Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Lí Học - Thứ Năm, 18/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Trong quá trình hoạt động, Dương Bá Trạc viết nhiều cho các báo: Thực nghiệp dân báo, Đông Tây báo, Tri tân, Trung Bắc tân văn, Nam phong tạp chí và Văn học tạp chí.

Những tác phẩm thơ, văn tiêu biểu của Dương Bá Trạc để lại là: Trai lành gái tốt, Tiếng gọi đàn, Nét mực tình, Chữ Nho học lấy, Gia lễ giản yếu...

Bài viết “Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng” của Dương Bá Trạc được đăng trên tờ Văn học tạp chí, ngày 5/5/1934 với thông điệp “đã gọi là con nhà Nam Việt ai cũng nên nhận biết cái ngày ấy là một ngày kỉ niệm chung của cả quốc dân ta”.

Chân dung cụ Dương Bá Trạc, lấy từ cuốn Dương Bá Trạc – Tiểu sử và thơ văn, NXB Đông Tây, Hà Nội 1945.

“Hùng Vương là Tổ nước ta

Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười”

Quốc dân ta ai đã tự biết mình là một người con nhà Nam Việt, ai đã từng đọc qua quốc sử hoặc đã được nghe những chuyện cổ tích ở trong nhà cha chú ông bà thuật lại, tất ai cũng công nhận đức Hùng Vương là một vị vua tổ của cả mười mấy triệu con rồng cháu tiên chúng ta.

Ta thử nghĩ quốc dân ta tự đâu mà có nghề nghiệp làm ăn, lợi dụng được địa chất thiên thời, chiến thắng được độc trùng mãnh thú, mà sản nghiệp dần dần phát đạt, thành được một nước nông sản nhiều, nguyên liệu tốt như bây giờ? Có phải là tự vua tổ ta không? Lại tự đâu mà có triều đình, có đô thị, có trật tự trên dưới, có lễ phép kỉ cương, mà chế độ trong xã hội dần dần chỉnh tề thành được một nước văn hiến như bây giờ, có phải là tự vua tổ ta không?

Nếu không có cái ngày hội Đền Hùng này thì chuyện cũ mấy ngàn năm có khi ta cũng chẳng tưởng nhớ đến bao giờ, mà lâu dần đến quên hẳn cái bụng rễ cây nguồn nước.

Cớ cái ngày hội đền Hùng này thì mỗi năm ta lại có một ngày chiêm bái ở nơi từ đường tổ mộ, xúm xít nhau con con cháu cháu ở dưới cái hình ảnh thiêng liêng, dấu sót hơi thừa, hình như phảng phất đâu trên đỉnh non xanh, giữa dòng nước biếc; nhân thế mà ta ghi nhớ được cái công ơn đề tạo của tổ tiên ta đời trước, lại nhân thế mà ta xúc động đến cái tình cùng nòi giống với nhau.

Ta biết cái công ơn của tổ tiên ta để tạo ra đất nước này, khác nào như đã làm một cái nhà, tổ tiên ta đã đắp nền nện móng đấy; lại khác nào như giồng một cái cây, tổ tiên ta đã đào hố gieo hạt đấy. Cái bổn phận ta bây giờ là phải phạt mộc, xây tường, dàn rui, bỏ nóc cho cái nhà ấy hoàn hảo trơn tru, phải bón phân, tưới nước, sửa lá tiếp cành cho cái cây ấy đâm bông kết quả.

Cái công việc tiến hóa của dân một nước là cái công việc đời nọ liên tiếp với đời kia, cái công việc của đời trước đã qua, mà cái công việc của đời sau chưa tới. Ta phải làm trọn cái chí nghiệp của người trước để lại cho ta, mà mở đường lối cho người sau nối gót theo ta, làm thế nào cho nòi giống được vẻ vang, nước nhà được hưng vượng. Đó chẳng là một điều kỉ niệm chung của cả quốc dân ta trong cái ngày hội đền Hùng này ư?

Ta biết một nước tức là một nhà, người cùng một nước tức là người trong một họ. Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng. Chẳng những là kẻ khôn không nên lừa gạt kẻ ngu, kẻ mạnh không nên hà hiếp kẻ yếu, mà quyền lợi phải bênh vực cho nhau, hoạn nạn phải cứu giúp cho nhau, nay lẽ phải nên khuyên nhủ cùng nhau, việc công ích công lợi nên tổ chức cùng nhau, máu mủ ruột già, dây thân ái nên cột cho thật bền thật chắc. Đó chẳng lại là một điều kỉ niệm chung của cả quốc dân ta trong cái ngày hội đền Hùng này ư?

Ở bên các nước Âu, Mĩ, nước nào cũng đặt ra có những ngày nghỉ lễ là những ngày kỉ niệm chung của cả quốc dân. Tức như ở nước Pháp có ngày kỉ niệm cộng hòa thành lập, ngày kỉ niệm bà Jean d’Are, gần đây lại đặt thêm có ngày kỉ niệm chiến thắng nước Đức. Ấy, những ngày ấy đều là những ngày kỉ niệm chung của cả quốc dân Pháp vậy.

Người ta sở dĩ đặt ra có những ngày kỉ niệm như thế là thủ nghĩa rằng: Những ngày có quan hệ đến cái cuộc thịnh suy vinh nhục của cả một quốc dân, đặt làm ngày lễ trong nước, cứ năm năm đến những ngày đó thì khắp trong nước không người nào là không nhắc nhở đến, băn khoăn đến cái ngày đó là ngày gì mà ai cũng đinh ninh ghi nhớ cái ngày này là ngày vinh dự chung của cả quốc dân ta, cái ngày này là ngày sỉ nhục chung của cả quốc dân ta, cái này này là ngày ông ấy, ông nọ, bà ấy, bà nọ, những bậc anh hùng hào kiệt nước ta đời xưa đã lập nên được cái công nghiệp gì khiến cho nước ta đương nguy mà được yên, đương suy mà được thịnh.

Như thế thì cái lòng quốc dân đối với nước có cái cảm tình chan chứa thiết tha, nước vinh biết lấy làm vinh, nước nhục biết lấy làm nhục, biết sùng bái cái công nghiệp cứu quốc của các đấng anh hùng hào kiệt đời trước mà cảm kích phấn phát, sốt sắng theo đòi; biết mình là một phần tử trong nước, là nước của mình, không ai nỡ làm điều gì ô mệt đến cái danh dự, tổn hại đến cái quyền lợi của nước mình; biết phàm đã cùng là người trong một nước thì lợi cùng lợi, hại cùng hại, dở cùng dở, hay cùng hay, phải cùng nhau đồng tâm hiệp lực mà làm cho nước được thịnh vượng, được vẻ vang, mà không có cái bụng tương đố, tương nghi, tương tàn, tương tặc. Ấy, người ta đặt ra có những ngày kỉ niệm chung của cả quốc dân là vì một cái mục đích như thế.

Đại gia đình họ Dương của cụ Dương Bá Trạc ở Mễ Sở. (Cụ Dương Bá Trạc đứng ngoài cùng bên trái. Người đứng kế bên là cụ Dương Trọng Phổ - thân sinh cụ Dương Bá Trạc). Ảnh: tư liệu của gia đình GS Dương Quảng Hàm.

Người mình, cái quan niệm đối với nước là rất bạc nhược, nên từ xưa đến nay, trong lịch sử cũng thiếu gì những ngày đáng nên kỉ niệm như thế, mà thử hỏi những ngày tết, ngày hội của ta có ngày nào đặt ra mà hợp vào với cái mục đích ấy. Thật không có. Có chăng là cái ngày hội đền Hùng đây!

Vậy thì cái ngày hội đền Hùng đây chẳng phải là một ngày riêng cho những du nhân hào khách đi xem đám cầu vui, cũng chẳng phải là một ngày riêng cho những tín nữ thiện nam đi dâng hương cầu phúc; phàm đã gọi là con nhà Nam Việt ai cũng nên nhận biết cái ngày ấy là một ngày kỉ niệm chung của cả quốc dân ta.

Lí Học
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.