| Hotline: 0983.970.780

Tập trung nguồn lực vào các công trình thủy lợi lớn

Thứ Hai 28/08/2023 , 19:30 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Cục Thủy lợi chuẩn bị tài liệu, nghiên cứu và triển khai sớm công trình đập dâng trên sông Hồng tại 2 cống Xuân Quan và Long Tửu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng công tác triển khai xây dựng, đầu tư, quy hoạch các công trình thủy lợi phải có trọng điểm. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng công tác triển khai xây dựng, đầu tư, quy hoạch các công trình thủy lợi phải có trọng điểm. Ảnh: Bảo Thắng.

Cục Thủy lợi cho biết, từ năm 2003 đến nay ngành thủy lợi cả nước đã sửa chữa khoảng 1.500 hồ chứa có dung tích 3 triệu m3 trở lên, với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát vẫn còn hơn 300 hồ chứa lớn bị hư hỏng chưa bố trí kịp nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp, tiềm ẩn nguy cơ vỡ hồ, đập.

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo. Trong đó, tập trung nguồn lực vào các công trình lớn, tạo ra động lực cho xã hội.

“Đây là một cách thu hút, truyền cảm hứng thêm cho sinh viên, học sinh, những người đang quan tâm đến ngành thủy lợi. Đó cũng là cách để bồi đắp lại những thành quả mà thế hệ đi trước để lại”, Thứ trưởng nói.

Tại lễ kỷ niệm mừng ngày truyền thống ngành thủy lợi 28/8, Thứ trưởng chỉ rõ một số công trình mà toàn ngành cần triển khai trong thời gian tới.

Ở khu vực phía Bắc, Thứ trưởng yêu cầu Cục Thủy lợi chuẩn bị tài liệu, nghiên cứu tiền khả thi và triển khai sớm công trình đập dâng sông Hồng tại 2 cống Xuân Quan và Long Tửu, làm thế nào để 2026 có thể khởi công được dự án này.

Vào giữa mùa mưa nhưng mực nước thượng nguồn sông Hồng (đoạn chảy qua huyện Ba Vì, Hà Nội) rất thấp, làm lộ ra những doi cát dưới lòng sông. Ảnh: Minh Phúc.

Vào giữa mùa mưa nhưng mực nước thượng nguồn sông Hồng (đoạn chảy qua huyện Ba Vì, Hà Nội) rất thấp, làm lộ ra những doi cát dưới lòng sông. Ảnh: Minh Phúc.

Vừa qua, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã có chuyến khảo sát thực địa để tính toán, lựa chọn số lượng, vị trí và quy mô công trình đập dâng trên sông Hồng. Dựa trên các chỉ số, kết quả thu được, đoàn khảo sát đánh giá, vấn đề hạ thấp mực nước trên sông Hồng đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian hơn 10 năm trở lại đây và ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình thủy lợi lấy nước dọc sông Hồng.

Dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, các chuyên gia thủy lợi đánh giá, việc nghiên cứu xây dựng các đập dâng trên sông Hồng và sông Đuống vừa nâng cao khả năng lấy nước phục vụ nông nghiệp trong giai đoạn mùa kiệt, vừa phục vụ trực tiếp cho 3 hệ thống thủy nông lớn: Hệ thống sông Nhuệ, Bắc Đuống và Bắc Hưng Hải.

Lòng dẫn hầu hết các sông trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình liện tục bị hạ thấp nhiều năm qua. Ảnh: Trung Quân.

Lòng dẫn hầu hết các sông trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình liện tục bị hạ thấp nhiều năm qua. Ảnh: Trung Quân.

Tăng thêm dung tích trữ 150 triệu m3 nước cho hồ Định Bình

Bên cạnh việc xây dựng đập dâng sông Hồng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng gợi ý một số công trình trọng điểm khác, như xây dựng phương án chuyển nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu các công trình kiểm soát mặn, ngọt tại cửa Hàm Luông, cửa Vàm Cỏ. Ngoài ra là việc nghiên cứu, nâng cao sức chứa của hồ Định Bình thêm khoảng 150 triệu m3, góp phần cắt lũ cho toàn bộ phía Nam tỉnh Bình Định.

Qua nghiên cứu tại một số trường thuộc Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Đại học Thủy lợi, Thứ trưởng cho rằng sự quan tâm của đại bộ phận xã hội vào ngành thủy lợi hiện giảm sút.

Ông lấy ví dụ, mỗi năm Đại học Thủy lợi tuyển sinh khoảng 6.500 sinh viên, nhưng số lượng theo học thủy lợi đúng nghĩa chỉ khoảng 100 sinh viên. Nhiều ngành truyền thống giờ không tuyển sinh được, dẫn đến nguy cơ teo tóp.

“Nếu không có giải pháp, 5 năm nữa chúng ta sẽ không còn nhân lực, nhất là nguồn chất lượng cao. Do đó, cần phải tập trung chuyển biến mạnh mẽ”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Người phụ trách lĩnh vực thủy lợi tại Bộ NN-PTNT cũng nhìn nhận, việc khuyếch trương hình ảnh các công trình thủy lợi lớn không những kế thừa được di sản của các thế hệ đi trước, mà còn phù hợp với quy hoạch thủy lợi mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã ban hành.

Theo đó, công tác quy hoạch thủy lợi, đầu tư công trình phòng, chống thiên tai phải có trọng tâm, trọng điểm. Trong Quy hoạch phòng chống, thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 847, mục tiêu là cấp nước tưới chủ động cho lúa hai vụ với tần suất bảo đảm 85%, riêng vùng đồng bằng sông Hồng là từ 85 - 90%, cấp nước bảo đảm cho 70% diện tích cây trồng cạn.

“Có thể thấy đây là lần đầu tiên, chúng ta có một quy hoạch ở tầm quốc gia, dựa theo Luật Quy hoạch và được xây dựng đồng bộ cùng hệ thống quy hoạch quốc gia. Ngành thủy lợi cần nghiên cứu sâu sắc để biến thách thức thành cơ hội, đồng thời gắn với các giải pháp cụ thể để triển khai Kết luận 36 của Bộ Chính trị”, Thứ trưởng kết luận.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).