| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng: Khoa học phải bám biển được như ngư dân

Thứ Bảy 17/05/2014 , 20:06 (GMT+7)

“Bà con ngư dân bám được biển thì nhà khoa học chúng ta có bám được không ạ?,” câu hỏi của Phó Thủ tướng nhận được sự vỗ tay, thay lời đồng ý của đông đảo nhà khoa học có mặt tại Hội trường Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của nhà khoa học hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Biển Đông dậy sóng tại buổi Đối thoại giữa Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ với các nhà khoa học sáng nay, 17/5.

“Bà con ngư dân bám được biển thì nhà khoa học chúng ta có bám được không ạ?,” câu hỏi của Phó Thủ tướng nhận được sự vỗ tay, thay lời đồng ý của đông đảo nhà khoa học có mặt tại Hội trường Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhà khoa học cần phải làm tốt hơn

Đồng tình với các ý kiến cho rằng trong lĩnh vực hoạt động khoa học hiện nay còn rất nhiều bất cập liên quan đến tiền lương, nhà ở, cơ chế…, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng các nhà khoa học không nên bi quan và phải có cách của mình để làm thật tốt.

Về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, cần phải tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề này để chia sẻ với những người xung quanh, làm sao để cả thế giới, mọi người hiểu luật pháp và hiểu rằng Việt Nam có chính nghĩa, có lẽ phải trong việc này."

“Mỗi khi đất nước có việc thì đó cũng chính là động lực lớn để chúng ta vượt qua khó khăn, vượt qua nhiều thứ cho mình và vượt qua chính mình để chúng ta làm việc tốt hơn, biến trách nhiệm, biến lòng yêu nước thành hành động. 

Nhất định Việt Nam phải giàu thì mới mạnh được. Chúng ta biết có những nước nhỏ luôn luôn bị đe dọa bởi các nước xung quanh nhưng họ có nền kinh tế mạnh và khoa học, kể cả khoa học quốc phòng, cũng rất mạnh,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, tiềm lực khoa học, kinh tế hay quốc phòng của Việt Nam, nếu như đo đếm số công trình, vũ khí, tiền bạc… thì còn rất yếu. Nhưng lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm, nhất là trong thế kỷ XX vừa qua cho thấy: Chúng ta luôn phải đối phó với thiên tai, ngoại xâm, mà những kẻ ngoại xâm luôn mạnh hơn chúng ta nhiều lần, nhưng chúng ta vẫn trường tồn, vẫn đứng vững. Ngay trong thế kỷ XX, chúng ta đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

Làm được điều kỳ diệu ấy là bởi chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn, có chính nghĩa, anh dũng nhưng cũng rất trí tuệ. Sự kiện lần này không phải lần duy nhất, trong quá khứ và tương lai chúng ta đều phải đối phó. Chúng ta đã đứng vững và nhất định sẽ đứng vững, nhất định sẽ bảo vệ được độc lập, chủ quyền. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, tiềm lực của chúng ta còn yếu nên các nhà khoa học phải làm khoa học tốt hơn, quản lý cũng phải làm quản lý tốt hơn… thì đất nước sẽ mạnh hơn.


Các tàu Trung Quốc vây hãm và phun nước vào tàu Kiểm ngư Việt Nam ngày 12/5. Ảnh Văn Sơn-TTXVN

Cần bám biển như ngư dân

Khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định theo đúng Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam có vùng lãnh hải, có vùng đặc quyền kinh tế của mình, có các ngư trường truyền thống. 

Ở đó không chỉ có các nhà khoa học, mà tất cả ngư dân của Việt Nam. Chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do, an toàn hàng hải không chỉ cho phương tiện của Việt Nam, mà còn cho phương tiện các nước. 

Hiện nay, “bà con ngư dân không làm khoa học vẫn ngày đêm bám biển, bám ngư trường, mặc dù có chuyện này chuyện khác, bị quấy nhiễu, bị phá rối, thậm chí thiệt hại cả về tài sản, bà con vẫn bám. Bà con ngư dân bám được thì nhà khoa học chúng ta có bám được không ạ?” Phó Thủ tướng đặt câu hỏi cho giới khoa học.

Trước câu hỏi về chính sách đối ngoại, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ sự nhất quán của Việt Nam trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Chúng ta muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các dân tộc, tất cả các nước trên thế giới. 

Theo Phó Thủ tướng, đối với nước bạn láng giềng Trung Quốc, phương châm quan hệ giữa hai nước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước đưa ra phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng tốt đẹp và hai bên phải cùng nhau xây dựng, củng cố. Trong quá trình xây dựng và củng cố mối quan hệ đó, đương nhiên sẽ có những khó khăn và thách thức. Phía Việt Nam luôn luôn thực tâm, chân thành và nỗ lực hết sức để phấn đấu xây dựng mối quan hệ dựa trên phương châm 16 chữ vàng. Và chúng ta cũng mong rằng phía Trung Quốc cũng như vậy.

“Nói đó là những chữ vàng vì chắc có ý muốn so sánh là quý như vàng. Nhưng vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Nhưng rồi có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa, các bạn biết là gì không? Bác Hồ đã dạy 4 chữ thôi 'ĐỘC LẬP, TỰ DO.' Không có gì quý hơn độc lập, tự do,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta cần xây dựng được mối quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là với nước bạn láng giềng Trung Quốc trên tinh thần 16 chữ vàng ấy, nhưng đồng thời giữ được thứ quý nhất, vô giá của dân tộc ta chúng ta.

 Chúng ta phải làm đồng thời hai việc ấy không chỉ với lòng yêu nước, không chỉ sẵn sàng hy sinh, đoàn kết mà rất cần sự sáng suốt, tỉnh táo và trí tuệ. Phải hết sức tỉnh táo, không thể bột phát, không thể quá khích. Đảng và Nhà nước đã có những bước đi rất khoa học, rất chắc chắn, rất chiến lược để làm được những điều đó.

Trước câu hỏi về nỗi lo, Phó Thủ tướng cho hay cha ông ta cả nghìn năm giữ gìn đất nước, bây giờ làm sao chúng ta xứng đáng với sự kỳ vọng của cha ông, làm sao để đất nước mình giàu mạnh. Giàu thì chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng nghèo thì chắc chắn khó hạnh phúc. Chúng ta bảo vệ chủ quyền, nghèo cũng phải làm và cũng có thể làm, nhưng giàu thì sẽ làm tốt hơn. 

“Những người làm khoa học có mặt ở đây, trong đó nhiều bạn còn trẻ, cũng thấy rằng cơ chế dành cho khoa học công nghệ còn nhiều điều chưa được như mong muốn và chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện. Nhưng, chúng ta cũng không nên quên trong kháng chiến, các nhà khoa học của chúng ta đã từ Pháp, từ Paris hoa lệ về rừng, ăn rừng, ở rừng, làm ra súng ba-zô-ka, nghiên cứu khoa học... 

Tôi rất thích một câu hát của Đoàn Thanh niên: ‘Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay’. Các bạn có đồng ý như vậy không?” Và, một lần nữa, câu hỏi của Phó Thủ tướng được “trả lời” bằng những tràng pháo tay không dứt./. 

YÊN THỦY lược ghi

(Vietnnam+)

 

Xem thêm
Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất