Ngày ngày đi về gần 70 km để làm trang trại
Phút chốc tôi bỗng có cảm giác như mình lạc vào một khu rừng bất tận của nước Mỹ được miêu tả trong truyện “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của Laura để thỏa thích hái phúc bồn tử. Đã là cuối mùa, quả trên cây không còn nhiều, lại còn ẩn giấu kín đáo dưới tán lá trông như những cặp mắt trẻ, to tròn, đen nhánh, mướt rượt và ngây thơ, lấp ló nhìn vị khách lạ. Lác đác có những đóa hoa nở trắng ngần đẩy đưa mùi thơm rất mơ hồ, càng như tô đẹp thêm cho cảnh sắc núi rừng với thông reo vi vu, chim chóc hót véo von.
Vị của quả phúc bồn tử là sự pha trộn giữa quả dâu tằm và quả việt quất (blue berry), khởi đầu ngọt nhè nhẹ, chua dìu dịu và hậu hơi chát. Mê mải tìm quả, mê mải ăn đến khi đôi tay, đôi môi của tôi tím ngắt tự lúc nào.
Và không chỉ có tôi, chị Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam, chị Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển IDE tác giả của hệ thống checkVN cũng xuất hiện với đôi bàn tay, đôi môi tím ngắt khiến cho chúng tôi cùng nhìn nhau và bất giác bật cười. Tiếng cười cứ vang âm âm trong khu nhà màng tựa như những con kén khổng lồ, trắng muốt bám vào cái giàn là dãy núi xanh ngắt đang mờ ảo dưới làn sương mù giăng kín.
Chủ nhân của trang trại phúc bồn tử có lẽ đầu tiên trên đất Bắc này (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) là ông Nguyễn Văn Thạch, nguyên Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông - tác giả của Nghị định 100 về chuyện cấm rượu bia khi lái xe. Ngày ngày từ nhà riêng ở nội thành ông cả đi lẫn về mất gần 70 km để được làm bạn với cây cối.
Ông kể: “Năm 2021 tôi mới nghỉ hưu nhưng đã chuẩn bị cho chuyện ấy bằng việc bắt đầu làm trang trại vào năm 2018 trên khu đất rộng gần 3 ha này. Tôi nghề làm an toàn nên làm nông nghiệp một cách nghiêm túc, muốn có một cái gì đó cho dân ở đây như tạo công ăn việc làm hay tạo mô hình để cho họ học theo. Tuy nhiên, ban đầu tôi gặp nhiều thất bại, như sản xuất dưa lưới rất vất vả, cứ 3 tháng lại phải trồng lại một lần nhưng đầu ra bán khó, như gà nuôi kiểu công nghiệp không hiệu quả lại phải bỏ…”.
Đam mê tìm tòi những thứ mới lạ nên mấy năm trước khi biết được ở Đà Lạt, Lâm Đồng có mấy trang trại thử nghiệm trồng phúc bồn tử ông Thạch liền bay vào nhập 500 cây giống (xuất xứ từ Israel) về, nó chỉ cao 2-3 cm nhưng có giá 100.000đ/cây. Đó là cuối năm 2019.
Đám cây giống ấy được sang bầu khác to hơn rồi nuôi trong nhà kính 6 tháng, khi cây cao cỡ 20 cm mới đưa ra trồng trên đất nhưng cũng che kín bởi nhà màng. Ngoài chăm phúc bồn tử bằng phân giun quế thì ông còn bổ sung bột đậu tương, thân chuối ngâm với vi sinh để lấy kali. Nhờ đó, 500 cây ban đầu về sau hao hụt chỉ mất 10 cây, năm 2021 chúng đã cho thu hoạch bói.
Nếu như nghề cũ của ông làm tiêu chuẩn an toàn giao thông có những khung bậc cố định, cứ thế mà áp dụng thì trong nông nghiệp đối tượng là những sinh vật sống, lại thêm tác động của môi trường nên biến động khôn lường.
Cứ vướng cái gì thì ông lại hỏi các “sư phụ” trong Đà Lạt nhưng có những thứ “sư phụ” cũng phải chịu vì khí hậu, thời tiết giữa Đà Lạt và Sóc Sơn quá khác biệt, phải vào mạng tra hay nghiền ngẫm sách bở rồi mày mỏ thử nghiệm.
Qua cái dốc Diều của huyện Sóc Sơn là nhiệt độ hạ xuống so với nội thành Hà Nội khoảng 2 độ C, tuy nhiên vẫn còn rất nóng vào mùa hè với loại cây ưa lạnh này nên trong nhà màng ông phải lắp quạt thông gió để giải nhiệt, giúp chúng thích nghi dần với điều kiện sống mới.
Sang đến năm thứ hai, khi cây đang phát triển bình thường, bắt đầu có hoa ông đã khấp khởi mừng thầm thì bỗng bị một loại sâu ăn lá kéo đến tàn phá.
Nhà màng bít bùng là thế mà đàn đàn, lũ lũ sâu cứ như thể từ đất chui lên, bất thình lình xuất hiện, ngốn rào rào lá và nụ của phúc bồn tử như tằm ăn rỗi. Ông hối hả cho phun gừng tỏi ớt nhưng vẫn không xuể, phải thuê người đi bắt, ngày chưa thấy vãn tối còn soi đèn bắt cả đêm.
Những buổi như thế, ông phải ngủ lại ngay trang trại mà không về nhà ở nội thành để mà chỉ đạo người làm. Một tuần sau diệt được lũ sâu thì cả khu vườn cũng xơ xác, tan hoang, cảm giác như không còn chiếc lá nào lành, nụ hoa nào nguyên vẹn…
Sản phẩm đạt OCOP 4 sao
Mỗi năm phúc bồn tử cho thu hoạch vào hai vụ xuân và thu, hái quả xong thì cắt tỉa cành, chăm bón để cho chúng mau lại sức vì tuổi khai thác của chúng tới 7-8 năm. Thời tiết Sóc Sơn không lạnh bằng Đà Lạt nên năng suất của cây không được cao nhưng bù lại, chất lượng vượt trội, ngọt hơn, đậm đà hơn. Sản phẩm của trang trại mới đây đã được Hội đồng thành phố công nhận OCOP 4 sao vào cuối năm 2022.
“Cái khó của việc trồng phúc bồn tử là cho ra đúng mùa. Bình thường hoa ra vào tháng hai âm lịch nhưng năm nay nhiều loại cây ra hoa sớm nên tháng giêng này phúc bồn tử đã lác đác có hoa rồi. Vậy là mùa thu hoạch sẽ vì thế mà bị đẩy lên sớm hơn, quả sẽ nhỏ hơn một chút”. Ông Nguyễn Văn Thạch chia sẻ.
Vào mùa thu hoạch khắp khu vườn nhìn đâu cũng thấy một màu mắt trẻ của quả chín đen khiến cho 3 người làm phải luôn tay hái. Đặc điểm của quả phúc bồn tử là rất dễ hỏng nên người hái phải rất nâng niu, xếp vào chiếc giỏ nhỏ, được chừng đôi lớp là bỏ vào hộp giấy rồi để ngay vào tủ lạnh. Quả cắt đến đâu bán đến đấy, chuyển đi ngay trong ngày.
Thấy ở một số nước người ta trồng phúc bồn tử ngoài trời ông cũng trồng thử một diện tích nhỏ, bên trên có che lưới. Cây mọc ngoài trời tốt hơn so với trồng trong nhà kính nhưng khi ra hoa mà gặp mưa thì hay rụng, khi quả chín mà gặp mưa thì dễ bị mốc, nói chung năng suất kém hơn nhiều.
Khi thu hoạch mấy lứa đầu, giá tại chỗ 200.000đ/kg mà còn không có đủ để bán, thấy hiệu quả ông quyết định mở rộng diện tích nhà kính lên 5.000m2 với hơn 3.000 gốc. Lần này giống tự túc được chứ không phải mua nữa, công đầu thuộc về anh Nguyễn Quang Tuyên - trợ lý của ông. Anh kể, không hẳn là do giá giống đắt mà muốn tự sản xuất bởi đam mê vì quê mình ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vốn từ lâu nổi tiếng với nghề làm cây giống.
Nhưng có bắt tay vào làm anh mới thấy thực sự khó. Chiết phúc bồn tử, thất bại, cắt cành phúc bồn tử rồi giâm cũng không thành công, cuối cùng do tình cờ một lần anh đào phải gốc cây thì sau 20 ngày thấy có mầm lên mới tác động thêm vào để thành một công nghệ sản xuất giống mà ngay cả những “sư phụ” ở trong Đà Lạt cũng chưa biết, cho rễ cây tự nảy mầm. Hiện tại anh đã sản xuất được 1.000 cây giống, nếu có thị trường có thể làm được vài ngàn cây/năm, với giá bán 80.000đ/cây nhưng là loại đã cao 25-30 cm chứ không phải 2-3 cm như của Đà Lạt.
Đam mê nông nghiệp giống người chủ trại, anh Tuyên ngày ngày vượt hơn 100 km từ Hưng Yên lên trang trại rồi chiều tối lại về, lúc vào mùa còn ở lại đến mấy ngày: “Quả của phúc bồn tử có những chất rất tốt cho sức khỏe, như tôi đã dùng nó được 4 năm nay, cảm thấy trí nhớ và tim mạch của mình được cải thiện rõ rệt bởi trước hay hồi hộp nhưng giờ thì đã không còn nữa”…
Niềm vui của ông Nguyễn Văn Thạch lớn theo sự phát triển của phúc bồn tử từ cây nhỏ đến khi trưởng thành, ra hoa, kết quả và chín: “Tôi là dân kỹ thuật, chi li, muốn cái gì phải làm cho bằng được. Nếu trồng tốt, mỗi cây phúc bồn tử sẽ cho thu 1,5 triệu đồng/năm nhưng không chỉ về kinh tế làm trang trại còn là niềm vui của tôi. Trước đây, khi vợ khỏe thì tôi còn thường xuyên ở lại.
Khi vợ ốm rồi mất tôi còn phải bán cả căn nhà cũ đi vì buồn, lên đây, đến cổng là chó lao ra đón, gần tới chuồng là lợn chạy ào ra đòi ăn, ngắm cây cối rất thanh thản và cảm thấy mình còn có ích”.
Chị Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam nhận xét: “Làm gì cũng phải có đam mê. Đam mê ở đây của ông Thạch là với cây cối, với vật nuôi và rất hướng thiện. Thiện qua cách chăn nuôi, trồng trọt không dùng hóa chất, qua cách ông nói chuyện không “nổ” mà điềm đạm, khiêm nhường, qua cách ông mày mò tìm tòi về kỹ thuật để thực hiện đam mê của mình”.