năm. Ngay cả ngôi nhà trong làng từ năm 2003 vợ chồng anh cũng không ở mà chấp nhận sống tạm ngoài bờ ao. Biết bao mồ hôi của họ đã đổ xuống, vun xới cho mảnh đất này để nó trở thành mô hình điểm về nông nghiệp của huyện Sóc Sơn.

Trong hệ thống chuồng trại khép kín, anh nuôi tới 120 lợn nái, 1.400 lợn thịt. Thị trường lúc lên lúc xuống, có năm anh lãi hơn 1 tỉ đồng nhưng có năm dịch tả lợn châu Phi thiệt hại 5-6 tỉ đồng, còn không đủ trả tiền cám cho đại lý.

 Ngày ngày tha thẩn quanh các dãy chuồng trống hoác, vợ chồng anh như người mất hồn, tuy nhiên họ vẫn không chịu gục ngã mà lại vay mượn để gây lên 120 nái và gần 1.000 lợn thịt. Nhưng một mối lo chẳng kém gì dịch gì dịch tả lợn châu Phi mà anh không có cách nào chống đỡ được, đó chính là không được ký tiếp hợp đồng thuê đất nữa. 

Anh Đỗ Văn Thăng bên trang trại của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Đỗ Văn Thăng bên trang trại của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Hợp đồng thuê đất hết hạn vào năm 2021, tôi lên xã hỏi thì được giải thích xã không được ký nữa, phải chờ lệnh trên nhưng chờ mãi chẳng thấy gì. Phú Minh có hàng chục trang trại đều trong tình trạng như thế. 2 năm nay, UBND xã không dám thu sản nữa bởi sợ thu là sai luật vì không có hợp đồng, mà chúng tôi thì muốn đóng sản để yên tâm sản xuất.

Trước đây mức sản của trang trại tôi hơn 21 triệu đồng/năm, với trên 10 trang trại như vậy ở xã mà không được đóng sản cũng gây thất thu cho ngân sách. Hơn thế, không có hợp đồng các chủ trại không vay được vốn, không dám đầu tư để cải tạo chuồng nuôi, nâng cao thu nhập mà chỉ vá víu tạm thời.

Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần xem xét lại quỹ đất công đang sử dụng làm trang trại ở các địa phương, nó mang lại lợi ích không chỉ cho gia đình người làm trực tiếp mà còn cho cả xã hội. Thế mà tôi nghe nói sắp tới sẽ bị thu hồi, san lấp hết mặt bằng để cho đấu thầu lại thì chẳng khác nào cắt mất nguồn sống”.

Đàn lợn trong trại nhà anh Đỗ Văn Thăng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đàn lợn trong trại nhà anh Đỗ Văn Thăng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Lê Đức Thiều - cán bộ phụ trách quỹ khuyến nông của huyện Sóc Sơn - cho biết, hầu hết trang trại trên địa bàn đều đã quá hạn hợp đồng thuê đất mà không được gia hạn, không thể chứng minh đủ điều kiện cơ sở vật chất để vay vốn. Từ khoảng 30 trang trại lớn, vài trăm trang trại nhỏ, giờ số lượng trang trại lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn trang trại nhỏ cũng giảm mạnh. 8 tháng trong năm 2023 danh sách vay quỹ khuyến nông của huyện Sóc Sơn có 46 hộ thì 4 hộ vay sản xuất, còn lại là vay cơ giới hóa bởi không cần chứng minh cơ sở vật chất như vay sản xuất.

Một HTX trên bờ vực phá sản

Bà Chu Thị Kim Hoa - HTX chăn nuôi Minh Tuấn xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên - viết đơn kêu cứu rằng: “Năm 2003 tôi được UBND huyện Phú Xuyên và UBND xã Phúc Tiến cho ký hợp đồng và phê duyệt dự án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng. Thời hạn từ tháng 7/2003 đến tháng 7/2023, tổng thời gian là 20 năm với tổng diện tích là 25.740m² tại khu vực Cánh Am ngoài thôn Ứng Hòa, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Gia đình tôi thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn cũng như đề án mô hình VAC.

Trong quá trình thực hiện, 5 năm đầu từ 2003-2008 đã đào hồ ao thả cá với tổng diện tích 17.000m², dọn mặt bằng quy tụ 60 ngôi mộ về nghĩa trang của thôn theo đúng quy định về tôn giáo tâm linh. Trong khi đó trang trại đã xây dựng được 5 dãy chuồng trại nuôi heo nái và heo thịt với diện tích là 2.500m² chuồng trại theo tiêu chuẩn đến thời điểm năm 2008, tổng đầu tư tài sản trên đất là 5,3 tỷ đồng.

Bà Chu Thị Kim Hoa thẫn thờ bên trang trại đầu tư gần 20 tỷ đồng, giờ bỏ không. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bà Chu Thị Kim Hoa thẫn thờ bên trang trại đầu tư gần 20 tỷ đồng, giờ bỏ không. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ năm 2008-2023, chúng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất phát triển thêm quy mô đàn lợn nái sinh sản, xây dựng thêm 1.000m² chuồng trại để phù hợp với quy mô sản xuất hiện đại ước tính đầu tư 11,5 tỷ đồng. Tổng chi phí tài sản trên đất là 16,8 tỷ đồng.

