Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Tuy Hòa - Thứ Năm, 18/04/2024 , 07:50 (GMT+7)

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

"Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời"

Giá trị tiếng Việt đã được khẳng định như một tài sản quý báu của người Việt. Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm luôn là một dịp để người Việt khắp nơi cùng hướng về cội nguồn. Sau những nghi lễ rộn ràng và sau những chào mừng chúc tụng, thì có lẽ điều cốt lõi mà ai cũng nhận ra, đó là tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ trở thành sợi dây kết nối người Việt gần lại với nhau trong hơi ấm đồng bào.

Trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu, nhân loại phải đương đầu với một sự thật đáng sợ, khi nhiều dân tộc đã biến mất và nhiều lãnh thổ đã bị xóa sổ vì ngôn ngữ của họ không còn tồn tại. Dân tộc Việt Nam chúng ta, thật may mắn, vì vẫn gìn giữ được tiếng Việt phong phú đa sắc, đa thanh.

Theo chiều dài lịch sử 4000 năm, tiếng Việt được vun bồi, được tích lũy, được cải tiến qua ba hình thái chữ viết là chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Trong giai đoạn bị cai trị bởi thế lực phương Bắc, người Việt phải dùng chữ Hán nhưng cực kỳ khéo léo áp dụng cách đọc của riêng mình. Toàn bộ chữ Hán đều được phiên âm thành từ Hán-Việt, tức phần ngữ âm của chữ Hán nào cũng được Việt Nam hoá. Để thoát khỏi sự lệ thuộc chữ Hán, danh sĩ Hàn Thuyên ở thế kỷ 13 đã sáng tạo ra chữ Nôm và tạo tiền đề cho hệ thống văn bản chữ Nôm lưu trữ những giá trị lịch sử và văn hóa của người Việt.

Đến thế kỷ 17, những nhà truyền giáo phương Tây mang chữ Latinh đến nước ta. Người Việt đã nhanh chóng hấp thụ tinh hoa của chữ Latinh và hình thành chữ quốc ngữ phát triển đến hôm nay.

Không thể nói khác hơn, tiếng Việt đã có sự dịch chuyển ngoạn mục từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, mà một kiệt tác được viết bằng chữ Nôm vẫn phô diễn đầy đủ vẻ đẹp bằng chữ quốc ngữ là Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Không chỉ cho rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”, học giả Phạm Quỳnh còn nhận xét: “Tổ tiên chúng ta có công trạng lớn là làm cho toàn dân suốt từ Bắc đến Nam đều cùng một tiếng nói, một phong tục. Vì thế cái tính tình, cái tư tưởng cũng không khác gì nhau… Dân Việt Nam ta thật được hơn các dân khác, là chỉ có một thứ tiếng suốt trong bờ cõi… Người Việt đi đến đâu cũng có thể nghe và hiểu lẫn nhau”.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948-1988) từng viết bài thơ “Tiếng Việt” dài 60 câu, chia thành 15 khổ để ca ngợi giá trị tiếng Việt: “Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng/ Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi/ Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người/ Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ”.

Năm 1952, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bài hát “Tình ca” gửi gắm “Tiếng nước tôi, bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Hơn 70 năm sau bài hát “Tình ca”, nhiều bài hát nữa cũng kế thừa tinh thần ấy, để tiếp tục ca ngợi tiếng Việt. Ví dụ, bài hát “Thương ca tiếng Việt” của Đức Trí và Hà Quang Minh, “Tiếng Việt” của Hoài An, “Tôi yêu tiếng Việt tôi” của Ngọc Lễ…

Ca sĩ Mỹ Tâm được yêu thích với bài hát "Thương ca tiếng Việt".

Với hơn 100 triệu người sử dụng thường xuyên, tiếng Việt đã có một vị trí đáng tự hào trên bản đồ ngôn ngữ thế giới. Đặc biệt, với địa hình đất nước trải dài từ Bắc đến Nam, nên tiếng Việt còn tạo ra những cảm xúc thú vị khi gắn kiều với thổ âm từng vùng đất. Chúng ta có giọng Hà Nội, giọng Thanh Hóa, giọng Nghệ Tĩnh, giọng Huế, giọng Quảng Nam, giọng Sài Gòn, giọng miền Tây…

Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng ấy, tiếng Việt lại đang đối mặt với nhiều thử thách bởi sự lệch chuẩn, bởi sự tùy tiện. Thực tế đáng buồn là chính những người có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại gây ra không ít hệ lụy cho tiếng Việt. Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công hơn một lần lên tiếng về sự sai sót của chương trình “Vua tiếng Việt” trên truyền hình và sự cẩu thả trong việc ấn hành các loại từ điển Tiếng Việt.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cảnh tỉnh: “Các cuốn từ điển tiếng Việt nói riêng và tài liệu tra cứu, tham khảo về tiếng Việt nói chung, nhiều cuốn chất lượng quá kém, rất có hại cho tiếng Việt. Riêng từ điển chính tả tiếng Việt, thì trong vòng khoảng mười năm trở lại đây, đã có tới hàng chục cuốn chứa đựng đầy rẫy những sai sót, đến mức phải thu hồi, tiêu huỷ. Trong đó, có nhiều cuốn tác giả là những người có học hàm học vị (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ngôn ngữ), đã từng công tác hoặc hiện đang công tác tại Viện Ngôn ngữ, Viện từ điển và Bách khoa thư, hoặc Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống”.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.

Trong vài năm gần đây, khi cộng đồng lo ngại về sự hờ hững của giới trẻ với lối sống thực dụng chạy theo những giá trị phù phiếm, thì lại xuất hiện vài tác giả tâm huyết với tiếng Việt. Trên mạng xã hội có một trang “Tiếng Việt giàu đẹp” quy tụ rất nhiều đối tượng tuổi thanh xuân. Còn trên thị trường sách có tác phẩm “Tiếng Việt ân tình” của tác giả Lê Trọng Nghĩa sinh năm 1995, đó là một cuốn sách dày 340 trang với hơn 140 mục từ giúp học sinh sinh viên thêm hứng thú tìm hiểu tiếng Việt.

Ngoài ra, nhiều nhà xuất bản cũng nỗ lực xây dựng tủ sách “Tiếng Việt mến yêu” với những đầu sách hấp dẫn như “Chuyện kể thành ngữ”, “Vào đời bằng lời ca dao”, “Từ vay hay dùng” hoặc “Từ những tên riêng”… Vì vậy, chúng ta có quyền lạc quan về tình yêu tiếng Việt ở thế hệ người Việt thời công nghệ số.

Từ nơi chôn nhau cắt rốn, tiếng Việt theo chân người Việt đi muôn phương. Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp của người Việt trong nước và tiếng Việt đồng thời cũng là phương tiện nhận diện của người Việt xa xứ. Ở những quốc gia có nhiều người Việt sinh sống, tiếng Việt không chỉ được các trí thức nước ngoài nghiên cứu mà còn trở thành một bộ môn được giảng dạy trong trường học.

Để phát huy giá trị tiếng Việt trên lộ trình hội nhập quốc tế sâu rộng, năm 2022, Chính phủ đã ra Quyết định số 930 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030”. Tiếng Việt được mang theo trong hành trang của mỗi người Việt dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu. Mỗi khi tiếng Việt vang lên, người Việt lập tức tìm thấy nhau trong sự xúc động và cùng nhau hướng về cội nguồn trong sự tin yêu.

Chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ Tổ Hùng Vương có chủ đề “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình” được giới thiệu lúc 19h ngày 18/4 trên Nông nghiệp Radio.

Tuy Hòa
Tin khác
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.