| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội trao cơ chế đặc biệt để Chính phủ và Thủ tướng chống dịch

Thứ Tư 28/07/2021 , 18:23 (GMT+7)

Sau 9 ngày họp liên tục (bao gồm cả ngày nghỉ), kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 28/7.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đặc biệt

Phát biểu bế mạc kỳ họp đầu tên của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: “Đây là kỳ họp có nhiều nội dung rất quan trọng, diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp”.

Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào chiều 28/7.

Quang cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vào chiều 28/7.

Bởi vậy, Quốc hội đã thống nhất cao quyết nghị rút ngắn thời gian kỳ họp 8 ngày so với dự kiến và chủ động đề xuất, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chương trình, thảo luận và bổ sung vào Nghị quyết chung của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Qua đó, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, quyết định hệ thống các kế hoạch giai đoạn 5 năm 2021-2025: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công; Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Việc xem xét, quyết định tổng thể các kế hoạch, chương trình trung hạn 5 năm ngay trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ là nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan.

“Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, tạo điều kiện để Chính phủ, các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trao cơ chế đặc biệt cho Thủ tướng để chống dịch

Cũng tại phiên bế mạc, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất tại phiên bế mạc chiều 28/7, với 469/469 đại biểu tán thành (chiếm 93,99% tổng số đại biểu Quốc hội). Trong đó, nghị quyết trao cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số quyền để tăng cường các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19.

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng ông Phạm Minh Chính (trái) tái đắc cử Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng ông Phạm Minh Chính (trái) tái đắc cử Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội cũng đồng ý thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vacxin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Cùng với đó là ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

“Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện”, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ; đồng thời yêu cầu thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng dịch Covid-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vacxin; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Nghị quyết cũng nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các biện pháp trên cho đến hết ngày 31/12/2022 và phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).

  • Tags:
Xem thêm
Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Cứu kịp thời một ngư dân trôi dạt trên biển

Quảng Ngãi Trong lúc đang đánh bắt cá thì gặp sóng lớn khiến thuyền thúng bị lật, sau một thời gian trôi dạt trên biển, ngư dân gặp nạn đã được ứng cứu kịp thời.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.