| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng chỉ ra 3 giải pháp phát triển ngành nông nghiệp năm 2023

Thứ Sáu 13/01/2023 , 07:45 (GMT+7)

'Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân ‘đủ ăn đủ mặc’, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân', Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tìm hiểu những nông sản chất lượng cao được chế biến từ tía tô, rau má.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tìm hiểu những nông sản chất lượng cao được chế biến từ tía tô, rau má.

Hôm nay (13/1), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo thống kê, năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành NN-PTNT đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế…

Đó là những kết quả cụ thể, có thể nhìn thấy rõ của một năm mà ngành NN-PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.

Nhìn nhận tổng thể năm 2022, ngành NN-PTNT đã có nhiều chuyển biến thực tiễn từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở.

Thủ tướng tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại hội nghị.

Thủ tướng tìm hiểu các sản phẩm nông nghiệp được trưng bày tại hội nghị.

Nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, hay như việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên cũng như vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng...

Trước thực tiễn nhiều khó khăn thách thức, ngành NN-PTNT đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Theo thống kê, trong năm 2022, Bộ NN-PTNT đã hoàn thành 100% các đề án và 229/229 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính mà trọng tâm là cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, sản phẩm.

Đặc biệt trong năm 2022, ngành NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực tại các thị trường trọng điểm. Cùng với đó là các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa được đẩy mạnh, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.

nganh-nong-nghiep-bung-sang-6-thang-dau-nam-2022-1743_20220627_900-183653

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của DOVECO.

Công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng để nhanh chóng chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, kịp thời truyền tải đến cộng đồng các kết quả chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine...

Mặc dù vậy ngành NN-PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%...

chap-canh-viet-nam-thanh-bep-an-cua-the-gioi-1513_20220706_148-182128

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tham quan các thành tựu về nông nghiệp Việt Nam. 

Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam.

Trong đó, các nhiệm vụ và các giải pháp chính là kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

3 giải pháp phát triển ngành nông nghiệp năm 2023

TTg

Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định "ngành nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế".

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả của ngành nông nghiệp trong năm 2022. “Năm 2022, chúng ta vẫn phải xác định mục tiêu đầu tiên là kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để có thể phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn từ biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng để đạt được những kết quả khả quan”, Thủ tướng nhận định. Chính phủ mong Bộ NN-PTNT sẽ phát huy, kế thừa những thành quả và với truyền thống ngành nông nghiệp, năm 2023 tiếp tục phát triển, bứt phá và mạnh mẽ, bền vững hơn.

Phân tích thêm về mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2022, Thủ tướng cho biết, con số 3,36% là mức tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Việt Nam những năm vừa qua trong một hoàn cảnh khó khăn.

“Qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân ‘đủ ăn đủ mặc’, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Không những thế, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản còn đạt hơn 53 tỷ USD, qua đó đóng góp xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả”, Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Bộ NN-PTNT đã thực hiện tốt việc chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, chuyển đổi tư duy sẽ có nguồn lực”. Cần gắn sản xuất với thị trường, phải nắm sát thị trường, thị hiếu và biến chuyển tiêu dùng để sản xuất sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác chế biến, đóng gói bao bì và bảo quản sau thu hoạch xây dựng theo chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động, thu nhập của người dân.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong hoạt động, để công nghiệp hóa được nông nghiệp.

5 bài học kinh nghiệm

Thủ tướng cho rằng, các đơn vị phải thấm nhuần 5 bài học kinh nghiệm. Đó là: Đoàn kết thống nhất cả nhận thức và hành động. Bởi lẽ, nhận thức có đúng thì hành động mới có thể ngang tầm; Nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để chỉ đạo, điều hành sáng tạo, linh hoạt; Tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi gắn với giám giám sát, kiểm tra thường xuyên; Xác định có trọng tâm, trọng điểm bởi thời gian, năng lực, cơ sở hạ tầng có hạn; Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và phải phối hợp thực sự.

Bên cạnh những đóng góp, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Đó là: tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số công trình nông nghiệp tại Nghệ An, Hà Nam còn chậm; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao.

Bước sang năm 2023, Thủ tướng nhận định bối cảnh thế giới sẽ có nhiều thách thức hơn như: xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa kết thúc, kinh tế toàn cầu suy giảm, khủng hoảng năng lượng, chính sách chống lạm phát của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Dẫn câu thơ: “Núi cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh những người làm việc trong ngành cần quan tâm hơn nữa đến phát triển thị trường song song với quy hoạch vùng nguyên liệu.

