| Hotline: 0983.970.780

Thủy triều đánh vỡ nhiều đê bao ở Trà Vinh

Thứ Bảy 05/04/2025 , 06:41 (GMT+7)

Trà Vinh Đầu tháng 4, triều cường dâng cao cùng sóng lớn đã khiến nhiều tuyến đê bị vỡ, gây ngập úng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh kế của người dân.

Vườn cây của người dân trên cồn Hô bị ngập do vỡ bờ bao. Ảnh: Hồ Thảo.

Vườn cây của người dân trên cồn Hô bị ngập do vỡ bờ bao. Ảnh: Hồ Thảo.

Mới đây, tại xã Đức Mỹ (huyện Càng Long), triều cường trên sông Cổ Chiên kết hợp gió to và sóng lớn đã khiến nhiều đoạn của tuyến đê bao cồn Hô bị vỡ, với tổng chiều dài hơn 1km. Sự cố đã khiến toàn bộ diện tích cồn Hô chìm trong nước, ở độ sâu khoảng 1,5m.

Theo chính quyền địa phương, tuyến bờ bao dài 2,8km vốn là “lá chắn” bảo vệ 25 ha vườn cây ăn trái của 29 hộ dân nơi đây. Sự cố lần này đã khiến bà con thiệt hại nặng do độ mặn tại thời điểm nước tràn bờ là 2,8‰ (phần nghìn).

“Chúng tôi ước tính cần ít nhất 200 triệu đồng để gia cố lại đê, trong khi quỹ phòng chống thiên tai của xã không đủ. Nếu không được tỉnh hỗ trợ khẩn cấp, bà con coi như mất trắng cả vườn bưởi”, ông Lê Quang Thạnh, Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ, cho biết.

Qua ghi nhận thực tế, tình trạng sạt lở còn ảnh hưởng trực tiếp đến trụ điện 189 thuộc đường dây 220kV Duyên Hải – Mỏ Cày (Trà Vinh - Bến Tre), do Công ty Truyền tải điện IV quản lý.

Người dân cho biết, trụ điện này ban đầu được xây dựng hoàn toàn trong khu vực đất cồn, tuy nhiên do sạt lở ngày càng nghiêm trọng, phần bờ đất đã bị cuốn trôi, làm một trong bốn chân móng của trụ điện bị lở nằm trơ sát mép sông.

Trụ điện 189 đã từng bị sạt lở vào năm 2017. Khi đó, Công ty Truyền tải điện IV đã thực hiện gia cố hai lần bằng cách đóng cừ tràm và thả rọ đá.

Đến năm 2019, đơn vị tiếp tục gia cố bằng cách khoan bổ sung mỗi chân cột thêm 4 cọc nhồi (mỗi cọc dài 56m) và đổ bê tông để tăng cường kết cấu móng. Ban đầu, mỗi chân móng của trụ điện 189 được thi công với 9 cọc nhồi, đến nay đã tăng lên trên 13 cọc mỗi chân.

Ông Lê Quang Thạnh, Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cho biết thêm, Công ty Truyền tải điện IV đang tiếp tục gia cố thêm tại chân móng bị xâm thực. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp căn cơ và lâu dài để khắc phục tình trạng sạt lở, toàn bộ phần đất bảo vệ trụ điện 189 có nguy cơ bị cuốn trôi hoàn toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của công trình.

UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo UBND huyện Càng Long đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng sạt lở, vận động người dân hạn chế hoạt động sản xuất gần khu vực cột điện và chủ động di dời đến nơi an toàn.

Cột điện cao thế trên Cồn Hô bị trơ móng ngoài mé sông. Ảnh: Hồ Thảo.

Cột điện cao thế trên Cồn Hô bị trơ móng ngoài mé sông. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo đó, ngày 2/4, tại xã Đông Hải (huyện Duyên Hải), triều cường dâng cao khiến 3.500m² ruộng dưa hấu của người dân bị ngập, ước tính thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, 20m đê bao nuôi tôm bị vỡ kéo theo 60m đường nhựa hư hỏng và 600m đường dây điện bị đổ sập chỉ trong vòng hai ngày.

Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân giúp dân di dời đồ đạc, gia cố đê bao tạm thời, đồng thời hỗ trợ khẩn cấp 100kg gạo và 1,5 triệu đồng cho mỗi hộ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Linh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều thuộc Chi cục Thủy lợi và Biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm có giải pháp gia cố các đoạn đê bao nói trên. Đồng thời đơn vị đang tiếp tục theo dõi diễn biến các khu vực trũng thấp, dễ bị sạt lở để phản ứng kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Ông Linh thông tin thêm, do triều cường dâng đã làm sụp thêm 48m² đoạn kè ven biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, nâng tổng diện tích sụp lún lên gần 190m². 

Cụ thể, mái kè bị sạt ngang 6m, sâu đến chân kè 8m, cuốn trôi lớp cát bên trong khiến tường chắn sóng và hành lang phía trên nứt, sụp dài 12m, sâu gần nửa mét.

Lực lượng chức năng đang phối hợp với dân quân túc trực ngày đêm để theo dõi, gia cố tạm thời, ngăn nguy cơ đoạn kè sụp đổ hoàn toàn.

Công nhân đang gia cố khu vực kè biển bị sụt lún. Ảnh: Hồ Thảo.

Công nhân đang gia cố khu vực kè biển bị sụt lún. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh, trước mắt sẽ di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức gia cố tạm thời các đoạn đê, kè bị ảnh hưởng.

Về lâu dài, Sở đã đề xuất tỉnh kiến nghị Trung ương cấp kinh phí 7.669 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kè chống sạt lở ven sông, ven biển. Mục tiêu là bảo vệ an toàn cho các khu dân cư, hạn chế thiệt hại do thiên tai và giúp người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh, đến cuối năm 2024, tổng chiều dài các đoạn sạt lở trên địa bàn đã lên tới gần 120km, trực tiếp đe dọa nhà cửa, đất sản xuất và sinh kế của người dân. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu khiến dòng chảy thay đổi, gây xói lở mạnh; kết hợp với triều cường ngày càng bất thường và nền đất yếu khiến tình trạng sạt lở ngày một khó kiểm soát.

Một số điểm sạt lở nguy hiểm như: Cồn Hô (huyện Càng Long); bờ sông Cổ Chiên (xã Long Trị, TP Trà Vinh); bờ sông Hiệp Mỹ (xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang) và bờ biển Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải).

Xem thêm
Chính phủ đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế để đàm phán

Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam từ 1-3 tháng để đàm phán, với tinh thần công bằng, cùng có lợi.

Bình luận mới nhất