| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa trả giá vì bầu Đệ

Thứ Tư 10/02/2021 , 17:08 (GMT+7)

Dù có công đưa Thanh Hóa lên hàng đội mạnh ở V-League, nhưng cung cách quản lý thiếu chuyên nghiệp của bầu Đệ giờ lại khiến CLB tỉnh nhà khó khăn.

Bầu Đệ đội mũ cối dự khán các trận đấu của Thanh Hóa.

Bầu Đệ đội mũ cối dự khán các trận đấu của Thanh Hóa.

Một trong những hình ảnh mang tính thương hiệu của bầu Đệ là cảnh ông đội mũ cối, ngồi dự khán các trận đấu của CLB Thanh Hóa. Những biệt danh như "ông bầu mũ cối", cũng từ đó xuất hiện, báo hiệu cách làm bóng đá khác với số đông của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ.

So với những ông bầu có tiếng khác như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thắng, ông Đệ bước chân vào làm bóng đá khá muộn.

Năm 2011, sau thời gian sống lay lắt dù có được nguyên "hồn" Thể Công, Thanh Hóa đã đề nghị ông Đệ, dưới tư cách Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp quản đội bóng. Ý thức được chuyện "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", bầu Đệ đề ra cách làm mới. Thay vì trông chờ vào nguồn tiền của một, hai nhà tại trợ, ông kêu gọi hơn 40 doanh nghiệp trong tỉnh chung tay, mỗi doanh nghiệp chỉ cần tài trợ một tỷ đồng là đủ.

Với nguồn ngân sách dồi dào này, bầu Đệ "lột xác" Thanh Hóa và đưa CLB này trở thành ứng viên vô địch. Năm 2014, 2015, họ đứng hạng Ba. Năm 2017, Thanh Hóa giành ngôi á quân, và bằng điểm với ĐKVĐ Quảng Nam. Năm 2018, đội bóng xứ Thanh tiếp tục giữ vững vị trí này. Chừng đó đủ nói lên rằng, cách làm của bầu Đệ có hiệu quả.

Một tay đưa Thanh Hóa lên đỉnh cao, nhưng bầu Đệ cũng có không ít ồn ào nơi hậu trường, chủ yếu vì cách quản lý không giống ai. Ngay từ những ngày đầu, dù bị coi là dân ngoại đạo, ông Đệ vẫn muốn có những chỉ đạo chiến thuật tới HLV. Hình ảnh ông ngồi sa bàn, úy lạo cầu thủ là chuyện không hiếm. Hễ HLV nào không vừa mắt, bầu Đệ sẽ bằng mọi cách buộc họ phải phục tùng.

Chẳng hạn như năm 2014, ông ra chỉ tiêu vào top 3 cho HLV Mai Đức Chung. Nếu làm được, ông Chung được thưởng 400 triệu đồng, còn không thì bị phạt 400 triệu đồng.

Kết quả, ông Chung "xe ca" chấp nhận rời ghế khi V-League còn 3 vòng. Gần nhất là HLV Nguyễn Thành Công mùa 2020. Bầu Đệ ra quyết định, ông Công phải nộp danh sách đội hình chính thức lẫn dự bị lên lãnh đạo CLB trước trận - một điều tối kỵ với bất cứ nhà cầm quân nào.

Hội đồng kỹ thuật, tổ chức do chính bầu Đệ lập nên và điều hành, giống như một cánh tay nối dài để ông tiến gần hơn với cầu thủ, và bỏ qua HLV.

Thậm chí nếu HLV trưởng muốn thay người trong trận đấu thì cũng phải xin ý kiến cả ban huấn luyện và biểu quyết. Dù nổi tiếng là lành và kiệm lời, những HLV như Mai Đức Chung, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thành Công lặng lẽ rời xứ Thanh. Cá tính như HLV Lê Thụy Hải cũng rời ghế, chấp nhận đền 3 tháng hợp đồng, vì không muốn ngồi chung thuyền với bầu Đệ.

Bầu Đệ và HLV Lopez chỉ làm việc cùng nhau vài tháng, rồi chia tay.

Bầu Đệ và HLV Lopez chỉ làm việc cùng nhau vài tháng, rồi chia tay.

Tại V-League, những HLV nội luôn chọn cách xử lý theo hướng dĩ hoa vi quý và nể cái tình. Bởi họ cho rằng bất cứ môi trường nào cũng có những tồn tại riêng. Công việc của người làm huấn luyện là chuyên môn, là đạt được thành tích. Những chuyện khác là phụ, và cũng là để tránh điều tiếng trong giới làm nghề, vốn quanh đi quẩn lại chỉ ngần ấy bến đỗ.

Nhưng Fabio Lopez là một trường hợp khác. HLV người Ý quyết định lôi bầu Đệ và CLB Thanh Hóa khi không chịu đền bù hợp đồng do sa thải trước hạn. Vụ việc được trình lên FIFA, và án phạt trị giá 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ đồng) đã chờ sẵn bầu Đệ cùng người kế nhiệm.

"Nếu không ai dám làm gì bầu Đệ thì để tôi làm. FIFA đã xử tôi thắng kiện và ông ta sẽ phải trả tiền", HLV Lopez nói chắc như đinh đóng cột.

Vấn đề bây giờ là ai, bầu Đệ - người ký quyết định sa thải Lopez, hay bầu Đoan - chủ mới của Thanh Hóa, sẽ nộp số tiền 4,6 tỷ đồng trên trong vòng 45 ngày nữa. Ai cũng có cái lý của mình, nhưng tựu trung, là sự thiếu chuyên nghiệp của cung cách quản lý.

Nếu chuyên nghiệp, hẳn bầu Đệ đã phải lường trước vụ 4,6 tỷ này, và đề ra những phương án "khóa sổ" từ trước. Nếu chuyên nghiệp, hẳn bầu Đoan và lãnh đạo CLB Thanh Hóa cũng phải nghiên cứu vấn đề này, thậm chí bàn trước hướng giải quyết với người tiền nhiệm.

Quả bóng trách nhiệm lăn giữa hai ông bầu, và CLB Thanh Hóa sẽ là người chịu thiệt. FIFA chỉ biết rằng, đội bóng xứ Thanh, thuộc quản lý của VFF, một thành viên FIFA sẽ phải đứng ra giải quyết vấn đề. Tiền từ túi ai không quan trọng, miễn là 4,6 tỷ đồng chảy về túi Lopez. Trong trường hợp các bên cùng dùng dằng, CLB Thanh Hóa hứng trọn hậu quả: đánh tụt hạng, hoặc thậm chí giải thể.

Bầu Đệ đưa Thanh Hóa đi lên bằng cách làm khác biệt, nhưng cách làm ấy giờ lại khiến chính CLB xứ Thanh lao đao. Phát biểu của HLV Lopez lột tả trọn vẹn vấn đề. Chiến lược gia người Ý khẳng định: "Tôi muốn cho bầu Đệ một bài học, và không quan tâm ai sẽ trả tiền".

Xem thêm
Hải Phòng chi khoảng 40 tỷ cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 có chủ đề 'Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản' với kinh phí dự kiến từ 40-45 tỷ đồng, gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên tham gia.

Vợ NSND Công Lý phẫn nộ khi chồng bị tung tin đồn xấu

Vợ nghệ sĩ Công Lý đã vô cùng bức xúc và phải lên tiếng làm rõ trước thông tin giả đang được lan truyền trên mạng thời gian gần đây.

Nhận định Wolves vs Arsenal: Pháo thủ trút giận?

Trận đấu giữa Wolves vs Arsenal trong khuôn khổ vòng 34 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 20h30 ngày 20/4/2024 trên sân vận động Molineaux. 

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm