Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm gian hàng trưng bài sản phẩm nông nghiệp của HTX tại tỉnh Đồng Tháp sản xuất |
Đây là diễn đàn nhằm đánh giá lại tình hình phát triển HTX nông nghiệp 15 năm qua, tổng kết và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp, đặc biệt là từ khi thực hiện Quyết định số 445 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”. Qua đó, giúp ĐBSCL tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình HTX NN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và ứng phó với biến đổi khí hậu. |
Tính đến hết năm 2018, toàn vùng ĐBSCL có 1.803 HTXNN, chiếm 13% tổng số HTXNN của cả nước. Tính từ 2016 đến nay, ĐBSCL là một trong các vùng có số lượng các HTXNN thành lập mới cao nhất cả nước với 552 HTX.
Hoạt động của các HTX đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết được nhiều lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập khá, phát triển nhiều ngành nghề mới và khai thác được tiềm năng, thế mạnh sẵn có ở địa phương, góp phần giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Điều đáng mừng là nhiều HTXNN chủ động liên kết với DN theo chuỗi giá trị như: HTX xoài Tân Thuận Tây (Đồng Tháp) liên kết với Cty Long Uyên về SX và tiêu thụ xoài; HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) liên kết với Cty rau quả Mê Kông cung ứng và tiêu thụ chôm chôm; các HTX SX khóm Tân Lập, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài Cái Bè, thanh long Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có liên kết với DN đã tăng cao về hiệu quả, lợi nhuận cho xã viên.
Ngoài ra kết quả trên, thì cũng có những HTX nông nghiệp ở ĐBSCL còn yếu, qui mô SX chưa đáp ứng yêu cầu; các mô hình HTX thích ứng với BĐKH có hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, chưa có cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, sự đầu tư của nhà nước còn ít, nhất là cơ sở hạ tầng.
Quang cảnh diễn đàn |
Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) lưu ý: Hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa, lũ, hạn măn gia tăng, thiếu nước ngọt cho SX và sinh hoạt, sạt lở ở các vùng ven biển là những tác động đáng lo ngại của BĐKH ở vùng ĐBSCL. Trong điều kiện SX nông nghiệp theo dạng nông hộ nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, việc liên kết SX nông nghiệp theo chuỗi giá trị của các HTX nông nghiệp nhằm tăng quy mô SX càng trở nên cấp bách.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết thách thức hiện nay đối với hoạt động nông nghiệp của vùng là BĐKH, gây ra thiếu hụt nguồn nước ngọt, tăng chi phí SX, giảm lợi nhuận của bà con nông dân, làm chậm lại, hoặc thậm chí có nguy cơ bị kéo lùi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở một số địa phương, đặc biệt vùng nguy cơ cao ở ĐBSCL. Theo kịch bản BĐKH, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL, khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. |
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, vừa chuyển đổi, củng cố các HTX kém hiệu quả, vừa củng cố, thành lập các HTX kiểu mới.
Nhìn chung, bước đầu đã mang lại các hiệu ứng tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 153 HTXNN đang hoạt động theo Luật HTX 2012. Đa phần các HTX kinh doanh đa dịch vụ; đồng thời đẩy mạnh kết nối với DN để tiêu thụ nông sản cho xã viên.
Theo ông Hoan, giải pháp để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là tổ chức lại không gian SX, quy mô SX, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng.
Đồng thời, để tăng sức cạnh tranh, các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành. Trong điều kiện đó, HTX phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ đang manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết với DN.
Đặc biệt các mô hình HTX thích ứng với BĐKH đã dần hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ sở về khoa học, kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng, năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế.
Trong điều kiện quá trình SX nông nghiệp hiện nay vai trò của các HTX nông nghiệp với tư cách là tổ chức hỗ trợ nông dân và thành viên là rất quan trọng trong phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao và ứng phó với BĐKH.
HTX phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ đang manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết với DN |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh quan trọng khi Chính phủ tổng kết 15 năm phát triển kinh tế hợp tác, tổng kết 10 năm về Nghị quyết Tam nông… Thời gian qua Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố, nâng cao hoạt động của HTX; qua đó xuất hiện nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới, thực hiện SX theo phương pháp an toàn, áp dụng công nghệ tiên tiến, SX có liên kết với DN cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Tại Đồng Tháp còn có mô hình “Hội quán” phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi tư duy từ SX nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và đã có những HTX kiểu mới hình thành từ mô hình này.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan cần quan tâm, triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hoạt động các HTXNN ở ĐBSCL thích ứng với thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế và BĐKH. Nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các chính sách hỗ trợ chế biến tiêu thụ sản phẩm đối với HTXNN, chính sách đào tạo năng lực cán bộ, phát triển hạ tầng cho các HTXNN.