Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" sáng 12/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.
Nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, hạnh phúc.
Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, những thành tựu đó có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân chúng ta.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp nước ta phát triển còn thiếu bền vững; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể chưa cao.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; lao động nông thôn có xu hướng già hoá; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao.
Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng; an ninh nông thôn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp...
Do đó, Phó Chủ tịch nước đã gợi mở một số vấn đề để thảo luận tại Diễn đàn như giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về kinh tế tập thể đã đề ra; làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp", "Tri thức hóa nông dân" là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp.
Yêu cầu tri thức hóa nông dân trong điều kiện thực trạng mặt bằng về tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân chúng ta bên cạnh những mặt tích cực còn chưa đồng đều và nhiều bất cập như hiện nay?
"Việc xây dựng người nông dân văn minh, tri thức hóa nông dân đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng việc hiện thực hóa yêu cầu đó không dễ dàng. Trước hết cần sự thôi thúc của bản thân người nông dân, cùng với sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức liên quan và toàn xã hội", Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò “làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn” của nông dân và dân cư nông thôn.
Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng một dự thảo đề án về tri thức hóa nông dân; Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận thị trường của nông dân.