| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình hối hả phòng chống bão số 4

Thứ Năm 19/09/2024 , 13:11 (GMT+7)

Các lực lượng và người dân tỉnh Quảng Bình đang hối hả, tích cực triển khai các biện pháp nhằm phòng chống thiên tai và bão, mưa sắp đến.

Từ đêm đến gần sáng 19/9, vùng biển tỉnh Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, biển động rất mạnh. Nhiều địa phương đã có mưa lớn. Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Bình cho hay, mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa; vùng núi các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…

Người dân đưa tàu cá đến nơi an toàn. Ảnh: T. Phùng.

Người dân đưa tàu cá đến nơi an toàn. Ảnh: T. Phùng.

“Mực nước đỉnh lũ trên các sông có khả năng dao động dưới báo động 2 đến trên báo động 2, có sông lên mức báo động 3. Ngập úng các vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị”, ông Tiến cảnh báo.

Đưa tàu thuyền vào vùng an toàn

Từ hôm qua, các lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, lực lượng kiểm ngư địa phương và các cơ quan chức năng đã khẩn trương thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình, có trên 7.300 phương tiện với gần 19.000 lao động. Hiện đang có trên 7.300 tàu thuyền neo đậu tại bến. Đến thời điểm sáng ngày 18/9, chỉ còn 4 tàu với 24 lao động đang hoạt động trên vùng biển Nam vịnh Bắc bộ và đang di chuyển vào bờ.

Tại Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Gianh (huyện Bố Trạch), đã có 435 tàu vào tránh trú bão. Theo bà Đậu Thị Hoa, phụ trách khu neo đậu, các tàu đã được chủ tàu, thuyền trưởng thả neo, chằng néo đúng quy định và tránh được sóng lớn làm các tàu va đập vào nhau gây hại.

“Hiện khu neo đậu đã đạt và vượt công suất. Ngoài tàu cá của ngư dân Quảng Bình, còn có ngư dân các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi… cũng vào neo đậu. Chúng tôi cũng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tàu vào tránh trú và yêu cầu hạn chế tối đa việc có người dân trên tàu nếu có bão lớn đổ bộ vào”, bà Hoa nói thêm.

Tại xã biển Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), nhiều bà con ngư dân thuê xe cẩu để cẩu tàu lên ô tô vận chuyển đến nơi an toàn. Ngư dân Ngô Văn Sơn vừa cẩu xong tàu cá của gia đình cho hay: "Dù tốn kém chút kinh phí nhưng rất an tâm khi mưa bão ập vào. Phần lớn bà con ở đây đã làm như vậy nên rất an toàn cho các loại tàu thuyền nhỏ. Riêng tàu thuyền lớn thì đã vào tránh ở các khu neo đậu”.

Người dân chủ động chằng néo nhà cửa để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: T. Phùng.

Người dân chủ động chằng néo nhà cửa để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: T. Phùng.

Tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Phú (thành phố Đồng Hới), hiện đã có hơn 500 tàu cá của ngư dân Quảng Bình và các tỉnh khác đến neo đậu tránh trú áp thấp nhiệt đới..

Tại khu vực cảng biển Hòn La (huyện Quảng Trạch), đã tiếp nhận 19 tàu biển, tàu hàng, tàu thi công vào tránh trú. Tại khu vực cửa Gianh, có 22 tàu VR-SB với 116 thuyền viên (trong đó, có 20 tàu từ Hà Tĩnh), vào tránh trú an toàn.

An toàn nhà cửa và cây cối

Người dân nhiều khu dân cư ven cửa sông, biển đã chủ động chằng néo nhà cửa để hạn chế thiệt hại do giõ bão gây ra. Các lực lượng bộ đội đã hỗ trợ cho bà con tại các điểm xung yếu, vùng miền núi chằng buộc lại nhà cửa cho chắc chắn hơn.

Lực lượng bộ đội biên phòng hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa an toàn. Ảnh: T. Phùng.

Lực lượng bộ đội biên phòng hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa an toàn. Ảnh: T. Phùng.

