| Hotline: 0983.970.780

Nông dân

Thứ Sáu 13/11/2020 , 21:20 (GMT+7)

Một nền nông nghiệp mới với những thế hệ nông dân mới, có thêm những phẩm chất mới, thích ứng với hiện đại, hòa nhập với toàn cầu...

“Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân!”. Câu này quen thuộc lắm với chúng ta ngay khi đang ở trong đô thị hay các thành phố lớn. Ta gặp một người nổi tiếng hoặc chưa, thành công ít hoặc nhiều, khi nói về gốc tích, thì hay được nghe như thế. Chúng ta cũng hay dùng câu ấy để giới thiệu về mình.

Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn đặc biệt, xuất hiện vào thời Đổi mới, khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đã lấy một câu gần như trên để làm đề từ cho truyện ngắn trứ danh “Những bài học nông thôn” của ông.

Nông dân là lực lượng làm nên những biến thiên to lớn trong lịch sử, vun đắp và giữ bền xã tắc. Ảnh: Trọng Chính.

Nông dân là lực lượng làm nên những biến thiên to lớn trong lịch sử, vun đắp và giữ bền xã tắc. Ảnh: Trọng Chính.

Trước năm 1945, dân Việt ta có tới 95% là nông dân. Và chính cái phần lớn tuyệt đối này trong dân tộc Việt, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đã là nguồn mạch của mọi thay đổi và dựng xây nên kỳ vĩ. Không ai trong chúng ta, khi nói đến gốc tích nông dân của mình mà không đi cùng cảm giác tự hào, mà không ngẩng đầu lên với mọi người.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, xuất thân là nông dân ở Hà Tĩnh, trong bài thơ “Nông dân”, đã viết: “Tôi đã thấy nông dân suốt một đời làm lụng/ Nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn/ Tôi đã thấy trên chiến trường ngã xuống/ Những nông dân áo lính, máu tươi ròng”.

Nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc Lưu Quang Vũ không phải có gốc tích gần từ nông dân, thì vẫn tự hào về nông dân và gọi nông dân là “Người cùng tôi” trong bài thơ cùng tên. Lưu Quang Vũ đã dựng nên chân dung người nông dân trong hình ảnh đất nước, lao động và thế giới tinh thần thật lộng lẫy: “Người cùng tôi bên bờ biển bão/ Người cùng tôi đầu ngọn gió mùa/ Người vỡ rừng mở đất bao la/ Bàn tay chai làm ra tất cả/ Làng xóm, đền đài, thành phố/ Tháp bút cao, điệu múa, những cung đàn/ Đi chân không, người thêu vạn hài cong/ Mặc vải nâu, người dệt muôn sắc lụa/ Không biết chữ, người làm ra tục ngữ/ Những thuyền to, chuông lớn, những vườn cây…”.

Nông dân là lực lượng làm nên những biến thiên to lớn trong lịch sử, vun đắp và giữ bền xã tắc. Mỗi lần đất nước sắp suy vong, nông dân chính là người cứu cỗ xe ra khỏi vực. Khi vua chúa cầm quyền sa đọa, thối nát thì người nông dân “Như gió điên, như nước phá tung bờ/Người vung tay: Cung điện ra tro/ Người xô khẽ, thế là nhào vua chúa”.

Nông dân là người gối đầu trên cán gươm nằm ngủ trong những kỳ trận mạc xa quê. Là người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô. Nông dân cùng Quang Trung đánh giặc, Quang Trung ngồi trên bành voi, thì người cầm giáo xông lên phía trước.

Nhưng sau những biến thiên, người nông dân lại trở về quê cũ với bao nhiêu công việc thường nhật “như an phận ngù ngờ cam chịu”: “Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng/Bị lão trương tuần quát nạt cũng run” (Lưu Quang Vũ). “Chết tưới đất, sống ngày cày xới đất/ Không bổng lộc nào theo đến lũy tre xanh!” (Nguyễn Sĩ Đại).

