Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khả năng xảy ra mưa to và dông kèm theo các hiện tượng lốc, lốc xoáy, sét và gió giật mạnh; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng đồi núi, sạt lở đất ven sông suối và những điểm xung yếu như bờ ta luy cao, bãi thải; ngập lụt ở các khu vực ven sông, suối và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, khu đô thị...
Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 1.000 điểm sạt lở. Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo chính quyền địa phương và người dân cần đặc biệt lưu ý các vị trí đã sạt lở, ngập úng trong các đợt mưa trước như sạt lở tại Đèo So (Định Hoá), sạt lở bờ sông Cầu (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình), sạt lở bờ sông Trung Năng (xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên), sạt lở các bờ sông, suối nhỏ, đường giao thông ven suối..., sập đổ, ngập úng hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản (các mỏ than, mỏ quặng); ngập úng các cánh đồng trũng tại Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ... nơi không có hệ thống bơm tiêu úng, ngập úng các khu đô thị thuộc Thái Nguyên, Phú Lương, Sông Công, Phổ Yên do quá tải hệ thống thoát nước... và các khu dân cư.
Kiểm tra thực tế công tác ứng phó bão số 3 tại các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên ngày 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đã yêu cầu các cấp, ngành nghiêm túc thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ; công điện và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ và đưa ra từng kịch bản để ứng phó với bão, nhất là việc rà soát các điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống…
Đồng thời, ông Nguyễn Huy Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần chủ động, không được chủ quan, lơ là, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Đặc biệt, cần tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu do nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn. Đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh...
Nhằm kịp thời ứng phó với bão số 3, TP. Sông Công đã huy động lực lượng trên 1.100 người sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa bão, lũ, lụt, giúp đỡ người dân theo phương châm "bốn tại chỗ".
Qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 59 hộ, với 166 nhân khẩu cần phải di chuyển. Đến nay, lực lượng Dân quân các xã, phường đã hỗ trợ 4 hộ dân, với 9 người di chuyển tới nơi tạm trú an toàn. Các địa phương đều duy trì lực lượng trực chốt tại những điểm xung yếu và sẵn sàng hỗ trợ người dân.