| Hotline: 0983.970.780

'Sức nóng' của ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Thứ Tư 02/03/2016 , 09:37 (GMT+7)

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, chậm nhất là ngày 13/3/2016, thời hạn cuối để người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử. 

Trên cơ sở đó, đến ngày 15/3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ đưa hồ sơ đủ điều kiện vào danh sách hiệp thương.

Hồ hởi chào đón Ngày hội lớn của quốc gia-dân tộc, thời gian này, trên khắp mọi miền Tổ quốc, ở mọi cấp, mọi ngành hay trên trang nhất của nhiều tờ báo, sức nóng của một không khí náo nhiệt, khẩn trương lan tỏa bên những cánh đào đỏ thắm để cùng hướng về một sự kiện chính trị trọng đại của quốc gia - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Cơ hội thực hiện quyền làm chủ của nhân dân

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 lần đầu tiên được tiến hành theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2015 - đạo luật được sửa đổi, ban hành mới ngay sau khi Hiến pháp 2013 ra đời bởi tầm hệ trọng và tính thời sự của nó.

Diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt không chỉ mang tầm của một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước, mà cùng với thành công rực rỡ từ Đại hội XII của Đảng, ngày bầu cử (22/5/2016) sắp tới còn là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Đây cũng là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Nói về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng khẳng định: "Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao nhiêu xương máu trong cuộc cách mạng đánh thực dân và phong kiến mới giành dược nó.

Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội."

Bài học từ sức mạnh lòng dân

Kế thừa di sản của Lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh và đồng bào, chiến sỹ, cử tri cả nước, 13 nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, những ngày đầu năm 2016, trên địa bàn cả nước, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên đã để lại ấn tượng tốt đẹp về những thành tựu, kết quả nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong suốt 70 năm lịch sử. Đợt kỷ niệm cũng là dịp để rút ra thêm những bài học kinh nghiệm quý báu ứng dụng vào công tác bầu cử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2016 đang cận kề.

Phân tích thành công từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội Việt Nam trên góc độ kinh nghiệm trong tổ chức bầu cử, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia khẳng định thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bắt nguồn từ sức mạnh của lòng dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận thành công của Tổng tuyển cử đầu tiên hội tụ nhiều yếu tố về cả bối cảnh tương quan các lực lượng trong nước và ngoài nước. Cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất, lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ. Tuy nhiên, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức tổng tuyển cử và đưa cuộc tổng tuyển cử đi đến thành công.

Phải khẳng định rằng đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc. Đây là sự kiện chính trị to lớn và điều quan trọng nhất là được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng và tham gia đi bầu với tỷ lệ gần 90%, bầu ra 333 đại biểu khắp ba miền Bắc-Trung-Nam của đất nước.

Còn theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, để Quốc hội làm tròn sứ mệnh của mình, trong cuộc bầu cử lần này, việc quan trọng số một là toàn thể cử tri trong cả nước phải làm tròn nghĩa vụ công dân, đi bầu đông đủ và cân nhắc, lựa chọn cho được những người tiêu biểu có đủ đức, tài để bầu vào Quốc hội. Đây cũng là thành tố quan trọng bậc nhất để hình thành một Quốc hội mạnh, có hiệu lực và hoạt động có hiệu quả cao.

Tìm người đủ đức, lựa người đủ tài

Với những sự kiện chính trị trọng đại, công tác chuẩn bị nhân sự luôn là khâu có ý nghĩa mấu chốt, mang tính trọng tâm. Với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, công tác nhân sự được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; có tỷ lệ hợp lý các đại biểu đại diện cho các ngành, các cấp, các vùng miền, dân tộc, tôn giáo.

Người được giới thiệu vào danh sách ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ... thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

Trở lại với công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai đầy đủ, đúng quy định về các nội dung, công việc phục vụ cho ngày bầu cử.

Hội nghị ở tầm cao chiến lược ấy đã truyền đạt đầy đủ tinh thần, nội dung cơ bản của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành về cuộc bầu cử đến các đại biểu, các cơ quan và tổ chức hữu quan và đặc biệt đề cao và phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc góp sức, góp công xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Triển khai tinh thần hội nghị và đảm bảo lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài trở thành đại biểu của nhân dân, trung tuần tháng 2 vừa qua, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử qua các bước hiệp thương theo luật định.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất cũng là khâu quan trọng để Hội đồng bầu cử Quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Quá trình hiệp thương, Hội nghị đã thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV là 198 đại biểu. Cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu, trong đó dự kiến khoảng 20% đại biểu là phụ nữ và khoảng 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là phụ nữ và đại biểu là là người dân tộc thiểu số. N

Như vậy, đại biểu Quốc hội khóa XIV ở Trung ương tăng 15 người so với khóa XIII (khóa XIII là 183 đại biểu). Đáng chú ý, số tăng này đều là đại biểu Quốc hội chuyên trách để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Một vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm là người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha khẳng định mọi công dân từ đủ 21 tuổi trở lên nếu có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Luật bầu cử đều được ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Do vậy, không thể có những quy định phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử. Việc đánh giá chất lượng của người ứng cử, trong đó có khối tư nhân và ngoài Đảng là thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong cuộc bầu cử nhất là Ủy ban bầu cử và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, quyết định cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và triển khai mạnh mẽ mọi công tác chuẩn bị để đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực sự dân chủ, đúng pháp luật, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Kết quả hiệp thương lần thứ nhất là cơ sở quan trọng để Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai với mục tiêu hình thành danh sách sơ bộ những người ứng cử.

Bản danh sách này ngay sau đó, sẽ được gửi đi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử thông qua những hội nghị góp ý. Kết quả lấy ý kiến cử tri cũng là thủ tục cuối cùng để tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba, chốt danh sách ứng cử viên trước Ngày bầu cử.

Với ý nghĩa to lớn, lựa chọn những đại biểu thay mặt hàng chục triệu cử tri, đồng bào để quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc trong chặng đường 5 năm kế tiếp, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng là hành động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vietnam+

Xem thêm
Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.