Giải pháp cho 2023

Người đứng đầu Chính phủ đề ra các giải pháp cho năm 2023. Một là, việc xây dựng thương hiệu cần làm ngay sau khi quy hoạch. Hai là, quy hoạch vùng nguyên liệu cần phù hợp, xứng tầm. Ba là, đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, với sự quyết tâm của các đơn vị, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, toàn ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu năm 2023 mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Thủ tướng cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải triển khai nhanh hơn. Các địa phương phải chủ động phối hợp cùng Bộ NN-PTNT nâng cao năng suất lao động, gia tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, chống lãng phí, tiêu cực, đi đôi với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Về hoạt động xúc tiến thương mại, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo hướng sâu rộng, hiệu quả; phải chủ động tìm đến các thị trường. Để làm được điều này, Bộ NN-PTNT phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao để tìm thêm những thị trường tiêu thụ mới.

Với tinh thần mới, khí thế mới, Thủ tướng bày tỏ mong muốn, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ NN-PTNT trong năm 2023, tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế để phát triển mạnh mẽ hơn năm vừa qua.

10 giờ 30 phút

Ngành gỗ kỳ vọng xuất khẩu đạt 18 tỷ USD

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành gỗ đạt 7,1%. Đây được xem là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ. Tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thị trường Bắc Mỹ và EU “đứng im” do suy thoái.

Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên. Nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý II, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới.

ttxvngo

Năm 2023, ngành gỗ kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%. Ảnh: TTXVN.

Để làm được điều này, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng các giải pháp: Đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp; phối hợp các địa phương xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các Hội chợ quốc tế lớn, phấn đấu từ năm 2024, sẽ đều đặn tổ chức 4 hội chợ lớn/năm...

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tích cực phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức phát triển ngành lâm nghiệp cân đối; phát triển trồng rừng đi đôi với chế biến. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Bởi lẽ, chỉ có nắm được thị trường mới chủ động được sản xuất và thực hiện tốt việc giải quyết tranh chấp thương mại.

Trên cơ sở đó, ông Lập kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp; tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng, bởi lẽ, họ có công nghệ, tiềm lực thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp.

10 giờ 15 phút

Nhiều nước lấy Việt Nam làm thước đo xuất khẩu thủy sản

ong nguyen hoai nam

Năm 2022, ngành thủy sản vượt được “lời nguyền” 10 tỷ USD, xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, giúp Việt Nam củng cố vững chắc vị trí trong tốp 3 các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam (ảnh), Phó Tổng Thư ký VASEP, kết quả này càng đáng mừng khi 95% số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là doanh nghiệp trong nước. Đây là tỷ lệ rất cao, thậm chí có thể coi là ngược xu hướng với số đông trong nền kinh tế hiện nay khi khoảng 70% số doanh nghiệp xuất khẩu lớn thuộc nhóm FDI. Kỳ tích của ngành thủy sản có được là do doanh nghiệp và hiệp hội đã nỗ lực vượt nhiều rào cản, từng bước mở cửa, chinh phục các thị trường khó tính, kể cả trước khi vào WTO.

“Nhiều nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới hiện lấy Việt Nam làm thước đo, và muốn học hỏi kinh nghiệm vượt qua dịch bệnh của chúng ta”, ông Nam chia sẻ.

Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trực tiếp là Bộ NN-PTNT, VASEP cho rằng doanh nghiệp trong ngành cần duy trì được nội lực, xây dựng, đẩy mạnh các chuỗi liên kết chặt chẽ hơn nữa.

xk thuy san

Ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD trong năm 2022.

Dưới gợi ý của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ông Nam đánh giá, doanh nghiệp thủy sản hoàn toàn có thể kết hợp văn hóa, du lịch trong các chiến lược phát triển của năm 2023.

9 giờ 45 phút

‘Hợp lực cùng nhau mới tạo ra sự thay đổi’

Nhập chú thích ảnh

Bà Nguyễn Thị Phương (ảnh) - Tổng Giám đốc WinCommerce - mở đầu phần phát biểu. Theo bà Phương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp WinCommerce - thành viên của Tập đoàn Masan, năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và Việt Nam nhưng ngành nông nghiệp vẫn có tốc độ phục hồi và bứt phá ấn tượng, nhiều mục tiêu đã hoàn thành xuất sắc và vượt chỉ tiêu đề ra.

“Điều này thể hiện rõ nét sự đúng đắn và hiệu quả trong các định hướng chiến lược điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của toàn ngành nông nghiệp, của lực lượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại các sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt sự kiên trì, bền bỉ vượt khó của người nông dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam”, bà Phương chia sẻ.

