Thổn thức cùng sông Nghèn

Ngô Đức Hành - Thứ Tư, 15/05/2024 , 14:57 (GMT+7)

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Nhà thơ, đại tá, TS Lê Thành Nghị là con người của hạ lưu sông Nghèn. Thuở còn học phổ thông ở quê nhà, từ xã Tân Lộc (nay thuộc huyện Lộc Hà), ông ngược sông Nghèn lên thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) trọ học. Nhắc đến sông Nghèn, với Lê Thành Nghị có “hai trong một”. Vì thế, ông luôn khắc khoải về dòng sông.

Trong sự nghiệp sáng tác, ký ức về quê hương trỗi dậy, trở thành cảm xúc. Sông Nghèn, nhiều lần trở thành nhân vật trữ tình trong thơ ông, trong đó có bài “Sông Nghèn ngày gặp lại”. Ngày tạm biệt quê hương, “Ta rất trẻ và sông rất trẻ”; đến hôm nay trở về “Sông còn trẻ nhưng ta không còn trẻ / Bước già nua từng bước để sang đò / Ta nhận ra hai bờ xanh đến thế / Và nụ hoa trong cỏ tím dường kia” (Sông Nghèn ngày gặp lại).

Tắm táp ở dòng sông Nghèn, lớn lên bằng hạt gạo, củ khoai từ bờ bãi rồi trở thành thi sỹ, ngoài TS Lê Thành Nghị, đương đại có thể kể đến các nhà văn như Đức Ban, Trần Đắc Túc; các nhà thơ như Nguyễn Sỹ Đại, Mai Hồng Niên, Nguyễn Văn Thanh, Đặng Văn Chương. Họ đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Sinh thời, tác giả của "Truyện Kiều" bất hủ, Nguyễn Du từ Nghi Xuân nhiều lần qua đò vượt sông Cài - một nhánh của sông Nghèn đến Trường Lưu nghe hát phường vải. Sông Nghèn, quả là dòng sông thơ, trên “quê mình, quê thơ”, Hà Tĩnh. Nhưng sông Nghèn không chỉ có thế.

Sông Nghèn bắt nguồn từ địa phận xã Trung Lương, Hồng Lĩnh, chảy quanh co theo hướng đông nam, dài khoảng 70km.

Sông Nghèn trong lịch sử là một đoạn của kênh Nhà Lê nổi tiếng, nối từ Kinh đô Hoa Lư của Đại Cồ Việt tới đèo Ngang. Nó là một phân lưu của sông Lam - con sông “bổ đôi Nghệ Tĩnh” như cách gọi của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.

Sông Nghèn bắt nguồn từ Trung Lương, trước là một vùng đất thuộc huyện Đức Thọ, nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh và “dùng dằng” qua các huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Lộc Hà trước khi nhập với sông Hạ Vàng đổ ra biển qua Cửa Sót.

Tôi cũng sinh ra bên dòng sông ấy. Sông Nghèn không lớn, chỉ hơn 70km chiều dài; nhưng với lịch sử đất nước, đó là dòng sông bi hùng, như cách gọi của nhà văn Trần Đắc Túc, trong một truyện ngắn cùng tên.

Thuở nhỏ, tôi cùng chúng bạn thường bơi qua sông Nghèn hái bần. Bên kia sông là một thế giới của bần, của năn, lác... Dưới những gốc bần, bụi guốc là tôm, cua, cáy... Nghe tiếng bàn chân bọn trẻ, lũ cáy thính tai nháo nhào chạy trốn. Bên ấy, đối diện với làng Bắc Sơn, thị trấn Nghèn là bến đò Thượng Trụ, xã Thuần Thiện. Đó là nơi những người cộng sản thế hệ đầu tiên ở Hà Tĩnh nhóm họp, thành lập Đảng bộ huyện Can Lộc và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp đó, sông Nghèn là nơi chứng kiến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh trên đất Hà Tĩnh. Can Lộc lúc đó như một trong những trung tâm, một cao điểm trong cao trào Xô viết. Ngày nay, Đài Tưởng niệm các chiến sỹ Xô viết ở Hà Tĩnh được xây dựng tại Ngã ba Nghèn lịch sử là một chứng tích. Đây là tượng đài Xô viết duy nhất trên đất Hà Tĩnh.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sông Nghèn từng là “túi bom” của đế quốc Mỹ qua hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bởi sông Nghèn vắt qua quốc lộ 1A, cầu Nghèn bắc qua sông Nghèn nối liền huyết mạch Bắc Nam.