Ngoài việc chằng chống nhà cửa, bà con còn lấy bao tải đựng cát chèn, đè lên mái tôn, mái lợp để hạn chế gió bão làm tung mái. Anh Lê Văn Tân (xã Bảo Ninh), cho hay: "Do năm nào cũng có mưa bão nên bà con rất chủ động trong việc bảo vệ nhà cửa, cây cối, tài sản... Việc phòng chống bão đã được thực hiện sớm và nhanh chóng”.

Từ những ngày trước, Công ty cây xanh đô thị đã tăng cường lực lượng thực hiện việc đóng, buộc rào chống 4 chân để bảo vệ các loại cây xanh còn nhỏ trồng trên các trục đường. Vừa làm, chị Phan Thị Thủy (công nhân), cho hay: “Công ty đã triển khai nhiệm vụ này từ tuần trước. Tất cả cây xanh trồng trên các tuyến đường ở thành phố đều được đóng rào chắn bảo vệ để hạn chế bão gió làm gãy, đổ, bật gốc”.

Các đơn vị, cơ quan cũng đã chủ động triển khai việc việc néo, cưa cắt cành, ngọn các loại cây cổ thụ trong khuôn viên hay trên vỉa hè.

Những hàng cây xanh mới trồng được néo 4 chân để chống gió bão làm gãy đổ. Ảnh: T. Phùng.

Những hàng cây xanh mới trồng được néo 4 chân để chống gió bão làm gãy đổ. Ảnh: T. Phùng.

Trong khuôn viên của khách sạn Hòa Bình (đường Lý Thường Kiệt, thành phố Đồng Hới), nhóm công nhân đang cưa cắt và dọn dẹp cành ngọn của những cây cổ thụ lớn. Anh Lê Văn Thế (công nhân) cũng cho chúng tôi biết, những ngày qua, nhóm của anh được nhiều “hợp đồng” cưa cắt cành ngọn cây cổ thụ để hạn chế việc bị bão làm đổ, gãy.

“Do chúng tôi có cưa máy công suất lớn, xe cẩu, dây thừng và làm chuyên nghiệp nên thực hiện nhanh gọn và và đảm bảo cho cây phát triển cành lá thời gian tới", anh Thế chia sẻ.

Nhiều đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh và các ban ngành Quảng Bình đã đến các địa phương để kiểm tra công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới và bão tại các điểm dân cư, công trình thi công, cảng cá, khu neo đậu…

Nhiều đơn vị, cơ quan chủ động cưa cắt cành ngọn cây cổ thụ để tránh việc bão làm gãy đổ, bật gốc. Ảnh: T. Phùng.

Nhiều đơn vị, cơ quan chủ động cưa cắt cành ngọn cây cổ thụ để tránh việc bão làm gãy đổ, bật gốc. Ảnh: T. Phùng.

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã kiểm tra tại các khu neo đậu Cửa Phú, công trình thi công cầu Nhật Lệ 3. Ông đã yêu cầu các lực lượng chức năng cần hướng dẫn bà con ngư dân neo đậu, tránh trú áp thấp nhiệt đới an toàn.

“Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là bởi mưa bão diễn biến phức tạp. Cần có phương án phòng cháy, chữa cháy tại khu neo đậu và ứng cứu kịp thời nếu có sợ cố xảy ra”, ông Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Bộ NN-PTNT làm việc với JICA Việt Nam về các dự án hợp tác nông nghiệp

Sáng 19/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc cùng JICA Việt Nam. Lãnh đạo hai bên có những trao đổi quan trọng về các dự án hợp tác nông nghiệp.

Ứng phó bão số 4: Dân không chấp hành lệnh sơ tán sẽ cưỡng chế

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương sẽ cương quyết cưỡng chế trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán dân trước sự cố khẩn cấp.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Có một trận ‘lũ quét’ giữa lòng sông

Ngoài 50 tuổi, ông Nguyễn Đăng Tuấn mới thấy lũ quét trên tivi, nhưng bằng mắt so sánh, có lẽ nó cũng chỉ ghê gớm tựa như nước sông Thái Bình hồi bão số 3.