Đến năm 2015, thành lập HTX chăn nuôi có 8 thành viên, công nhân trực tiếp làm theo thời vụ tổng cộng 15 người. Mô hình hoạt động có hiệu quả góp phần xây dựng kinh tế địa phương, sản xuất hàng trăm tấn thịt lợn sạch đưa ra thị trường. Trang trại là một mô hình điểm của xã và huyện. Hàng năm có các đoàn đến tham quan học hỏi để rút kinh nghiệm, mô hình HTX chăn nuôi đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong khu vực.

Trong suốt quá trình 20 năm hoạt động sản xuất kinh doanh được nhân dân xung quanh đồng tình ủng hộ, không có đơn thư khiếu nại, đảm bảo môi trường trong sạch, đóng sản lượng đầy đủ. Toàn bộ diện tích trang trại 25.740m² không nằm trong vùng quy hoạch, trong tương lai HTX chúng tôi xây dựng đề án mới mở rộng. Quy mô sản xuất sản lượng đàn lợn nái 400-500 con, lợn thịt 4.000-5.000 con/ năm cấp toàn bộ thực phẩm sạch cho dân Thủ đô Hà Nội theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cảnh hoang tàn trong trang trại của bà Chu Thị Kim Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cảnh hoang tàn trong trang trại của bà Chu Thị Kim Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2023, đã hết hạn hợp đồng thuê đất, HTX chăn nuôi Minh Tuấn kính đề nghị lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên, UBND xã Phúc Tiến quan tâm và phê duyệt kịp thời để doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục được ký hợp đồng thuê đất dài hạn theo quy định”...

Cũng theo bà Hoa, trong quá trình đầu tư, năm thuận lợi lãi hàng tỷ đồng nhưng năm dịch tả lợn châu Phi nợ đến mức phải bán nhà đi mà trả để gắng duy trì trang trại. Tuy thời hạn hợp đồng thuê đất kéo dài tới 20 năm nhưng năm 2018 bà đã lo xa, trực tiếp lên gặp lãnh đạo UBND huyện cùng phòng Tài nguyên và Môi trường, hỏi xin được thuê tiếp. Họ trả lời bà rằng, yên tâm về đi, khi nào hết 20 năm hãy đến. Khi đến thời hạn, huyện tổ chức họp hành các ban bệ lại giao chuyển về cho xã ký với thời gian 1 năm và hiện tại bà vẫn chưa được ký:

“Tôi tâm huyết muốn làm thực phẩm sạch, muốn sản xuất theo chuỗi an toàn nhưng hợp đồng thuê đất nếu chỉ ký trong thời gian ngắn thì không dám đầu tư. Đồng ruộng ở quê tôi giờ bỏ hoang nhiều, đa số nông dân đi làm công nhân xí nghiệp hết, chỉ còn một ít là vẫn bám trụ với nông nghiệp. Giờ hợp đồng đã hết hạn, tôi phải bỏ trống chuồng, chỉ nuôi chừng 50-60 con lợn thịt gọi là. Cả một HTX chăn nuôi đang đứng trên bờ vực phá sản, 7 thành viên thất nghiệp. Các công ty về hợp tác họ chạy hết".

Cảnh hoang tàn ở trang trại của bà Chu Thị Kim Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cảnh hoang tàn ở trang trại của bà Chu Thị Kim Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vấn đề hết hạn thuê đất không được ký tiếp hợp đồng của các chủ trang trại ở Hà Nội còn nhiều lần nóng trên các hội nghị, cuộc họp, diễn đàn. Tại một diễn đàn về kết nối nông sản tổ chức ở huyện Mỹ Đức hồi tháng 8/2023, anh Nguyễn Văn Hợi rầu rĩ: “Ngoài bãi trước đây phải thuê với mức sản 120 kg thóc/sào trong khi thường xuyên bị ngập, còn trong đồng phải thuê với mức sản 50 kg thóc/sào nhưng chúng tôi vẫn trả đủ.

Tuy nhiên, sau 15 năm, những hợp đồng này đã hết hạn vào năm 2019, hiện đang bị treo lơ lửng về pháp lý khiến chúng tôi luôn lo lắng vì sợ bị giải tỏa trắng, sợ bị mang đất ra đấu thầu tiếp mà không trúng dù bởi đã đầu tư nhiều tiền của trên đó rồi. An cư thì mới lạc nghiệp, đằng này lại như thế nên nhiều chủ trang trại lâm vào tình trạng nợ đến vài tỉ đồng, có người phải bỏ không đất”.

Cũng trong tháng 8/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp đã ra văn bản kết luận kiểm tra Quyết định 24/2022 của UBND TP Hà Nội về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn là trái luật.

Cụ thể, khoản 1 điều 1 Quyết định 24/2022 quy định: "Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai: UBND cấp huyện tổ chức đấu giá sử dụng vào mục đích nông nghiệp với thời hạn 5 năm".

Theo Cục, đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà chưa sử dụng sẽ do UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp theo hình thức đấu giá, mỗi lần không quá 5 năm.

Do đó, việc UBND TP Hà Nội giao thẩm quyền đấu giá đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích là chưa phù hợp với quy định tại Luật Đất đai. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 7 Luật Đất đai 2013 quy định Chủ tịch UBND cấp xã là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích. Vì thế, quyết định của UBND TP Hà Nội về giao thẩm quyền đấu giá đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà chưa sử dụng cho UBND huyện là chưa đúng.  

Tuy nhiên, sau kết luận đó, hiện trạng đất trang trại ở Hà Nội cho tới thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều ngổn ngang khiến cho lòng người còn đầy lo lắng.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch ở Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn

Hàng trăm ha lúa vụ đông-xuân đang kỳ thu hoạch tại Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn…

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.