| Hotline: 0983.970.780

Quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp, trung du và miền núi sẽ giàu

Thứ Tư 30/09/2020 , 18:32 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có hơn 10 triệu ha đất trồng trọt, là tiền đề quan trọng tái cơ cấu nông nghiệp.

Tây Bắc khởi sắc

“Đừng nói 4.0 làm gì cho xa xôi, hãy tự hỏi chúng ta đã làm hết mình cho nông nghiệp chưa. Tôi đánh giá cao Tây Bắc về kinh tế rừng, kinh tế đồi gò, sản phẩm OCOP, gắn nông nghiệp với du lịch bản sắc. Chắc chắn khi cả hệ thống chính trị vào cuộc với việc cơ cấu lại nông nghiệp, người dân vùng chưa giàu sẽ trở nên giàu có”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định trong Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ giai đoạn 2021-2025, diễn ra tại Sơn La hôm 30/9.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm vùng na nguyên liệu tại huyện Mai Sơn, Sơn La hôm 30/9. Ảnh: Nguyễn Yến.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm vùng na nguyên liệu tại huyện Mai Sơn, Sơn La hôm 30/9. Ảnh: Nguyễn Yến.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sau hơn 7 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và gần 4 năm thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, kinh tế nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã có chuyển biến tích cực.

Giai đoạn 2017 - 2020, các tỉnh trong vùng đã chuyển đổi khoảng 54.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm, lâu năm cho giá trị kinh tế cao hơn. Diện tích liên kết sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ ngày càng tăng. 

Lấy ví dụ cụ thể là tỉnh Sơn La, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là “hiện tượng kinh tế nông nghiệp” khi từ một tỉnh chỉ “quanh năm bán sắn, bán ngô” nay đã phát triển mạnh kinh tế rừng, đẩy nhanh phát triển cây công nghiệp, mang lại sức sống hoàn toàn khác biệt. Hiện Sơn La cùng Tiền Giang là hai tỉnh đứng đầu cả nước về năng suất cây ăn trái.

Chia sẻ quan điểm này, ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, kể lại thời kỳ khó khăn từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Đến tận năm 2014-2015, ông Chất nói “khó khăn lắm” mới có được một xã Chiềng Xôm đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngoài việc phát triển trồng rừng, ông Chất cho rằng nguyên nhân chính để Sơn La bứt phá là cây ăn quả trên đất dốc, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

“Nhờ sự vào cuộc của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tỉnh Sơn La đưa vào ứng dụng ghép mắt trên cây ăn quả. Mỗi mắt ghép thì một hộ được hỗ trợ 8.000đ để cải tạo vườn tạp, phát triển cây trồng phù hợp như bưởi, nhãn. Kinh tế Sơn La đi lên hẳn từ đó, nhờ cây ăn quả bán đi khắp nơi”, ông Chất nói.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết nhiều vùng ở Sơn La có khí hậu đa dạng, một huyện cũng có thể có tới 3 vùng tiểu khí hậu.

“Sau đợt đầu được tỉnh hỗ trợ, thấy làm ăn hiệu quả nên người dân tích cực tự ghép mắt cho cây ăn quả. Từ xoài Đài Loan hay nhãn Thái Lan, cây ghép mắt đều cho chất lượng và năng suất quả vượt trội. Nay thì chưa cần đến tỉnh, huyện, ở mỗi gia đình nghe đâu có giống tốt là chủ động tìm hiểu, liên hệ, đưa về vườn nhà trồng”.

Điểm cần thiết thứ hai để phát triển kinh tế vùng trung du và miền múi phía Bắc phát triển kinh tế, là xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.

“Thời 2015, tôi đi các hội nghị, hội thảo, nói đến hợp tác xã là đa phần cán bộ đều “dị ứng”. Phải giải thích cặn kẽ để họ hiểu đây là hợp tác xã kiểu mới, tiền đề bắt buộc để có trái cây chuẩn VietGAP, tiến tới GlobalGAP”, ông Chất kể lại.

Sau đó chừng một năm, những hộ gia đình không tham gia hợp tác xã không bán được hàng. Từ đó, người tham gia hợp tác xã ngày càng đông. Ngược lại, hợp tác xã cũng kết nạp thêm nhiều hộ nghèo, giúp đời sống họ khởi sắc hơn hẳn.

Yếu tố thứ ba, theo ông Chất, là tạo cơ chế chính sách cởi mở, ưu đãi để các doanh nghiệp vào đầu tư.

“Các hợp tác xã đều trẻ, có 3 cái khó: công nghệ chế biến, thị trường nước ngoài, vốn đầu tư. Từ đó, tỉnh quyết định mời gọi các tập đoàn đầu tư”.

Ông Chất nói vai trò của các doanh nghiệp lớn như TH, Nafoods, Đồng Giao là vô cùng quan trọng, như đầu tàu kéo kinh tế đi lên.

“Hiện giờ Sơn La vững vàng, vì giá thành cây ăn trái được hưởng lợi từ tận dụng đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng, ứng dụng khoa học, ví dụ như 1 cân xoài chưa đến 5.000, nhãn chưa đến 5.300, do đó giá bán có xuống đến 10.000 đồng thì vẫn là ổn”, ông Chất nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cán bộ khuyến nông các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc ghi lại câu chuyện của ông Chất như kim chỉ nam để quay về phát triển kinh tế địa phương.

Tuy đạt được nhiều kết quả, song ông Hoàng Văn Chất cũng như nhiều cán bộ nông nghiệp ở Sơn La cũng bày tỏ những mối lo nhất định. Cụ thể, ngành nông nghiệp Sơn La đề nghị Bộ NN-PTNT giúp trả lời ba vấn đề. Một là toàn bộ diện tích cây ăn quả Sơn La là ghép mắt. Có hợp tác xã ở Mai Sơn, riêng bán mắt na đã được 200 triệu đồng. Đây là tín hiệu kinh tế tốt, song ghép mắt như thế thì giống có thoái hóa không, bao lâu thì thoái hóa?

Vấn đề thứ hai là Sơn La có 8.000ha cây ăn quả các loại, so với diện tích cây trồng dài ngày, rừng, thì mới chiếm 18%, do đó nhà đầu tư không lo thiếu vùng nguyên liệu. Sản lượng cây ăn trái là 400.000 tấn. Với tiềm năng, sản lượng vài triệu tấn là trong tầm tay tỉnh Sơn La. Vấn đề còn lại là cơ chế chính sách.

Cuối cùng, tỉnh Sơn La đề nghị các bộ, ban ngành, giúp đỡ đánh giá lại mối quan hệ giữa hợp tác xã với hộ gia đình, hợp tác xã với tập đoàn kinh tế, từ đó củng cố quan hệ sản xuất, tôn trọng sử dụng hài hòa bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu tham quan gian hàng nông sản trưng bày tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu tham quan gian hàng nông sản trưng bày tại Hội nghị.

Chuỗi giá trị nông nghiệp

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, chia sẻ quan điểm tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Ông Thành cho biết Bắc Giang đã thiết lập và đang phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, trên cơ sở phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã, trang trại có sự hợp tác, liên kết sản xuất chặt chẽ theo chuỗi giá trị.

Bắc Giang cũng đang rà soát hiện trạng đất đai, lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường để hoàn thiện xây dựng Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên cạnh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tại tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đang được chú trọng như lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, chè, cây ăn quả (vải, cam, bưởi, na,...), chăn nuôi gà, lợn, thủy sản, vùng sản xuất gỗ nguyên liệu,... để định hướng quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng, các cơ sở chế biến, dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ.

Để phát triển kinh tế nông nghiệp mạnh hơn, ông Thành cho rằng có ba vấn đề cần giải quyết sớm. Đó là đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn và quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp.

Vấn đề thứ hai là các Bộ, ngành Trung ương quan tâm mở rộng phát triển thị trường xuất khẩu nông sản hàng hóa của Việt Nam.

“Một việc nữa cũng vô cùng quan trọng là chúng ta cần sớm ban hành hệ thống thông tin, dự báo tình hình giá cả thị trường đối với các mặt hàng nông sản để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh”, ông Thành nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cũng bày tỏ mong muốn Sơn La cũng như 14 tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc có cơ chế thông thoáng hơn nữa.

“Chúng tôi đã đến và được Sơn La đón nhận bằng tình cảm nồng hậu nhất. Hàng chục năm nay Doveco đã đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ một số lượng lớn sản phẩm và là bạn hàng thân thiết với cán bộ, người dân tỉnh Sơn La”, ông Khuê nói.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao bấm nút khởi công Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La. Ảnh: Trấn Long.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao bấm nút khởi công Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La. Ảnh: Trấn Long.

Để có được thành công, ông Khuê cho rằng yếu tố căn cốt là mô hình sản xuất khép kín từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và kinh doanh xuất khẩu nông sản. Công ty đã tạo dựng sợi dây liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, các nhà khoa học và những người lao động trực tiếp.

Mặt khác, khi có đầu ra ổn định, nhu cầu của doanh nghiệp với nguồn hàng từ nông dân sẽ tăng mạnh, đảm bảo sản lượng thu mua và nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Với việc khởi công Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La, ông Khuê nói đây là minh chứng cụ thể cho triết lý kinh doanh và quyết tâm của doanh nghiệp, không chỉ với riêng Sơn La mà còn cả vùng Tây Bắc.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng sau khi hoàn thành Doveco Sơn La sẽ thực sự trở thành một trung tâm chế biến rau quả hiện đại và điển hình tiên tiến cho chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam”, ông Khuê cho biết.

Theo Bộ NN-PTNT, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) bao gồm 14 tỉnh với tổng diện tích tự nhiên là 95.270 km2 (chiếm 28,79% diện tích cả nước), dân số 12,5 triệu người với trên 30 dân tộc cùng sinh sống.

Vùng này có nhiều lợi thế cho phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản như: Có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu quốc tế và tiểu ngạch thuận lợi cho giao thương, xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp; Có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, thuận lợi cho phát triển một nền nông nghiệp đa dạng về cơ cấu sản phẩm với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới; đất đai rộng lớn, với các nhóm đất thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây lâu năm hiệu quả kinh tế cao.

Tuy vậy, vùng cũng có những khó khăn như địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng còn bất cập, thiếu đồng bộ, vào mùa mưa thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Với việc xác định đúng lộ trình và bước đi đúng hướng, sản xuất nông nghiệp toàn vùng và tại các địa phương đã có bước chuyển đổi theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.

Giai đoạn 2013 - 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của vùng đạt bình quân 3,68%/năm (cao hơn so với mức tăng bình quân 2,95 %/năm của cả nước). Trong nội bộ ngành nông lâm thủy sản diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành, sản phẩm có dư địa lớn và giá trị gia tăng cao như lâm nghiệp, thủy sản.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất