UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có Chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông trên địa bàn.
Văn bản do ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký thể hiện: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông ở một số địa phương ở Vĩnh Phúc còn chưa hiệu quả; hành vi phạm các quy định về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông trong thời gian trước chưa được xử lý, một số vụ vi phạm mới phát sinh chưa được ngăn chặn, chưa được xử lý kịp thời và dứt điểm.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ được giao, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, quy định của pháp pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông; nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông.
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc là kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông. Tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều, bãi sông theo quy định. Chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào cuối năm 2022, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã có kết luận về công tác quản lý nhà nước về hành lang đê điều, hồ, đập và vùng phụ cận trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015 - 2021 đối với Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc và các huyện, thành phố.
Theo cơ quan thanh tra, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 4 tuyến đê sông chính gồm tả sông Hồng, tả sông Lô, tả sông Phó Đáy, hữu sông Phó Đáy và 2 tuyến đê bối Vĩnh Tường - Yên Lạc, bối Đôn Nhân với tổng chiều dài hơn 156,7km.
Có 421 hồ chứa nước, đập thủy lợi, trong đó có 11 hồ chứa nước lớn, 18 hồ chứa nước vừa và 392 hồ chứa nước nhỏ và đập thủy lợi. Qua công tác thanh tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm, tồn tại, hạn chế về công tác quản lý nhà nước ở Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc và các huyện, thành phố.
Đặc biệt, ở cấp huyện đã để tồn tại 242 vụ việc vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Trong đó huyện Sông Lô có 96 vụ việc, huyện Lập Thạch 29 vụ, huyện Tam Dương 15 vụ, huyện Vĩnh Tường 57 vụ, thành phố Phúc Yên 27 vụ… Cùng với đó là 40 vụ việc vi phạm phạm vi bảo vệ hồ đập và vùng phụ cận (Sông Lô 3 vụ, Lập Thạch 6 vụ, Tam Đảo 3 vụ, Bình Xuyên 5 vụ, thành phố Phúc Yên 23 vụ…).
Ngoài ra cơ quan thanh tra cũng khẳng định công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai khu vực giáp với hành lang bảo vệ đê điều, hồ đập và vùng phụ cận chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng vi phạm sử dụng đất, việc sử dụng đất bãi sông, hành lang bảo vệ đê điều và không gian thoát lũ ở một số nơi chưa đảm bảo…
Để đảm bảo công tác đê điều, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo, phối hợp UBND cấp huyện xử lý dứt điểm 282 vụ việc vi phạm trong phạm vi bảo vệ hành lang đê điều, hồ đập và vùng phụ cận còn tồn tại. Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc và các huyện, thành phố tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với các vi phạm nói trên.
Trước mùa mưa lũ năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, có biện pháp xử lý dứt điểm các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, bãi sông theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức thống kê, phân loại các vi phạm và tình hình, kết quả xử lý vi phạm ở các địa phương, đơn vị tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT, trong đó làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, hướng xử lý và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.