Thời thế ngàn năm đã khác đi rồi. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, nông dân thành chủ nhân của đất nước. Nông dân là liên minh cùng công nhân, trí thức và các thành phần dân tộc yêu nước, dựng nên một cuộc cách mạng dân chủ, lập nên chính quyền nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Những người nông dân nghèo khổ sau thảm họa nạn đói đã bừng dậy, tràn vào các phủ huyện, phá kho thóc cứu đói, rồi tuần hành lên thành phố, chiếm lấy chính quyền ở các tỉnh cho tới Hà Nội. Nông dân xếp hàng trang nghiêm ở Vườn hoa Ba Đình nghe vị Cha già dân tộc đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nông dân có mặt trên mọi nẻo đường, bằng đôi vai trần và xe thồ, bền bỉ chuyển gạo muối cùng nhu yếu phẩm phục vụ chiến dịch, để rồi dân tộc đi đến đỉnh cao là thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nông dân gắn với nhiều câu khẩu hiệu quyết liệt ý chí: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Tất cả cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Đất nước khải hoàn, thống nhất, người nông dân lại đi đầu trong công cuộc xây dựng: “Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn”, “Mo cơm quả cà và tấm lòng người cộng sản”. Nông dân cũng là những mạch suối góp vào con sông Đổi mới, từ những Vĩnh Phúc, Đồ Sơn, Thái Bình, Long An… đã gợi nên những cách thức thay đổi tư duy cho công cuộc làm ăn mới và xã hội chuyển mình.

Nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Hậu.

Nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Hậu.

Trong mấy thập niên vừa qua, đất nước có những thay đổi lớn lao. Những thành phố mọc lên không kém gì nhiều thành phố hiện đại trên thế giới. Những vùng biển Bình Định, Nha Trang, Hạ Long, Vân Đồn, Sầm Sơn… tỏa sáng vẻ đẹp. Những đỉnh núi cao như Fansipan, Bà Nà thức giấc trong mây…

Nhìn về nông thôn, ai cũng nhận ngay ra những chuyển động mạnh mẽ. Những làng quê muôn đời nay cứ ngỡ xa xôi buồn khổ, giờ sáng lên ánh đèn điện, tập nập xe đi về, những trường học, nhà văn hóa phong quang và rộn ràng…

Đấy là thành quả của công cuộc xây dựng Nông thôn mới với người nông dân là chủ thể chủ động. Nông dân là người đi đầu quyết định, sáng tạo trong xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội, trong tổ chức sản xuất công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong gìn giữ các giá trị truyền thống và thuần phong mỹ tục, là nhân tố quan trọng trong xây dựng nông thôn ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, đa dạng về bảo tồn và phát huy văn hóa.

Người nông dân thời nay đã khác đi nhiều để tiếp cận với quy luật phát triển. Nông dân bay giờ không làm nông nghiệp đơn thuần nữa. Nhiều người đã bao hàm phẩm chất doanh nhân. Họ tổ chức sản xuất, mở rộng, khai thác thị trường và là đầu mối thu mua và phân phối cho những chuỗi sản xuất hướng đến thị trường rộng lớn.

Họ bao hàm phẩm chất của công nhân khi đưa máy móc vào để nâng cao hiệu suất lao động. Họ có phẩm chất nghiên cứu của trí thức, đi đầu trong áp dụng công nghệ, cải tiến, sáng chế ra công cụ, máy móc thiết thực cho công việc của mình và hào hiệp chia sẻ cho bà con, làng xóm.

Nhìn theo hướng khác, lại thấy những điều khác, thật vui mừng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, sau khi phát triển mạnh mẽ từ thương mại, du lịch, lại quay lại đầu tư cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Có những tập đoàn công nghiệp lớn mạnh mở thêm lĩnh vực phát triển nông nghiệp mới, sẽ làm thay đổi nhiều vùng nông thôn truyền thống ở miền Trung, ở Bắc bộ. Đây chính là một hình thức liên minh công nông mới bền vững của thời đại mới.

Sau năm 1945, tỉ lệ nông dân trong dân số Việt là 90%. Bây giờ, con số ấy có thể đã thấp hơn đi nhiều. Nhưng đó là con số cơ học. Đất nước định hướng phát triển công nghiệp hóa, nhưng căn cốt để bền vững lâu dài, vẫn phải rất cần phát triển nông nghiệp theo cách thức mới. Một nền nông nghiệp mới với những thế hệ nông dân mới, có thêm những phẩm chất mới, thích ứng với hiện đại, hòa nhập với toàn cầu.

Và lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại xuất thân nông dân:

Xin chớ mất, chớ niềm tin sai lạc

Chín phần mười đất nước - Nông dân!

Hà Nội, 12/11/2020

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm