| Hotline: 0983.970.780

Siết lại quản lý đất đai, tài sản các công ty thủy lợi

Thứ Tư 26/06/2024 , 14:51 (GMT+7)

6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Cục Thủy lợi phải siết lại quản lý đất đai, tài sản với 5 công ty thủy lợi thuộc Bộ quản lý.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo công tác 6 tháng cuối năm của Cục Thủy lợi. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo công tác 6 tháng cuối năm của Cục Thủy lợi. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 26/6, Cục Thủy lợi tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và thảo luận nhiệm vụ cho nửa sau của năm 2024. Hội nghị có sự tham gia chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Sau khi nắm bắt thông tin hoạt động qua báo cáo tóm tắt của Cục, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá ngành thủy lợi trong thời gian qua đã có những tiến bộ, hiệu quả trong hoạt động nhưng vẫn cần có thêm sự chủ động.

Trong những thành quả đã đạt được 6 tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương công tác điều hành thủy lợi trong vụ sản xuất đông xuân vừa qua.

“Bằng việc phối hợp với EVN cùng nhiều đơn vị liên quan và các giải pháp chủ động như tích nước, phát điện hợp lý, ngành thủy lợi vừa tiết kiệm được nước trong vụ đông xuân vừa giúp đảm bảo nguồn phát điện”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ với Cục Thủy lợi.

Cụ thể, trong vụ đông xuân, lượng nước tính toán ban đầu là dưới 3,5 tỷ m3 nhưng thực tế chỉ sử dụng chưa đến 3 tỷ m3. Do đó, mặc dù không có nguồn điện mới nhưng lượng điện sản xuất ra trong thời gian vừa qua vẫn tăng 15%.

Đối với những vướng mắc, hạn chế và các vấn đề còn tồn tại cần sớm giải quyết, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu Cục phải quyết liệt hơn, chủ động hơn và phối hợp tốt hơn, nhất là liên quan đến các công ty khai thác thủy lợi thuộc Bộ quản lý.

“Cục Thủy lợi cần siết lại về quản lý đất đai, tài sản với 5 công ty thuộc Bộ NN-PTNT quản lý”, Thứ trưởng yêu cầu và lấy ví dụ về 10.000 hộ dân đang không thể xây nhà do vướng mắc liên quan đất đai của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Đối với vấn đề thể chế của ngành thủy lợi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Cục đã hoàn thành cơ bản tiến độ đề ra mặc dù có nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các khuyến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị cần có tính toán, phương án để thực hiện trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành.

“Trong quá trình thực hiện kế hoạch về quy hoạch, cần phải thường xuyên chỉ đạo, rà soát hoạt động của các địa phương vì đây vẫn là khoảng trống đối với ngành thủy lợi khi nhiều năm qua không có văn bản nào”, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.

Cục Thủy lợi tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, sáng 26/6. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục Thủy lợi tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, sáng 26/6. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong 2 quý còn lại của 2024, Thứ trưởng cũng đề xuất Cục Thủy lợi lên kế hoạch tổ chức Hội nghị nước sạch nông thôn toàn quốc. Qua đó làm rõ câu chuyện đầu tư nước sạch nông thôn, giữa nhà nước với tư nhân, giữa trung ương với địa phương, giữa chính quyền với người dân…

Cùng với đó, trước mùa mưa lũ năm 2024, vấn đề an toàn hồ đập được Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhắc lại là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và triển khai vận hành thông minh, đặc biệt là các hồ thuộc Bộ quản lý và hồ liên tỉnh giao địa phương quản lý.

Vấn đề nữa được Thứ trưởng nêu ra trong buổi làm việc là cải thiện thêm công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Theo Thứ trưởng, ngành thủy lợi đã có chuyển biến trong vấn đề này nhưng chưa xứng đáng với tiềm năng. Cục Thủy lợi cần xem xét, thu hút thêm vốn ODA để thực hiện một số nhiệm vụ phù hợp, ví dụ như nghiên cứu, hiện nay ODA cho thủy lợi đang rất ít.

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, trong 6 tháng đầu năm, Cục đã làm được nhiều việc, trong đó về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có 4 nghị định, 2 thông tư và tổ chức rà soát luật.

Về công tác chỉ đạo điều hành, Cục trưởng Nguyễn Tùng Phong nói bên cạnh lấy nước hợp lý hỗ trợ ngành điện, Cục còn tham mưu cho Bộ để chuyển từ chống hạn sang chủ động kiểm soát.

Từ đó, ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng các quy trình để chủ động ứng phó, kiểm soát trong công tác chỉ đạo điều hành cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động.

Lãnh đạo Cục Thủy lợi cũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trong công tác đảm bảo an toàn hồ đập, cụ thể hóa bằng việc chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn rà soát và tổ chức góp ý cho Bộ, cho địa phương để triển khai việc khai thác đa mục tiêu.

Báo cáo của Cục Thủy lợi cho thấy, để điều hành các đợt lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân khu vực trung du và đồng bắc Bắc bộ, Cục đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện linh hoạt, tiết kiệm.

Kết quả, vụ đông xuân 2023-2024, các hồ chứa thủy điện xả 2 đợt (12 ngày) với tổng lượng xả 2,78 tỷ m3, gồm: Đợt 1 là 1,893 tỷ m3, Đợt 2 là 0,887 tỷ m3), thấp hơn khoảng 0,72 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến và thấp hơn so với những năm trước từ 0,4-1,64 tỷ m3 nước.

Xem thêm
Tinh gọn tổ chức bộ máy: Phải làm nhanh, tạo đột phá mang tính cách mạng

Sáng 25/11, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

TP.HCM sắp đón đỉnh triều cường

Đỉnh triều cường tại TP.HCM dự kiến đạt mức xấp xỉ báo động 3 vào ngày 3 - 4/12. Người dân cần cảnh giác để chủ động ứng phó trước nguy cơ ngập úng.