Từ một tỉnh trồng chủ yếu các loại cây công nghiệp như điều, cao su..., những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái đang tăng nhanh ở Bình Phước, trong đó có sầu riêng.
Theo ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, diện tích cây sầu riêng đang tăng rất nhanh trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, Bình Phước mới có 2.800ha sầu riêng, đến nay đã tăng lên 7.500ha. Với diện tích này, sầu riêng đang chiếm khoảng 44% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh Bình Phước. Diện tích sầu riêng của Bình Phước có thể còn tăng lên nữa, vì theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn trái là 20.000ha, nhưng đến nay mới đạt 17.000ha. Mà với lợi nhuận lớn do cây sầu riêng mang lại, khi mở mang thêm diện tích trồng cây ăn trái, nông dân đang coi sầu riêng là ưu tiên hàng đầu.
Không chỉ Bình Phước, diện tích sầu riêng cũng đang tăng nhanh ở nhiều tỉnh khác và trên cả nước. Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, cho hay, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh này hiện khoảng 22.000ha, cao hơn diện tích được quy hoạch đến 2025. Ở Đắk Nông hiện có hơn 10.000ha sầu riêng, trong đó trên 4.000ha đã cho thu hoạch với sản lượng hơn 40.000 tấn ... Những tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất hiện nay là Đắk Lắk (gần 33.000ha), Lâm Đồng (gần 23.000ha). Khu vực có diện tích sầu riêng lớn nhất là Tây Nguyên với 75.000ha, tiếp đó là ĐBSCL có 43.000ha, Đông Nam bộ 25.000ha...
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, trong gần 10 năm qua, diện tích sầu riêng Việt Nam luôn tăng lên qua từng năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 19,5%. Nếu như năm 2015, Việt Nam mới chỉ có gần 32.000ha sầu riêng, thì đến năm 2023 đã lên tới gần 151.000ha. Sản lượng sầu riêng cũng tăng qua từng năm và đạt gần 1,2 triệu tấn năm 2023 (sản lượng năm 2015 là 366 nghìn tấn), tăng bình quân 14,7%/năm.
Với diện tích và sản lượng như trên, Việt Nam đang là một trong những nước sản xuất sầu riêng lớn nhất ở Đông Nam Á. Năm 2022, Thái Lan trồng 137.000ha sầu riêng, sản lượng 1,32 triệu tấn; Malaysia trồng 86.000ha sầu riêng, sản lượng 448 nghìn tấn. Ở Indonesia, sản lượng sầu riêng hiện tại vào khoảng 1,7 triệu tấn, trong đó khoảng 50 nghìn tấn được xuất khẩu.
Như vậy, có thể thấy, không chỉ Việt Nam, nhiều nước Đông Nam Á cũng đang đẩy mạnh phát triển sầu riêng khi thị trường sầu riêng thế giới được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẹ về quy mô. Theo báo cáo thị trường sầu riêng tươi của Polaris Market Research Analysis, năm 2023, quy mô thị trường sầu riêng thế giới là 25,01 tỷ USD (Trung Quốc chiếm 80%), dự báo đến 2032 là 46,09 tỷ USD.
Hiện các nước xuất khẩu sầu riêng hàng đầu như Thái Lan, Malaysia đều đang tập trung nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc qua nhiều con đường khác nhau. Chẳng hạn Thái Lan đang xuất khẩu sầu riêng qua đường sắt cao tốc của Lào.
Chính vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng sầu riêng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng để gia tăng năng lực xuất khẩu trái sầu riêng tươi, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang rất trông chờ vào Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc cũng như việc đàm phán mở cửa một số thị trường tiềm năng khác như Ấn Độ.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, đến thời điểm này, Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam sang Trung Quốc đã được hai bên hoàn thiện về mặt kỹ thuật, hiện đang chờ lên khung và chọn thời điểm phù hợp để ký kết.
Đến nay, sầu riêng tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 22 thị trường. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng đã đạt kỷ lục gần 2,3 tỷ USD. Trong lịch sử xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam, sầu riêng chính là loại trái cây duy nhất đã vượt mốc 2 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nhận định, với sản lượng, nhu cầu thị trường và sự tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng trong năm nay hoàn toàn có thể vượt mốc 3 tỷ USD.