| Hotline: 0983.970.780

'Nông sản không phải để giải cứu mà là sản phẩm để nâng niu'

Thứ Tư 02/06/2021 , 16:06 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan cần một mô hình kết nối cung - cầu chính quy, vừa giữ được giá trị của nông sản, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người.

Bộ NN-PTNT cùng 3 đoàn thể vào cuộc

Sáng 2/6, Bộ NN-PTNT đã họp bàn với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc triển khai xây dựng điểm lưu thông nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội sáng 2/6. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội sáng 2/6. Ảnh: Minh Phúc.

Chia sẻ về ý tưởng "hợp tác 4 bên" giữa Bộ NN-PTNT và 3 tổ chức chính trị xã hội để xây dựng các điểm lưu thông nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Đây là thời điểm thu hoạch rộ của nhiều loại nông sản. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 tạo ra sự đứt gãy trong lưu thông, tiêu thụ nông sản.

"Chúng ta rất trân trọng tinh thần thiện nguyện, tương thân tương ái của người Việt. Nhưng tôi nghe được thông tin có một số người lợi dụng từ “giải cứu” để làm cho hình ảnh và giá cả nông sản của chúng ta giảm đi. Nhất là trong lúc chúng ta đang xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là vải thiều. Ông bà ta hay nói “của cho không bằng cách cho”, do đó cần có một mô hình kết nối cung - cầu chính quy hơn, vừa giữ được giá trị của nông sản, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người”, ông Lê Minh Hoan nói.

Mô hình này sẽ chứng minh cho xã hội thấy rằng, nông sản không phải là thứ để giải cứu mà đó là sản phẩm để chúng ta nâng niu.

Để làm được điều đó, Bộ NN-PTNT cùng 3 tổ chức chính trị xã hội đã xây dựng hình mẫu về kết nối cung - cầu nông sản với những chuẩn mực về chất lượng sản phẩm cũng như quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các cá nhân, tổ chức sẽ cùng tham gia để lan tỏa tinh thần hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con với tinh thần tiếp cận khác, tránh rơi vào sự bi thương.

Ông Lê Văn Thành - Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT, cho biết, với tinh thần “Nâng niu giá trị nông sản Việt - Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”, mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch đảm bảo an toàn sẽ được xây dựng trên 3 trụ cột.

Mô hình điểm tiêu thụ nông sản mùa dịch do Bộ NN-PTNT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng.

Mô hình điểm tiêu thụ nông sản mùa dịch do Bộ NN-PTNT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng.

Một là nông sản được thu hái, sơ chế, đóng gói đúng quy trình, đảm bảo sản phẩm tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Hai là, đảm bảo nông sản có giấy xác nhận an toàn dịch Covid-19. Lô hàng có xuất xứ rõ ràng về vùng trồng, ngày sơ chế, đóng gói, phương tiện vận chuyển đã được phun thuốc khử khuẩn, lái xe có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV2. Ba là, các điểm bán hàng trực tiếp phải đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trung ương Đoàn sẽ tổ chức các điểm bán hàng trực tiếp và bán thông qua hệ thống thương mại điện tử, giao hàng tận nhà khách hàng.

Ông Lê Văn Thành cho biết, các điểm tiêu thụ nông sản mùa dịch đều được trang bị hệ thống sát khuẩn, bàn đo thân nhiệt; được bố trí khu vực xếp hàng đảm bảo khoảng cách an toàn; quầy thanh toán.

Hiện nay Bộ NN-PTNT đang xây dựng khoảng 10 đểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 tại Hà Nội và khoảng 10 điểm ở các tỉnh, thành khác.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Trung ương Đoàn đang gấp rút thiết lập các điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 theo mẫu thiết kế của Bộ NN-PTNT.

Dự kiến sáng 8/6, 10 điểm bán hàng của Trung ương Đoàn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức hoạt động.

Đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham dự cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham dự cuộc họp. Ảnh: Minh Phúc.

Trước đó, Trung tâm Tình nguyện quốc gia thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã phát động Chiến dịch “Đồng hành online - Bán vải Bắc Giang”. Sau 3 ngày triển khai, lượng vải tiêu thụ được thông qua nền tảng số là 7 tấn. Dự kiến đến trung tuần tháng 6, Trung ương Đoàn sẽ triển khai tiêu thụ một số sản phẩm khác như xoài, khoai lang…

Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết Hội Nông dân có hơn 700 cửa hàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Bộ NN-PTTN và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai các điểm tiêu thụ an toàn  phòng dịch Covid-19.

Thoát khỏi tình trạng "trồng mù, bán mù, mua mù"

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, tất cả các điểm tiêu thụ nông sản sắp tới sẽ được in logo của 4 đơn vị là Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trung ương Đoàn và sẽ không còn từ “giải cứu” nữa.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan cho rằng, đây chỉ là những giải pháp tạm thời để giải phóng các điểm ùn ứ nông sản cục bộ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Để phát biển nền nông nghiệp bền vững, trong tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ trong nước bàn về việc thành lập Hiệp hội Tiếp thị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Bộ NN-PTNT cùng hệ thống của mình sẽ thiết lập một hệ thống thông tin, dữ liệu đầu cung từ quy mô, sản lượng, thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc… và cung cấp thường xuyên cho các hệ thống bán lẻ, hệ thống phân phối lớn. Họ sẽ tiếp nhận và xử lý những dữ liệu đó để xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ bài bản hơn. Tránh tình trạng khi nông dân thu hoạch xong rồi thì chúng ta mới tìm chỗ để bán.

Nhất là ngay từ đầu vụ, trách nhiệm của các Sở NN-PTNT là ước lượng sản lượng của nông sản chủ lực của địa phương. Bộ NN-PTTN sẽ giao cho Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tích hợp những dữ liệu đó, rồi chuyển cho Hiệp hội Tiếp thị sản phẩm nông nghiệp cùng xử lý. Ở thời điểm đầu vụ, giữa vụ, cuối vụ, chúng ta sẽ kết nối được dữ liệu giữa đầu cung và đầu cầu. Lúc đó chúng ta sẽ minh bạch về mặt thông tin và dữ liệu, tránh tình trạng “trồng mù, bán mù và mua mù”. Mù ở đây là mù thông tin.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đưa ra thông điệp: “Chúng ta muốn chuẩn hóa được chất lượng nông sản thì bà con cần thay đổi quy trình canh tác”.

Bởi vì hệ thống tiêu thụ nào cũng cần phải thực hiện trách nhiệm với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ NN-PTNT sẽ cùng bà con xây dựng quy trình nuôi, trồng, chăm sóc và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó đảm bảo hàng hóa chất lượng.

Bởi vậy, mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch của Bộ NN-PTNT và 3 đoàn thể sẽ là khởi đầu để hướng đến thay đổi tư duy làm nông nghiệp của bà con nông dân chúng ta. Khi ấy nền nông nghiệp mới không còn rủi ro mùa vụ, không còn rủi ro về đứt gãy cung cầu. Đồng thời, tạo ra được thương hiệu cho nông sản Việt.

Xem thêm
Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.