Cũng trong phần tham luận của mình, bà Phương cho biết Tập đoàn Masan và các đơn vị thành viên luôn xác định việc đảm bảo chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp phải gắn với chất lượng tăng trưởng của chuỗi giá trị nông nghiệp và của cộng đồng nông thôn.

“Chúng tôi cho rằng chỉ có cách tiếp cận 'hợp lực cùng nhau' mới tạo ra sự thay đổi trên thực tế, từ đó hướng đến và đảm bảo sự phát triển bền vững. Điều này thực sự quan trọng nhất là đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, khi mà lực lượng sản xuất và tạo ra sản phẩm phục vụ một trăm triệu dân, chủ yếu, ở tại cộng đồng nông thôn và chính là người nông dân Việt Nam”, Tổng Giám đốc WinCommerce nhấn mạnh.

9 giờ 35 phút

Giá trị sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa đạt hơn 66.000 tỷ đồng

Mô hình trồng rau chất lượng cao tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mô hình trồng rau chất lượng cao tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

"Thanh Hóa còn là tỉnh nghèo với dân số đông. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của Bộ NN-PTNT, trong năm 2022 ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp", ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, mở đầu phần phát biểu.

Về lĩnh vực trồng trọt, hầu hết năng suất các cây trồng chính đều tăng, tổng sản lượng lượng thực đạt 1,6 triệu tấn, dù từ đầu năm đã chuyển đổi khoảng 100.000 ha trồng lúa làm đô thị, du lịch, đường giao thông, chuyển 2.000 ha trồng lúa sang các cây trồng khác.

Về chăn nuôi, trong năm 2022, Thanh Hóa không ghi nhận dịch bệnh. Về lĩnh vực lâm nghiệp, với diện tích rừng đứng thứ 3 cả nước nhưng trong năm qua tỉnh không ghi nhận hiện tượng cháy rừng. Năm 2022, tỉnh trồng mới được 10 ngàn ha rừng và 6 triệu cây phân tán.

Ngành thủy sản tỉnh đạt sản lượng 177 ngàn tấn, cao nhất từ trước đến nay, dù thời gian qua gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng.

Thanh Hóa bước vào xây dựng nông thôn mới với số lượng xã, thôn nhiều nhất cả nước. Hiện đã có 349 xã và 15 huyện hoàn thành nông thôn mới. Tỉnh có 317 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2022, Thanh Hóa hoàn thành tốt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, xảy ra 12 trận thiên tai nhưng để lại thiệt hại ít. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 66.080 tỷ đồng, quy mô nông nghiệp đứng thứ 9 cả nước, tốc độ tăng tường ngành nông nghiệp tỉnh đạt 3,65%, cao nhất từ tước đến nay.

Đại diện tỉnh Thanh Hóa đề xuất Bộ NN-PTNT rà soát một số chính sách cũ, ban hành chính sách mới, để phát triển sản xuất tập trung, nâng cao giá trị hàng hóa; giành nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu neo đậu để phát triển nghề nuôi biển; nghiên cứu, rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tại cấp địa phương để tránh lãng phí nguồn lực, đất đai; đầu tư công trình hồ đập, phòng chống thiên tai liên vùng, liên tỉnh để bảo vệ an toàn cho người dân và môi trường sinh thái.

9 giờ 25 phút

Một số vùng trồng hoa Lâm Đồng đạt giá trị sản xuất hơn 3 tỷ đồng/ha

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu bí quyết và hướng đi riêng của nền nông nghiệp tỉnh là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Nhờ cách làm này, giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất của Lâm Đồng được nâng lên rất cao. Cá biệt, một số vùng trồng hoa có thể đạt tới 3-4 tỷ đồng/ha.

hoa da lat

Du khách khám phá những vườn hoa Đà Lạt.

Dưới định hướng của Bộ NN-PTNT, tỉnh phát triển nông nghiệp đa giá trị bằng cách tích hợp giáo dục, du lịch. Riêng du lịch được xem là thế mạnh của Lâm Đồng. Hiện địa phương có 3 doanh nghiệp du lịch quốc tế, có thể thu hút từ 1-3 triệu lượt du khách hàng năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của nông nghiệp đạt trung bình 4,56%/năm. Tổng diện tích canh tác nông nghiệp khoảng 300.000 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 63.108 ha.

