Rượu trong ca dao Quảng Ngãi

Lê Hồng Khánh - Chủ Nhật, 30/10/2022 , 06:33 (GMT+7)

Không có rượu ngon, mấy ai mua mà bán nhiều thành Hàng Rượu? Làm sao có thể kể đầy đủ những loại rượu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ca dao Quảng Ngãi?

Quả bầu khô, một trong những dụng cụ đựng rượu có từ lâu đời. Ảnh: LHK.

Quả bầu khô, một trong những dụng cụ đựng rượu có từ lâu đời. Ảnh: LHK.

Buồn lòng đứng dựa ngồi trông

Ngó vô Hàng Rượu mà không thấy chàng.

(Ca dao Quảng Ngãi)

Quảng Ngãi, có rất nhiều tên chợ bắt nguồn từ món hàng chính bán mua ở đó: Chợ Bò Phong Niên (Tịnh Phong, Sơn Tịnh), chợ Tre Năng Tây (Nghĩa Phương, Tư Nghĩa), chợ Chè Thanh Trà (Bình Khương, Bình Sơn)… Nhưng độc đáo nhất, phải kể đến chợ Hàng Rượu. Đó là chợ chuyên bán rượu ở Phú Nhơn, nằm trên đường thiên lý, nay thuộc phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi.

Có chợ rượu, có hàng rượu thì hẳn nhiên ở đó phải có rượu ngon. Không có rượu ngon, mấy ai mua mà bán nhiều thành Hàng Rượu? Làm sao có thể kể đầy đủ những loại rượu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong ca dao Quảng Ngãi mà đến nay đã không còn ai có diễm phúc nhắm thử một lần. Này là rượu Kim Lang đựng trong ve vàng thiếp trân trọng chiết ra mời ý trung nhân cùng lời chào tương ái, tương tri:

Rượu Kim Lang ve vàng chiết tửu

Em mở miệng chào bạn hữu tương tri

Còn đây là rượu Lưu Ly trong ngày sính lễ, nhiều đến phải sắp cả hai hàng:

Rượu Lưu Ly thiếp để hai hàng

Cha với mẹ uống trước thiếp với chàng uống sau.

Em mời chàng rượu Kim Lang, còn chàng lại mang rượu Kim Liên thơm như hương nhụy sen vàng qua nhà em làm sính lễ. Duyên Tấn Tần mà thế này mới đẹp làm sao. Rượu ngon còn ngon hơn nữa bởi cái tình trong câu hát khi "câu ân câu ái", hiệp với "câu ngãi câu nhân":

Em than với anh câu ân câu ái

Anh than với em câu ngãi câu nhân

Hai câu hiệp lại Tấn Tần gầy duyên

Cũng vì chai rượu Bạch Liên

Mai dong điềm chỉ tới liền nhà em.

Những cái tên nghe hay như thể trong thơ, mà chắc gì là tên rượu. Người ta quyến luyến nhau thì nước lã cũng lên men. Thường nghe các bậc cao niên kể rằng, đất Bình Dương ở vùng hạ lưu sông Trà Bồng là nơi rượu ngon, gái đẹp nổi tiếng nhất Quảng Ngãi. Người viết bài này chẳng dám lạm bàn vì ngốc nghếch cả hai món đó. Nhưng điều này nói được: Bình Dương là một miền quê đẹp như tranh với hàng phượng đổ nghiêng nghiêng soi bóng xuống dòng sông xanh những trưa hè. Là những đường làng, ngõ xóm tươm tất, mát rượi bóng cây. Là câu ca còn in đậm lòng người "Tiếng đồn bạn nhạc Bàu Bèo / Bạn gươm Mỹ Huệ, bạn chèo Tuyết Diêm". Là những câu thơ nặng tình sông nước của các nhà thơ Tế Hanh, Phan Minh Đạo. Là nhạc sĩ Thế Bảo với giai điệu ngọt ngào thấm đẫm tình quê trong “Vườn xưa” (phổ thơ Tế Hanh), “Hỡi dòng sông Trà”.

Bình đựng rượu làm bằng gốm Chu Đậu (TK 16- 17). Ảnh: LHK.

Bình đựng rượu làm bằng gốm Chu Đậu (thế kỷ 16 - 17). Ảnh: LHK.

Người Quảng Ngãi chưng cất rượu từ mật mía, gạo, ngũ cốc, trái cây đã lên men. Riêng rượu nếp thì đồ xôi rồi vào men, đem ủ hoặc chôn xuống đất đủ trăm ngày, gọi là rượu bách nhật. Rượu bách nhật chủ yếu dùng cho các bà, nhất là các sản phụ. Có người còn đồ xôi gạo nếp với đậu xanh, thêm cả trứng gà so. Gái một con trông mòn con mắt, nhưng đến đà này thì còn hơn cả mòn!

“Vô tửu bất thành lễ” (không có rượu thì lễ không tươm tất), “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (đàn ông mà không có rượu như cờ không gặp gió). Đành vậy, nhưng quá chén là chuyện không nên. “Tửu nhập, ngôn xuất” (rượu vào lời ra), “Đa ngôn, đa quá” (lắm lời, nhiều sai) là điều các đáng nam nhi nên tránh:

Rượu lạt uống lắm cũng say

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.

Tệ hại hơn thì thành kẻ hư hỏng, bê tha, vợ khổ, con than. Trong bốn thói xấu mà đàn ông hay vướng (tứ đổ tường) là cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách, người đàn bà Quảng Ngãi lo ngại nhất là 3 món “cờ bạc, say sưa, đĩ đàu”, “cơm đen” (thuốc phiện) hầu như ở đây không có mấy người dùng:

Thiếp thương chàng thiếp phải lo ngừa

Sợ chàng cờ bạc say sưa đĩ đàu

Của phù vân làm chẳng đặng giàu

Ngày bữa ni ăn cám, ngày bữa sau trả vàng

Rượu đâu chàng uống đôi quan

Chai kia bì nọ lại sang hũ này

Rượu đâu chàng uống chàng say

Rượu đâu chàng uống cạn ngày trôi đêm?

Ngày nọ, cũng đã quá 30 năm, người viết bài này, trong một chiều về miền quê ven biển Bình Thạnh (Bình Sơn) đã may mắn được nghe bà chị ngư dân ngồi trên mỏm đá nhập nhòa con sóng mà hát mấy câu nhân ngãi trách anh chồng vì quá mê rượu, bỏ bê nhà cửa, con thơ. Giọng hát ấm ức, nghẹn ngào, run rẩy khi bật lên, khi chìm trong tiếng sóng, nghe xót xa, cay đắng làm sao. Xin đừng hiểu nhầm người đàn ông trong câu hát là chồng chị ấy, chẳng qua người hát thấm thía tình cảnh của những người vợ gặp phải đấng phu quân ngày đêm đằm mình trong men rượu, rồi cất lên lời hát vừa sẻ chia, thông cảm với người cùng giới, vừa nhẹ nhàng nhắc khéo các ông chồng.

Cổ nhân nói, câu hát ở nơi thôn xa, đồng vắng có thể mang ý nghĩa răn dạy đạo làm người, có phải là như thế này chăng?

Lê Hồng Khánh
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ10

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.