
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Vũ Cường.
Sáng 5/4, tại Quảng Ninh, Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Pháp luật & Phát triển phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc, cho rằng trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tạo lập một môi trường pháp lý công bằng, bền vững là yêu cầu cấp bách, nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ không chỉ là lẽ sống của mỗi người, mà còn là một cơ sở quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa các bên liên quan từ nhà đầu tư đến Chính phủ/Nhà nước, xã hội, người dân cần được ghi nhận để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa nguyên tắc này trong pháp luật và tổ chức thi hành nguyên tắc là thách thức, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Theo ông Ngọc đây là lúc chúng ta cần pháp luật để bảo đảm công bằng, minh bạch và áp dụng thống nhất.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Vũ Cường.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn nhìn nhận hội thảo có cách tiếp cận rất mới, rất sáng tạo đối với nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Ông Phạm Đức Ấn khẳng định, nguyên tắc này càng trở nên hữu ích khi pháp luật sẽ không có quy định quá chi tiết và sẽ giành quyền cho địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
"Vỗ tay thì phải có hai bàn tay. Trong quan hệ cũng phải có từ hai bên trở lên nên nguyên tắc này vô cùng quan trọng", ông Ấn ví von.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ thêm, với Quảng Ninh, quý I/2025 địa phương tăng trưởng 10,91%, đứng thứ 7 cả nước, đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc đánh thuế đối ứng của Mỹ có những ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh vì có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, có thể tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh hi vọng sẽ có nhiều hội thảo về công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế được tổ chức tại Quảng Ninh, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

TS Vũ Hoài Nam phát biểu. Ảnh: Vũ Cường.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho rằng, thời gian vừa qua, sự cải cách mạnh mẽ của thể chế đã góp phần rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Mặc dù vậy, thể chế vẫn đang là điểm nghẽn, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để trở thành "đột phá của đột phá" như yêu cầu của người đứng đầu Đảng ta.
"Gần đây, tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5, năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã một lần nữa chia sẻ về nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ giữa người dân, doanh nghiệp, xã hội và Nhà nước. Trong quá trình phát triển, chúng ta không tránh khỏi những vấn đề cần giải quyết, những khó khăn và thách thức cần vượt qua. Điều quan trọng là cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ, cùng hành động, có tầm nhìn chung và cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển với niềm vui, hạnh phúc và tự hào. Tinh thần càng ấy đang ngày lan tỏa sâu rộng trong quá trình phát triển đất nước, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và trong cuộc sống", TS Vũ Hoài Nam bày tỏ.
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo của Việt Nam, TS Vũ Hoài Nam mong muốn các ý kiến sẽ làm rõ, phân tích những điểm nghẽn trong thể chế liên quan đến nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp khoa học hoàn thiện nguyên tắc.
Trong thời gian một ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã cùng tham gia 3 phiên thảo luận xoay quanh nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Nội dung tập trung tổng quan về thể chế và nguyên tắc; bảo đảm nguyên tắc trong các lĩnh vực đầu tư cụ thể; quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp nhìn từ nguyên tắc này…