Lâm Đồng xây dựng được 182 chuỗi liên kết sản xuất an toàn với 18.386 hộ tham gia; sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi đạt hơn 12% sản lượng nông sản toàn tỉnh, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 45%. Tỷ lệ diện tích canh tác được tưới 66%; trong đó, diện tích tưới tiết kiệm đạt 38.500 ha. Đến đầu năm 2022, tỷ lệ diện tích sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha/năm xuống còn 16,5%. 98% số xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Báo cáo Thủ tướng và các Bộ, ban, ngành, ông Phạm S. nêu một số nguyên nhân giúp Lâm Đồng đạt kết quả này. Trong đó, ông nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xác định mô hình công nghệ, mức độ áp dụng phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng chủng loại cây trồng; đồng thời bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, cảnh quan.

9 giờ 15 phút

Kiến nghị hỗ trợ Quảng Ninh phát triển nuôi biển

Nhập chú thích ảnh

Nuôi biển Quảng Ninh đa dạng, phong phú với nhiều loại thủy sản như tôm, nhuyễn thể.

Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh thông tin: "Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, trong đó, nổi bật là tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, trồng mới được được 4.500 ha".

Quảng Ninh đang hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập tỉnh vào năm 2023. Do đó, tỉnh đã đặt ra mục tiêu ngành nông nghiệp duy trì tốc tăng trưởng trên 4%. Tập trung nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, phát triển làng nghề, nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, phấn đấu công nhận thêm 50 sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP 600 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, tập trung thực hiện thành công Đề án nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh nuôi biển theo hướng công nghệ cao.

Trên cơ sở đó, ông Huy kiến nghị Bộ NN-PTNT, trong năm 2023, tập trung hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh phát triển nuôi trồng biển đạt hiệu quả cao nhất.

9 giờ 05 phút

1,5 triệu lượt khách trải nghiệm du lịch Yên Bái trong năm 2022

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, cho biết, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp tỉnh tăng 5,95%, là mức tăng trưởng cao nhất của địa phương.

Đặc biệt, 37 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương, Yên Bái đã có những chính sách riêng, qua đó chuyển đổi từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông qua các doanh nghiệp và tổ hợp tác, kinh tế tập thể.

“Với diện tích hơn 800 ha trồng chè, một trong những mô hình nổi bật của Yên Bái đó là phát triển vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái. Thông qua mô hình này, tỉnh đã phát huy những thế mạnh về du lịch trải nghiệm để thu hút khách du lịch. Qua đó, năm 2022, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái đã tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Cụ thể là 1,5 triệu lượt khách”, ông Nguyễn Thế Phước bày tỏ.

Yên Bái phát triển vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái

Yên Bái phát triển vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho hay, năm 2022, địa phương cũng tập trung phát triển mô hình kinh tế dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

Ngoài ra, năm vừa qua, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. 100% sản phẩm OCOP địa phương đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử, từ đó nâng cao sức tiêu thụ.

"Yên Bái đang thực hiện quản lý diện tích rừng lớn với hơn 50% diện tích là rừng tự nhiên. Đời sống người dân hiện chủ yếu dựa vào mức gia khoán bảo vệ rừng và vẫn còn thấp", ông Phước nói. Theo đó, đại diện tỉnh Yên Bái đề xuất Bộ NN-PTNT tham mưu với Chính phủ xem xét nâng mức khoán bảo vệ rừng cho người dân lên mức 1 triệu đồng/ha; đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng quy định quản lý tín chỉ Carbon và có hướng dẫn để các địa phương thực hiện.

Ông Phước cũng đề xuất Bộ NN-PTNT sớm có hướng dẫn việc phát triển dược liệu dưới tán rừng và cho thuê dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái để qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

8 giờ 55 phút

Kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục dù gặp nhiều khó khăn, biến động

thu truong nguyen sinh nhat tan

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 ở mức 2%, giảm đáng kể so với 2022 và còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định luôn sát cánh Bộ NN-PTNT trong nhiều hoạt động.

Hai Bộ đã ký thỏa thuận để cụ thể hóa các hoạt động hợp tác đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho ngành nông nghiệp, trong đó có các hợp tác về công nghiệp hóa nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đàm phán xúc tiến thị trường phi thuế quan, phát triển làng nghề nông nghiệp, quản lý vật tư nông nghiệp và điện khí hóa trong ngành nông nghiệp và nông thôn.

Trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đóng vai trò quan trọng trong thành tích chung là kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỷ USD năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021, cao gấp 133 lần so với năm 1986. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 11 ngành hàng trong tổng 39 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản... Một số mặt hành chủ lực có vị thế tại thị trường lớn, đáp ứng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng những thành quả trên đạt được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và quyết tâm vượt khó của cả ngành nông nghiệp và sự tham gia hiệu quả quả, kịp thời của các Bộ, ban ngành từ Trung ương trong hỗ trợ sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản cho nông dân.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, tham gia hỗ trợ để thực hiện đàm phán, mở cửa thị trường, thực hiện thương mại tự do, phòng vệ thương mại để bảo vệ nhà sản xuất trong nước, tổ chức kết nối cung cầu tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản.

