Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chuyên đề Thanh tra ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển lại cho rằng trách nhiệm chính thuộc về tỉnh Hà Tĩnh...
Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển (bên phải) trong cuộc họp báo
Trách nhiệm chính thuộc về tỉnh Hà Tĩnh?
Trả lời về trách nhiệm của Hà Tĩnh trong sự cố Formosa, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, theo luật, phê duyệt Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) thuộc trách nhiệm chính là Bộ TN-MT nhưng khi phê duyệt ĐTM trong đó có điều khoản giao cho các cơ quan chức năng có liên quan chịu trách nhiệm giám sát thực hiện, trong đó có Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh và một số đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện.
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa trình cấp phép lên Bộ thì Formosa báo cáo sử dụng công nghệ dập cốc khô nhưng khi thực hiện lại sử dụng công nghệ dập cốc ướt. Theo Luật Bảo vệ Môi trường, nếu dự án có thay đổi công nghệ phải báo cáo lên Bộ TN-MT, Formosa không báo cáo nên đoàn thanh tra liên ngành phát hiện đã xử lý vi phạm này với Formosa. Còn Bộ không quản lý về vấn đề công nghệ.
Về trách nhiệm của Bộ TN-MT trong sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra vừa qua, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, sau khi xảy ra sự cố, Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Bộ, Ban Bí thư cũng yêu cầu ban cán sự Đảng của Bộ TN-MT kiểm điểm trách nhiệm.
“Chúng ta phải khẳng định sự cố Formosa là sai của Formosa, Formosa đã nhận lỗi và chịu hoàn toàn trách nhiệm sự cố này, tôi là người đấu tranh trực tiếp với Formosa bắt nhận lỗi. Nếu nói Bộ TN-MT không có trách nhiệm gì thì không phải.
Tôi phải khẳng định một số ý kiến nêu sai phạm trong thẩm định ĐTM, cấp phép xả thải của Formosa là không đúng. Ban cán sự Đảng và Bộ TN-MT đã kiểm điểm, khẳng định việc thẩm định ĐTM, cấp phép theo đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.
Nhà máy đóng trên địa bàn thì tỉnh phải trực tiếp kiểm tra giám sát thường xuyên. Bộ đang chỉ đạo khắc phục việc này bằng việc quan trắc online đến Sở TN-MT Hà Tĩnh để giám sát hoạt động thường xuyên của nhà máy Formosa. Bộ sẽ có trách nhiệm nhưng trực tiếp thường xuyên kiểm tra giám sát là địa phương chứ không phải cái gì Bộ cũng làm thay.
Chờ kết luận Ủy ban Kiểm tra
Về vấn đề xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể của Bộ TN-MT về sự cố Formosa, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, hôm qua Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, Ban cán sự Đảng đã kiểm điểm và xin nhận mọi hình thức kiểm điểm trước Ban Bí thư. Ban cán sự cũng thẳng thắn về khuyết điểm và sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật. Kết luận cuối cùng đang chờ Ban Bí thư, Ban cán sự Đảng xem xét.
Với trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, thời kỳ diễn ra sự cố thì đồng chí Nguyễn Minh Quang không phải thành viên Ban cán sự Đảng của Bộ TN-MT. Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm các đồng chí đang đương chức nên chỉ kiểm điểm trách nhiệm đồng chí đương chức, đặc biệt là các đồng chí phụ trách lĩnh vực liên quan. Ông Hiển cho biết thêm rằng trong Ban cán sự có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phụ trách vấn đề TN-MT nhưng ông Nhân chỉ mới đảm nhiệm cương vị này trước sự kiện Formosa có vài ngày nên Bộ kiến nghị không xem xét trách nhiệm.
“Với đồng chí Nguyễn Minh Quang, dù không phải thành viên Ban cán sự nhưng Bộ cũng mời họp tham gia ý kiến Ban cán sự làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể với tư cách Bí thư Ban cán sự và Bộ trưởng thời điểm này. Đồng chí Quang cũng nói, sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật”, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết.
Thủy điện Hố Hô bị phạt 115 triệu đồng đã thỏa đáng? Trả lời báo chí tại phiên họp chuyên đề Thanh tra của Bộ TN-MT, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), cho biết: ngày 9/11/2016, Bộ TN-MT đã có quyết định xử phạt hành chính đối với Nhà máy Thủy điện Hố Hô vì đã vi phạm 5 lỗi: không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa theo quy định; không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành quy trình; thực hiện không đúng quy định về việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước; không thực hiện vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu sau công trình; không thực hiện chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước ngày 15/12 hàng năm theo quy định. Tổng mức tiền phạt của Nhà máy Thủy điện Hố Hô là 115,5 triệu đồng. Bị phạt là vậy nhưng so với thiệt hại mà công trình thủy điện gây ra thật không thấm vào đâu... |