Ngã ba Nghèn, cùng với Ngã ba Đồng Lộc là hai trọng điểm người Mỹ hy vọng dội bom sẽ ngăn chặn được con đường chi viện cho tiền tuyến. Người dân Can Lộc lúc đó quyết tâm: "Can Lộc còn, đường vào Nam còn", với lời thề  "Đường vào Nam không một phút ngừng tuyến xe qua", "Xe chưa qua, nhà không tiếc".

Mỗi tên đất, tên làng bên dòng sông ấy mang trên mình biết bao chiến tích, cứ thế đi vào lịch sử. Đó là “xã Thép" Tiến Lộc (nay đã nhập vào thị trấn Nghèn) gắn với tên Làng K130; đó là Đồng Lộc đã trở thành "Ngã ba soi đường cho thế kỷ phong ba"; đó là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong tại chiến trường Đồng Lộc. Đó còn là gương các anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẩn, Nguyễn Tri Ân, Cao Bá Tuyết, Vương Đình Nhỏ cùng hàng trăm chiến sỹ, nhân dân đã anh dũng hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông.

Thời bé, bao đêm nằm hầm, lũ trẻ chúng tôi vẫn tỉnh giấc vì loa phóng thanh báo động máy bay Mỹ, từng giật mình vì người lớn cùng nhau ra cứu đường, cứu cầu. Cầu bị sập đã có cầu phao, đường bị hỏng đã có gỗ, đá... Những cây lớn trong làng, các bụi tre được người lớn đẵn xuống chở ngay ra cầu Nghèn làm đường dẫn cho xe lao lên cầu, vượt phà thẳng tiến.

Thị trấn Nghèn và tất cả các xã bên dòng sông Nghèn sau này đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Can Lộc là huyện Anh hùng, với 100% các xã là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước thống nhất, sau năm 1975, Can Lộc bước vào thời kỳ khôi phục hậu quả chiến tranh, khai hoang phục hóa, cải tạo đồng ruộng. Theo hồi ký của ông Nguyễn Lương Dần, nguyên Bí thư Huyện ủy Can Lộc, thời đó có câu khẩu hiệu “Đánh một trận sạch hoang hóa, đánh hai trận lúa khoai dư thừa”.

“Mở đầu Can Lộc làm kênh Giua nối liền với kênh chính Linh Cảm từ xã Nhân Lộc đến xã Tân Lộc có chiều dài gần 20km đi qua một số đồi núi, vùng sâu trũng, khe hói, với hàng triệu khối đất đào đắp và hàng trăm công trình lớn nhỏ, bao gồm công trình tưới, tiêu, cầu qua kênh, xi phông qua sông Nghèn”, ("Từ mảnh đất Thổ Sơn", hồi ký Nguyễn Lương Dần).

Vì miếng ăn, hay nói cách khác, thực hiện chương trình lương thực thực phẩm theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, dự án cống Trung Lương - công trình điều tiết nước ngọt từ sông Lam vào sông Nghèn được khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2001. Tiếp đó là dự án ngọt hóa sông Nghèn được thực hiện. Tức là Hà Tĩnh xây dựng cống Đò Điểm, đưa vào sử dụng tháng 3/2008.

Trước đây, sông Nghèn là dòng sông chảy từ nguồn ra biển, như quy luật muôn đời “các dòng sông đều chảy”. Thế nhưng khi thực hiện dự án “ngọt hóa”, thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy. Những đoàn thuyền với cánh buồm no gió ngược xuôi sông Nghèn đã trở thành ký ức. Hồi bé, tôi thường ra cầu Nghèn, tay vịn lan can nhìn xuống dòng sông ngắm những đàn sứa và các loài thực vật phù du khác theo con nước thủy triều lãng du cùng dòng sông, đã trở thành ký ức. Những đoàn bè của người nông dân tranh thủ ngày nông nhàn lên rừng đẵn tre nứa, gỗ, củi về xuôi cũng trở thành ký ức.

Công bằng mà nói, khi sông Nghèn ngừng chảy đã góp phần tạo sự thay đổi về sản xuất nông nghiệp. Trước đó, gần như hơn 12.000ha đất ở Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà đều bị bỏ hoang do nhiễm mặn. Ngoài ra công trình “ngọt hóa” cũng góp phần đã “giải cứu” cho khoảng 2.000ha đất trồng trọt, vườn tược của thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ.

Sông Nghèn “được” mà “mất” cũng trở thành câu hỏi được nhắc đến từ đó. Ngọt hóa để lấy nước làm nông nhưng cái mất đi kèm là hệ sinh thái sông Nghèn không còn. Dòng sông vốn đa dạng thủy, hải sản chỉ còn trong hoài nghiệm. Và vì dòng không chảy nên, sông Nghèn dần dẫn trở thành một “ao tù”, ô nhiễm môi trường lớn nhất ở Bắc miền Trung.

"Nguy nhất, hệ lụy lớn nhất là chúng ta đã thay đổi hệ sinh thái sông Nghèn từ nước lợ sang nước ngọt. Hiện tại cửa sông, tức là cửa Sót, nằm giữa Thạch Kim và khu vực đền Chiêu Trưng (thờ Lê Khôi) thuộc xã Thạch Bằng bị bồi lắng lâu ngày, thuyền bè không thể về được.

Anh thử làm phép tính mà xem, về giá trị nuôi trồng thủy sản nước lợ bao giờ cũng cao hơn nhiều nước ngọt. Nay vì ô nhiễm không loài thủy sản, thực vật phù du nào có thể sống được", ông Bùi Huy Cường, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, nay là Giám đốc Ban A Hà Tĩnh bày tỏ.

Tôi đã từng nói chuyện với một người nghiên cứu về phong thủy, ông cho rằng sông Nghèn từ ngày bị ngăn dòng, trở thành “sông nghẽn” đè lên “huyệt đạo”, ảnh hưởng đến linh khí của một vùng đất. Cùng với sự phát triển của Hà Tĩnh, Can Lộc trở thành huyện Nông thôn mới, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hạt gạo đã dư thừa. Câu hỏi năm xưa “được” và “mất” của việc ngăn sông Nghèn xuất hiện trở lại.

Có dịp trao đổi với ông Nguyễn Như Dũng, nguyên Bí thư Huyện ủy Can Lộc (nay là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh) về việc khơi thông, “trả lại tên” cho sông Nghèn, ông suy tư, nhưng chân tình chia sẻ: “Cũng đã có nhiều ý kiến nêu lên, nhưng những người có công xây dựng, thực hiện Đề án ngọt hóa còn đó, cũng khó lắm”. À ra thế, chiến thắng chính mình mới là chiến thắng vinh quang nhất, nhưng thật không dễ. Tâm lý vốn dễ hình thành “pháo đài”, “mọc rễ”, không dễ bứng nó đi để thay đổi.

Nguyễn Như Dũng bật máy cho tôi xem “Đề án số” về quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Nghèn của một nhà đầu tư. “Phải nói là hoàn hảo, Huyện ủy, UBND huyện rất ủng hộ. Thị trấn phát triển dọc hai bờ Bắc, Nam sông Nghèn sẽ rất đẹp, hiện đại”. Sẽ đẹp hơn, nếu dòng sông ấy được chảy trở lại như vốn có.

Cầu Nghèn trên quốc lộ 1A, dài gần 150m, bắc qua sông Nghèn, địa phận thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.

Tôi đã từng lang thang dọc bờ sông Nghèn từ cống ngăn mặn Đò Điệm (thuộc huyện Lộc Hà) trở về Can Lộc. Trưa tháng 5 nắng, nồng. Dòng sông có nhiều khúc quanh. Khúc quanh nhìn thấy bằng mắt thường và khúc quanh “ẩn dụ”. Hiện thực sông Nghèn đang oằn mình bởi ô nhiễm, bèo tây chườm lên, sinh sôi choán hết mặt nước. Từ ngày “ngọt hóa”, công năng giao thông thủy nội địa biến mất. Trong tâm tưởng tôi, từng đoàn thuyền căng buồm xuôi ngược hiện về...

Việt Nam được thừa hưởng “dư địa” lớn lao từ các dòng sông. Với bất cứ ai, sinh ra ở đâu, gần như đều có một dòng sông chạy qua, dù bé hay lớn. Mỗi người đều lớn lên bên những dòng sông cụ thể. Dù đi đâu, về đâu, trẻ hay già, với một người, dòng sông đều vời vợi ký ức.

“Những dòng sông miền Trung / Như những thắt lưng đất nước / Thắt lưng đất nước cho chặt / Mà đi xuống biển / Mà đi lên rừng...” ("Những dòng sông miền Trung", thơ Trần Mạnh Hảo). Sông Nghèn của quê hương tôi là một trong những “thắt lưng” như thế. Chúng tôi, từng cùng nó được đi lên rừng, xuống biển, mở cửa vào tương lai.

Ngô Đức Hành
Tags:
Tags:
Tin khác
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.