Đẩy mạnh tuyên truyền từ cơ sở
Ngày 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tham dự Hội nghị trực tuyến về chống IUU. Cùng tham dự, có 28 tỉnh, thành phố ven biển, 136 quận, huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng đề cao vai trò cơ sở của 675 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh, thành ven biển.
Hàng loạt câu hỏi được Thủ tướng đặt ra cho địa phương, như: Đã tuyên truyền cho người dân về chủ trương, đường lối, chính sách, quy định về khai thác hải sản chưa? Tuyên truyền bằng cách nào? Tổ chức thực hiện có khó khăn gì? Đơn vị cấp trên có xuống thực tế cơ sở không? Giải pháp nào để quản lý đánh bắt hải sản tốt hơn trong bối cảnh hiện nay? Ai tuyên truyền cho người dân và cấp nào làm hiệu quả nhất?
“Đây là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân. Ngay từ xã, phường phải thực hiện tốt cơ chế cấp ủy lãnh đạo, chính quyền thực hiện quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vào cuộc, giám sát, vận động, kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng, tham gia, chấp hành. Cấp huyện phải kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ cấp xã. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh”, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung này tới lãnh đạo các địa phương, nhất là những nơi có nhiều ngư dân vi phạm IUU.
Năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo thẻ vàng với thuỷ sản Việt Nam. Do đây là thị trường khó tính và quan trọng với Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của nước ta ở trong tình trạng bấp bênh.
Trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khách quan bất lợi khác, Chính phủ yêu cầu dứt điểm vấn đề. Trên cơ sở đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống IUU sẽ đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để sớm đạt mục tiêu lớn nhất này, dứt khoát không để bị “thẻ đỏ”, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành thủy sản đi đúng hướng.
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng hàng năm khoảng 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 8,5 đến 9 tỷ USD. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 đến 16 tỷ USD.
Hoạt động thủy sản đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan; góp phần phát triển ngành, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 2 lần vào năm 2017 và 2019, nhưng nước ta chưa đáp ứng được những yêu cầu của đối tác. Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản, đến nay mới đạt 27.628/ 30.609 tàu cá (chiếm 90,26%).
Bên cạnh đó, nhiều tàu cá còn tình trạng lắp đặt nhưng ngắt kết nối khi đánh bắt. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm: có địa phương xử phạt, có nơi chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao…
Tại cuộc họp ngày 7/9, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nêu nhiều giải pháp, như đề cao trách nhiệm trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách...Mục tiêu là khắc phục các hạn chế để trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay; đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều địa phương cũng cam kết với Thủ tướng về mốc thời gian chấm dứt vi phạm của tàu cá trên địa bàn.
Ông Lê Thanh Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Kiên Lương, Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng về thực tế địa phương để chỉ đạo mạnh mẽ hơn các giải pháp. Thủ tướng khẳng định sẽ thực địa ngay khi bố trí được thời gian, và yêu cầu các đơn vị dự họp tổng hợp, xử lý các kiến nghị, trước khi báo cáo lại Chính phủ.
Ghi nhận những ý kiến, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chưa xử lý dứt điểm vấn đề IUU là do lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động chưa tốt và đủ sức chuyển biến người dân.
Giải pháp đồng bộ
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra mục tiêu: Chậm nhất trong năm 2021, tức còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm IUU. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phải hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm công việc, giám sát, kiểm tra.
Dựa theo kinh nghiệm của 4 năm chống IUU vừa qua, Thủ tướng cho rằng cần những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ trên xuống dưới để nhanh chóng đạt mục tiêu "gỡ thẻ vàng".
Về phía địa phương, Thủ tướng chỉ đạo, phải tổ chức quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách, pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy sản. “28 tỉnh, thành phố, 136 huyện, thị xã, và đặc biệt là 675 xã, phường, thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, đạt được mục tiêu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về công việc chuyên môn của các bộ, ban, ngành, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trên biển.
Bộ Công an được giao tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2021, khởi tố hình sự một số vụ việc vi phạm để răn đe, làm gương trên cơ sở quy định pháp luật.
Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất rõ ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam, phối hợp với nước sở tại thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tàu cá vi phạm để kịp thời trao đổi với cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, bằng chứng tàu cá vi phạm, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ cũng tập trung theo dõi, đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên, cân đối, bố trí hợp lý nguồn vốn cho phát triển hạ tầng nghề cá, nhất là bến cảng, khu neo đậu cho ngư dân khi bão gió, thiên tai; đầu tư hạ tầng số để quản lý thật tốt; thực hiện các nhiệm vụ liên quan đề án phòng, chống khai thác IUU.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng các chương trình phát triển lâu dài, định hướng bền vững cho ngư dân, theo phương châm xã, phường, thị trấn là pháo đài, còn người dân là chiến sĩ.
“Nâng cao nhận thức, thống nhất và quyết tâm hành động, tổ chức thực hiện thật tốt, hướng dẫn nhân dân cùng làm để chậm nhất cuối năm nay, các hiện tượng vi phạm, tiêu cực chấm dứt, cùng EU gỡ thẻ vàng, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước ta nói chung và của ngư dân nói riêng”, Thủ tướng kết luận.
Bộ NN-PTNT kiên trì gỡ khó
Để tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC, Luật Thủy sản mới năm 2017 ra đời. Cùng với đó là hàng loạt nỗ lực khác từ Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ban, ngành liên quan dựa theo yêu cầu của EC để gỡ thẻ vàng IUU.
Các nhóm giải pháp tập trung vào việc giải quyết 4 khuyến nghị của EC gồm: Đội tàu khai thác trên biển của Việt Nam chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, bảo đảm điều kiện tham gia khai thác trên biển; Hệ thống kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác trên biển đối với các tàu cá còn thiếu và hoạt động chưa hiệu quả; Thiếu hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy hải sản khai thác trên biển, dẫn tới đa số hải sản do ngư dân khai thác không rõ nguồn gốc; Còn xảy ra tình trạng ngư dân Việt Nam khai thác và đánh bắt hải sản trên vùng biển của quốc gia khác.
Giữa tháng 8/2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến họp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Theo Thứ trưởng, từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, phía EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế. Ngoài ra, ông kêu gọi VASEP và các thành viên chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để chống khai thác IUU; kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vì lợi ích cá nhân tiếp tay, dung túng, cố tình vi phạm các quy định về IUU phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dù chưa được gỡ thẻ vàng, những nỗ lực của Việt Nam được đánh giá cao. World Bank nhận định, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, đồng thời tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA, cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU có thể tới 1,2 - 1,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất là gỡ thẻ vàng, Việt Nam chưa đạt được. Vấn đề lớn nhất là tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ NN-PTNT đã tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Qua đó, Thủ tướng chỉ rõ 10 tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm trong việc gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam.
Trước yêu cầu của Thủ tướng trong phiên họp trực tuyến ngày 7/9, là chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp vào cuối năm 2021, Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, nâng cao tính răn đe để người dân có ý thức hơn. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương để đầu tư, đẩy mạnh số hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, quản lý, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình tàu cá, hỗ trợ ngư dân.
Song song với đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá. Bộ cũng có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cấp, giúp Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy chế làm việc.
Về phối hợp liên Bộ, Bộ NN-PTNT sẽ cùng Bộ Giao thông vận tải quản lý, kiểm soát việc di chuyển của công dân và tàu cá. Bộ NN-PTNT kết hợp Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội xây dựng chương trình đào tạo nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân; đồng thời hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp quy định của Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế.