Trước trận ra quân gặp Lào, ông Park Hang-seo cùng cộng sự dành gần nửa tiếng để tát hết nước đọng trên sân tập. Nhà cầm quân người Hàn Quốc lo ngại những vũng nước trên sân có thể khiến chất lượng buổi tập bị ảnh hưởng và dính chấn thương không đáng có.
Là một người cẩn trọng, kỹ tính, ông Park luôn sát sao với những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Cho đến khi trở lại Mỹ Đình chuẩn bị cho cuộc tiếp đón Malaysia vào ngày 27/12, ông tiếp tục đôn đốc học trò đổi giày đinh sắt để tăng độ bám, thay vì đinh nhựa như thông thường. Mục đích không gì khác ngoài lo những vết đau có thể ảnh hưởng đến cầu thủ.
Chuyện mặt sân không đảm bảo khiến cầu thủ chấn thương là điều không hiếm. Trong môi trường vận động mạnh, ở tốc độ cao, chỉ một cú tiếp đất sai tư thế, hoặc vấp phải mô đất nào đó, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng tại vùng cơ. Chính bởi vậy, mà trước trận đấu quyết định ngôi đầu bảng B AFF Cup, thứ khiến người hâm mộ lo lắng nhất không phải đối thủ Malaysia mà là mặt sân.
Nhìn sang các nước láng giềng, mặt sân Mỹ Đình... xấu thật. Sân Bukit Jalil của Malaysia trong trận đấu với Lào có mặt cỏ cực đẹp, ngang ngửa đẳng cấp FIFA và hoàn toàn đủ tiêu chuẩn tổ chức một trận đấu World Cup. Sân Gelora Bung Karno của Indonesia hay Rizal Memorial của Philippines cũng mịn như nhung. Ngay cả mặt cỏ nhân tạo của sân Jalan Besar, Singapore cũng rất đều và thẳng.
Duy có sân Mỹ Đình là "ngoại lệ". Ngay buổi tập thử đầu tiên, thầy trò ông Park đã phát hiện ra mặt cỏ đã đổi từ màu xanh sang vàng. Ban quản lý sân cho biết do sương muối, cỏ chết nhiều. Ngoài ra, thời tiết lạnh của mùa đông cũng khiến cỏ không thể mọc xanh mượt như các thời điểm khác trong năm.
Không gồ ghề, nhưng mặt sân khá cứng. Độ nảy của trái bóng, cũng như cảm giác rê dắt trên mặt cỏ này chắc chắn sẽ khác so với điều kiện hoàn hảo. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu sân Mỹ Đình gặp hiện tượng này, nhưng có vẻ sau nhiều năm ban quản lý sân vẫn chưa thể rút được kinh nghiệm.
Bất chấp những lo ngại, ông Đặng Hà Việt, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao khẳng định, không có nguy cơ chấn thương khi thi đấu trên mặt sân Mỹ Đình, dù chính ông cũng thừa nhận ban quản lý đã "quên bảo dưỡng" mặt cỏ.
Còn nhớ trong trận giao hữu với Dortmund hồi cuối tháng 11, cầu môn trên sân Mỹ Đình bị hư hỏng, khiến ban tổ chức mất nhiều thời gian khắc phục. Như vậy có thể thấy, những vấn đề về cơ sở vật chất tại Mỹ Đình như được lặp lại một cách có hệ thống. Gần như không có sự quan tâm xứng tầm nào với một công trình trọng điểm, chuyên được sử dụng cho đội tuyển quốc gia.
Hiện Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, bao gồm cả sân Mỹ Đình, thuộc quyền quản lý của Tổng cục Thể dục thể thao. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, đơn vị không có khả năng chi trả thuế, nhân viên đã giảm từ 200 người xuống hơn 90 người dù khu liên hợp được hoạch định tự thu chi.