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 ở mức 2%, giảm đáng kể so với 2022 và còn nhiều khó khăn. Mặc dù thị trường Trung Quốc đã khôi phục xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản khi tiếp cận thị trường nước bạn.

Thứ trưởng Tân đề xuất một số nội dung hợp tác giữa hai Bộ gồm tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc; nâng cao chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

8 giờ 40 phút

Gắn chặt nông nghiệp với phát triển du lịch, hình thành ngành kinh tế xanh

bo truong vh tt dl

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định lĩnh vực văn hóa luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Bộ NN-PTNT với những thành quả đã đạt được trong năm 2022.

Theo ông Hùng, lĩnh vực văn hóa luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với lĩnh vực nông nghiệp. Điều này được thể hiện rõ nét trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, yếu tố văn hóa được xem là một trong những tiêu chí quan trọng.

Văn hóa hay nông nghiệp đều cùng hướng tới một mục tiêu cao nhất là phát triển nông thôn ngày càng văn minh, nông dân hiện đại, trên cơ sở giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử. Trên cơ sở nắm bắt những chủ trương của ngành nông nghiệp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp một cách chặt chẽ, hiệu quả.

Ông Hùng cũng cho rằng, những sản phẩm nông nghiệp không chỉ phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người mà ẩn sâu trong đó là chiều sâu văn hóa của các vùng miền, nơi ra đời sản phẩm đó. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ trong việc quảng bá cho hoạt động du lịch; quảng bá mảnh đất, con người, văn hóa của khắp địa phương trên cả nước tới bạn bè thế giới.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng: "Trong du lịch, hoạt động quảng bá với bạn bè quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, mong muốn Bộ NN-PTNT luôn đồng hành phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhất là trong việc đưa các sản phẩm nông sản tham dự tại các hội chợ quốc tế. Thông qua các sản phẩm đó để quảng bá địa điểm du lịch. Đặc biệt, gắn chặt phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch để hướng tới xây dựng thành ngành kinh tế xanh".

8 giờ 25 phút

Toàn ngành nông nghiệp “nêu cao tinh thần sẵn sàng” với mọi tình huống

z4035130802617_fedb431dbf3162137aa4ad577af67f10

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết ngành nông nghiệp sẽ kiên trì mục tiêu thực hiện: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Mở đầu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, “nông nghiệp có tin vui” là dòng tiêu đề xuất hiện trên nhiều mặt báo những ngày cuối năm. Đó là nhờ giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt chỉ tiêu, đạt 53,2 tỷ USD. Ngoài ra, giá trị xuất siêu của ngành chiếm khoảng 70% tổng giá trị của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như tinh thần vượt khó của toàn thể bà con nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Năm 2023, tình hình thế giới được dự báo là ngày càng khó đoán. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế. Một trong số đó được tư lệnh ngành nông nghiệp nêu ra là mặt hàng gỗ, lĩnh vực chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị xuất khẩu. Ông nhấn mạnh, toàn ngành nông nghiệp cần “nêu cao tinh thần sẵn sàng” với mọi tình huống.

Về phía Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng cho biết đã chủ động bằng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, cũng như các công tác xúc tiến, tiếp cận mở rộng thị trường. Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều địa phương giờ đã thay đổi cách tiếp cận về nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Người tiêu dùng cũng có thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam nhiều hơn, giúp hàng Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường 100 triệu dân.

Với tiêu chí lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ, ngành nông nghiệp cam kết kiên trì mục tiêu thực hiện: “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhiều lần nhắc đến cụm từ “Cần làm gì”, như một nỗi trăn trở với ngành nông nghiệp trong năm 2023, năm giữa nhiệm kỳ của giai đoạn 2021-2025. Ông đặt ra nhiều câu hỏi như: làm gì để đơn giản mà tốt hơn; làm gì để tiết giảm chi phí, để thích ứng tốt hơn với những khó khăn đã được dự báo, cũng như nâng cao được chất lượng sản phẩm; làm gì để các đơn vị sẵn sàng hợp tác và đi cùng nhau… Mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan coi đây là những giải pháp quý báu để người nông dân có thể tiếp cận được nhiều hơn với khoa học, công nghệ, và tri thức hóa trong tương lai.

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.