| Hotline: 0983.970.780

Những công trình thủy lợi 'già nua'

Thứ Tư 26/06/2024 , 06:37 (GMT+7)

Sau hàng chục năm vận hành, đến nay nhiều công trình thủy lợi ở Hà Nội đã xuống cấp khiến công tác quản lý, vận hành khó khăn.

“Đồ cổ” xuống cấp

Sau hơn 40 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục tại trạm bơm Văn Khê 2 (Thanh Oai, Hà Nội) đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí một số khu vực đã và đang bị sụt lún nghiêm trọng. Nhiều vết nứt ngang dọc xuất hiện trên bờ bao, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Các vòi bơm tại trạm bơm này phần lớn đều đã rỉ sét. Những tổ máy - nơi được coi là trái tim của các trạm bơm, cũng trở thành “đồ cổ” với công suất và sự ổn định ngày càng giảm.

'Phần cứng' của các công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hùng Khang.

“Phần cứng” của các công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Ngô Văn Nhanh (Trạm trưởng trạm bơm Văn Khê 2 (thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy) tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, cho biết: “Máy này chạy rất kém. Lúc vận hành nó phát nhiệt, nhanh nóng. Cái bầu dầu chạy lâu ngày, trục sẽ bị mòn nên phải bổ sung thêm dầu. Nó còn văng dầu ra ngoài…”.

Theo ông Nhanh, những tổ máy này đã có từ trước năm 1984 - thời điểm ông Nhanh bắt đầu công tác tại trạm bơm. Những hạng mục như bầu dầu, buli… đều đã “già” nên mỗi ngày đi làm, những công nhân thủy nông như ông Nhanh đều phải tra dầu, vặn siết lại ốc để đảm bảo công suất của những món “đồ cổ” này.

Những công nhân thủy nông phải thường xuyên bảo dưỡng để đảm bảo công suất của trạm bơm. Ảnh: Hùng Khang.

Những công nhân thủy nông phải thường xuyên bảo dưỡng để đảm bảo công suất của trạm bơm. Ảnh: Hùng Khang.

Chung số phận với trạm bơm Văn Khê 2, trạm bơm tiêu Phương Trung (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Do tuổi đời đã lên đến gần 40 năm nên các thiết bị trong tổ máy thường xuyên xảy ra trục trặc ở các bộ phận như ốc vít, vòng bi hay trục máy. Thậm chí ở một vài trục máy, tình trạng han gỉ xảy ra nghiêm trọng, thậm chí gây thủng vỏ máy.

Việc tra dầu ở thời điểm trước và sau khi chạy máy đã trở thành công việc bắt buộc đối với chị Lê Thị Lập (công nhân vận hành trạm bơm Phương Trung). Chị Lập chia sẻ: “Máy móc thì từ năm 1986. Nói chung là cơ sở vật chất rất tồi tàn, nền thì xuống cấp, ẩm ướt, chảy nước, trên mái thì dột…”.

Phần lớn các trạm bơm được xây dựng từ năm 1978, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Điều này khiến cho năng lực tiêu thoát nước không đảm bảo, gây khó khăn cho công tác điều hành, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Những rủi ro vẫn luôn thường trực đối với những công nhân thủy nông đang trực tiệp vận hành những trạm bơm này. Chị Lập cho biết: “Trời mưa, nước chảy vào, dây điện thì chằng chịt nên tôi rất lo lắng cho tính mạng của bản thân nếu xảy ra chập cháy”. Thậm chí, những công trình đã “già cỗi” này cũng có thể đổ sập bất cứ lúc nào trước tác động của thiên nhiên hoặc con người.

'Tử thần' luôn rình rập những công nhân thủy nông. Ảnh: Hùng Khang.

“Tử thần” luôn rình rập những công nhân thủy nông. Ảnh: Hùng Khang.

Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy là đơn vị được giao nhiệm vụ phục vụ nước tưới, tiêu thoát nước cho khoảng 70.000 ha diện tích đất tự nhiên trên địa bàn 6 quận, huyện của thành phố Hà Nội: Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ. Nhưng theo lãnh đạo công ty, công suất tiêu thoát nước của một số trạm bơm hiện nay chỉ đạt khoảng trên 50% hệ số tưới tiêu theo quy hoạch.

Hàng ngày những công nhân thủy nông vẫn đang chật vật để vận hành các trạm bơm đã xuống cấp với nguy cơ mất an toàn cao. Ảnh: Hùng Khang.

Hàng ngày những công nhân thủy nông vẫn đang chật vật để vận hành các trạm bơm đã xuống cấp với nguy cơ mất an toàn cao. Ảnh: Hùng Khang.

Vì vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu trong khu vực, số lượng tổ máy tối thiểu cũng phải tăng gấp 2 lần số máy hiện có. Ông Nguyễn Tiến Năng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy, cho biết: “Công tác tiêu úng cho vụ mùa hàng năm thường tập trung vào mùa mưa, đặc biệt là thời điểm lúa mới cấy khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7. Cây thấp, chịu ngập kém có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến năng suất và sự phát triển của lúa mùa…”.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 405 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, cần đầu tư kinh phí sửa chữa lớn. Trước thực trạng đó, Sở NN-PTNT Hà Nội đã phối hợp với các công ty thủy lợi cùng các quận, huyện, thị xã kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa bão năm 2024.

Xem thêm
Đồng ý cho ông Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Thể thôi các chức vụ

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để các ông Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Thể thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.