| Hotline: 0983.970.780

Phải thay đổi cách thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Thứ Năm 20/04/2017 , 08:41 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng không chỉ đơn thuần khuyến khích doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp. Nếu tiếp cận như thế thì hướng đi của chúng ta sẽ không sáng sủa gì.

Tại hội nghị cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (chiều qua 19/4) nhiều đại biểu cho rằng, nếu vẫn cách tiếp cận xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thế này thì Nghị định sẽ sớm chết yểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị nêu vấn đề, nếu không tối ưu hóa các quy định ở các Luật liên quan vào trong Nghị định này (khi chưa có Luật đầu tư vào nông nghiệp) thì rất khó để xoay chuyển được con số 1% DN đầu tư vào nông nghiệp.

19-53-49_pho-ttg-vuong-dinh-ue
Phó Thủ tướng cho rằng, DN mất ăn mất ngủ khi chính quyền bất ngờ thay đổi quy hoạch sử dụng đất

Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ đơn thuần khuyến khích doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp. Nếu tiếp cận như thế thì hướng đi của chúng ta sẽ không sáng sủa gì. Vì đã có bao nhiêu dự án công nghệ cao người ta đầu tư ầm ầm rồi, họ có chờ Nghị định đâu.

Quan điểm của Chính phủ đã sửa là phải tạo cho được sự chuyển biến. Do đó, nếu mất thời gian thì cũng phải xem xét lại để hoàn thiện bổ sung. Phó Thủ tướng nêu dẫn chứng về nguồn vốn đặt ra trong Nghị định, hàng năm NSNN bố trí 11.200 tỷ đồng thì lấy đâu ra tiền nhiều như thế, không khả thi đâu. Đôi khi DN họ chưa hẳn đã cần tiền.

“Chính sách khuyến khích nông nghiệp nhưng nội hàm toàn là ưu đãi và hỗ trợ. Vậy chỗ tạo thuận lợi cho DN lại không thấy? Có lần tôi hỏi lãnh đạo một tập đoàn rằng cần tín dụng không? Đáp, không, DN vay vốn nước ngoài. Cần Nhà nước hỗ trợ gì không? Đáp, không. Thế cần gì? Đáp, cần hợp tác xã. Vậy Nghị định có bám sát được nhu cầu thực tế này để thúc đẩy phát triển không?”, Phó Thủ tướng đặt bài ban soạn thảo.

Phó Thủ tướng lưu ý, Nghị định ghi rõ quy định nhà nước phải công khai quy hoạch sử dụng đất và cam kết bao nhiêu năm không được thay đổi quy hoạch sử dụng đất. Quy định rõ như thế sẽ có chuyển biến ngay. Ai làm không đúng thì xử lý. “DN họ sợ nhà nước thay đổi quy hoạch, vừa bỏ vốn đầu tư chưa được bao lâu thì có quyết định thay đổi hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Như thế có mà “giết chết” DN”, ông Huệ nói.

Về chính sách tín dụng, Phó Thủ tướng nhắc đến câu chuyện trồng keo trước đây. Lẽ ra trồng keo 7 – 8 năm thì khối lượng, chất lượng sẽ lớn gấp 1,5 – 2 lần so với tuổi keo 4- 5 năm. Nhưng vì gói tín dụng vay 5 năm nên nông dân phải thu hoạch lúc keo 4-5 tuổi. Thế là, đầu tư chỉ có lỗ hoặc hòa vốn thôi, làm sao giàu lên được. Cho nên tín dụng nên hiểu là hỗ trợ cho DN khỏe mạnh để làm giàu cả một vùng cho nhiều thế hệ. Chứ không phải thực hiện kiểu đại trà, hỗ trợ cả anh yếu ớt thì biết đến lúc nào bứt phá được. Cái này phải rạch ròi như thế.

Một vấn đề khác cũng được Phó Thủ tướng lưu ý là bảo hiểm trong nông nghiệp. Làm nông nghiệp không có bảo hiểm khác nào đi thang máy không có khung chắn bảo vệ.

19-53-49_thu-truong-bo-nn-h-cong-tun
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị phải bỏ đi các quy định không sát thực tế và thủ tục hành chính rườm rà

Phát biểu tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội nông nghiệp Việt Nam nêu 6 nhóm vấn đề lớn vướng mắc hiện nay đối với DN đầu tư vào nông nghiệp.

Theo ông Hùng đáng chú ý là vướng mắc về đất đai, thủ tục hành chính. DN khiếp đảm về thủ tục hành chính, không những vướng mà còn bị hoạnh họe ghê lắm. Hay là, DN sợ nhất là chính quyền không chung thủy. Mới được giao đất một thời gian là thay đổi quy hoạch sử dụng đất ngay. Tiếp đến là minh bạch thị trường của ta quá kém, ông nhỏ phá ông lớn, ông giả phá ông thật.

Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định Nghị định sẽ rất khó đi vào cuộc sống. Ở tầm Nghị định chỉ tháo gỡ được những khó khăn nhỏ chứ để làm thay đổi lớn thì phải bằng một dự án Luật.

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT thì vấn đề DN luôn thắc thỏm đó là nhiều quy định viết chung chung. Tưởng rằng, miễn thuế sử dụng đất trong thời gian kiến thiết là được ưu đãi lắm song sau đó cơ quan thuế tiến hành định giá tài sản để thu thuế thì nó cao ngất ngưởng khiến DN vừa trở tay không kịp và có khi còn điêu đứng.

Ông Chí cho biết, ở nước ngoài có quy định trần là sau thời gian kiến thiết, việc định giá tài sản để thu thuế sẽ không cao hơn 15% so với trước thời điểm bước vào kiến thiết. Như thế để DN chủ động ngay từ đầu và cơ quan thuế cũng không hoạnh họe được DN.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ KH-ĐT đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định tiếp thu các ý kiến và tham mưu của các bộ, ngành liên quan, sớm hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ để ban hành.

Qua 16 bước với 40 văn bản, DN mới nhận được hỗ trợ

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho hay, sau 3 năm triển khai Nghị định 210 có 64 dự án được triển khai tại 23 tỉnh, thành. Vốn Nhà nước cam kết cho 64 dự án này 380 tỷ nhưng đến nay mới bố trí được 280 tỷ. Mỗi năm bớt đi một nữa tổng mức đầu tư. Năm 2015 bố trí được 186 tỷ, 2016 bố trí được 68 tỷ, năm nay bố trí được 36 tỷ.

Nghị định hiện hành chưa đề cập được tư tưởng của Chính phủ là thành lập DN trong nông thôn. Vướng mắc lớn nhất vẫn là đất đai và các thủ tục hành chính. Theo ông Tuấn, hiện DN phải thực hiện 16 bước (40 loại văn bản liên quan) để triển khai dự án và nhận hỗ trợ của nhà nước nên DN ngán ngẩm.

Mặt khác, để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ thì một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị 2 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu; quy định sử dụng 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương là những căn cứ không khả thi.

Về ngân sách hỗ trợ, ông Tuấn nói hiện NSNN rất khó khăn, nhiều địa phương trung ương còn phải cân đối lại để bù chi thì bảo họ để ra 2% tổng thu đầu tư cho nông nghiệp là rất khó. Ông Tuấn đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu là thuế. Còn các doanh nghiệp lớn thì hỗ trợ cho họ bằng cơ chế đất đai thôi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình và cho rằng, giảm thu của DN trong điều kiện mình không có để chi nhằm giúp họ có lực phát triển.

 

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm