Năm 2023, trang trại của nông dân trẻ Scott Chang-Fleeman ở California, Hoa Kỳ thông báo ngừng hoạt động vô thời hạn. Sau 4 năm đưa vào vận hành, nông trại rau quả châu Á đặc sản có tiếng trong vùng đã không thể trụ vững trước những biến động kinh tế thế giới.
Năm 20 tuổi, chàng sinh viên Mỹ gốc Hoa thế hệ thứ ba Scott khởi nghiệp trong lĩnh vực cung ứng nông sản hữu cơ nguồn gốc từ châu Á. Anh xây dựng trang trại trồng rau hữu cơ đạt chuẩn chất lượng và nhanh chóng có được uy tín, lòng tin của đông đảo khách hàng địa phương.
Với kinh nghiệm trường lớp, cũng như đầu óc kinh doanh sắc sảo, anh sớm vượt qua hai vấn đề khó nhất của khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp: thị trường tiêu thụ và lòng tin của người tiêu dùng.
Scott nổi tiếng trong cộng đồng thanh niên gốc Á tại Hoa Kỳ nhờ lòng đam mê hương vị ẩm thực Trung Hoa. Ký ức về những bữa ăn thời thơ ấu thôi thúc anh sản xuất, chế biến các mặt hàng cải ngọt, cải chíp, bí xanh, bí đao, cà tím và rau mùi. Anh sáng lập trang trại Thiếu Sơn - mang biệt danh mà bà nội đặt cho anh, nghĩa là “ngọn núi tuổi trẻ”.
Nông sản Scott cung cấp giúp một nhà hàng ở phố người Hoa, San Francisco được ghi danh trên bản đồ ẩm thực Michelin. Thương hiệu hữu cơ Thiếu Sơn còn xuất hiện ở chợ nông sản sạch và các siêu thị trong khu vực.
Vừa phát triển chuỗi cung ứng rau đặc sản, doanh nông trẻ vừa bảo tồn bản sắc và lịch sử phức tạp của cộng đồng người Hoa di cư sang Hoa Kỳ. Thế hệ ông, bà Scott những năm 1970 rời quê hương để tìm kiếm cơ hội lao động tại nước phát triển. Qua nhiều thế hệ, người Trung Quốc góp phần không nhỏ để xây dựng bang California ngày nay. 32% người Mỹ gốc Hoa sống ở California chính là những khách hàng tiềm năng của Scott.
Tuy nhiên, chuỗi cung ứng rau quả Thiếu Sơn bị đứt gãy toàn bộ sau đại dịch Covid-19. Ý tưởng đầu tay của Scott thất bại hoàn toàn, không còn có khả năng phục hồi.
Đối với Chính phủ Mỹ nói chung, giữ người trẻ gắn bó lâu dài với ngành nông nghiệp là bài toán khó. Như nhiều quốc gia khác, Mỹ cũng thiếu nguồn nhân lực chất lượng để sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nước này có khoảng 3,4 triệu nông dân, chiếm 1% dân số cả nước. Trong đó, doanh nghiệp sở hữu cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chiếm khoảng 1/4. Đặc biệt, đa phần các bạn trẻ ở độ tuổi 20 - 30 tham gia sản xuất thực phẩm hữu cơ, cây trồng đặc sản, lồng ghép câu chuyện văn hóa, lịch sử vào sản phẩm.
Nhiều năm nay, Chính phủ Mỹ không ngừng khuyến khích thanh niên làm nông nghiệp, coi sức sáng tạo trẻ là chìa khóa nhằm đảm bảo hệ thống an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, quy luật của nền kinh tế đã khiến cho nông dân trẻ đối mặt với nhiều bấp bênh.
Những ý tưởng khởi nghiệp thường thất bại ở khâu nhân rộng công nghệ, kỹ thuật do ít người tham gia nông nghiệp. Câu chuyện của Scott Chang-Fleeman điển hình cho thực trạng thiếu hỗ trợ tài chính và thiếu nguồn lực mở rộng tổ chức sản xuất.
Đạo luật Trang trại Hoa Kỳ là gói luật liên bang được sửa đổi 5 năm một lần, cập nhật dựa trên tình hình môi trường, thực tiễn sản xuất, bối cảnh xã hội thế giới ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp. Các nhà lãnh đạo Mỹ đang sửa đổi luật và sẽ bỏ phiếu thông qua luật mới vào tháng 9/2024.
Do đó, cộng đồng thanh niên làm nông nghiệp nước này đang tích cực kêu gọi chính sách thông thoáng hơn, tạo điều cận tiếp cận vốn và tài nguyên nước, đất đai. Ngoài ra, cần chú ý đến sức khỏe tâm lý của doanh nông trẻ. Nhiều người mới ra trường mang theo mình ước mơ lớn, nhưng cũng bị gánh nặng bởi khoản nợ sinh viên, thiếu nguồn vốn huy động, ít người cùng chí hướng…
Nếu không đào tạo và duy trì được thế hệ nông dân tương lai, ngành nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ khó phát triển, gây nguy hiểm cho hệ thống an ninh lương thực, thực phẩm thế giới. Điều này kêu gọi những thay đổi chính sách thiết thực, nếu không, thế hệ Scott Chang-Fleeman sẽ là những người Mỹ cuối cùng làm nông nghiệp.