Trước vụ đông xuân 2022 - 2023, tỉnh Quảng Trị đã phát động toàn dân ra quân diệt chuột, làm thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chuột vẫn phát sinh gây hại với mức độ nghiêm trọng.
Vụ đông xuân này, gia đình bà Tống Thị Mỹ tại thôn Kim Đâu, xã Thanh An, huyện Cam Lộ trồng 3 sào lúa. Đến thời điểm này, 2 sào đã bị chuột cắn phá. Bà Mỹ đã dùng đủ mọi cách, thả thuốc diệt chuột sinh học, cắm bao nilon dọa chuột, đặt bẫy quanh ruộng… nhưng diện tích bị chuột cắn phá không ngừng tăng.
“Thả thuốc thấy chuột ăn hết nhưng lúa đông xuân vẫn bị cắn phá. Nó không cắn gần bờ mà cắn giữa ruộng, nhìn bên ngoài xanh thế thôi nhưng giữa ruộng bị luỗng hết rồi. Nhiều nhà còn quây lưới nilon quanh ruộng, đặt bẫy chuột nhưng cũng không ăn thua. Chưa năm nào chuột nhiều như năm nay”, bà Mỹ cho hay.
Nhiều hộ dân ra đồng đắp bờ vùng bờ thửa để dâng nước hoặc cắm các loại cây, túi nilon lúa nhằm ngăn chuột cắn phá. Tuy nhiên, giữa mênh mông nước, chuột vẫn bơi ra giữa ruộng để cắn phá.
Bà Bạch Thị Nhạn, làng Thượng Nghĩa, phường Đông Giang, TP Đông Hà vừa lội ruộng thu dọn những cây lúa bị chuột cắn vừa than thở: “Ruộng dâng đầy nước nhưng vẫn bị chuột bơi ra cắn phá. Nhà tôi cắm các loại cây giữa ruộng để đuổi chuột nhưng mỗi ngày ra thăm ruộng lại thấy xót xa”.
Không chỉ gặp nạn chuột cắn phá gây hại, bệnh đạo ôn lá cũng xuất hiện rải rác ở các huyện với tỷ lệ gây hại phổ biến 5 - 10%, nơi cao 40 - 50%, chủ yếu trên các chân ruộng bón phân không cân đối hoặc gieo dày. Một số thửa ruộng đã bị cháy cục bộ vì bệnh đạo ôn dù nông dân đã phun thuốc.
“3 sào lúa nhà tôi bị bệnh đạo ôn, bạc lá vi khuẩn. Dù đã phun theo chỉ dẫn nhưng bệnh trên cây lúa không thấy giảm là bao”, bà Tống Thị Mỹ tại Kim Đâu, xã Thanh An lo lắng.
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, thời gian tới, vào đêm và sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí cao, trung tuần tháng 3 có đợt không khí lạnh tăng cường. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch hại phát sinh và gây hại. Nếu nông dân không tập trung phòng trừ sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ.
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT Quảng Trị vừa ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị khuyến cáo nông dân cần bón phân thúc đòng đúng thời điểm, bón phân kali urê với lượng vừa đủ. Một số diện tích có dấu hiệu kém phát triển phải phun bổ sung các loại thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón lá. Các vùng có điều kiện, tùy theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để điều tiết mực nước trên ruộng hợp lý, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi.
Theo ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, thời điểm này, nông dân cần tích cực thăm đồng để kiểm tra, phát hiện sớm bệnh đạo ôn, đặc biệt là trên các ruộng gieo dày, bón phân không cân đối,... Những ruộng bị bệnh đạo ôn phải ngừng bón phân và phun thuốc trừ bệnh kịp thời theo liều lượng khuyến cáo.
Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ lúa đông xuân
“Tăng cường tổ chức diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, dùng bẫy, kết hợp sử dụng các loại thuốc bả chuột, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, các thuốc có hoạt chất thế hệ mới. Công tác diệt chuột cần được thực hiện thường xuyên, liên tục mới có hiệu quả. Ngoài ra, nông dân cần chú ý theo dõi mật độ rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời”, ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị.