| Hotline: 0983.970.780

Đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng

Thứ Tư 11/08/2021 , 08:30 (GMT+7)

Sở NN-PTNT Tiền Giang đã tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn xuất khẩu trái cây, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói.

Việt Nam đã có 9 loại trái cây được phép nhập khẩu chính thức (chính ngạch) vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã tích cực phối hợp cùng các bộ ngành liên quan đàm phán phía Trung Quốc để mở rộng sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Bộ cũng đang tiếp tục đàm phán, kiến nghị phía Trung Quốc bổ sung thêm một số loại trái cây được phép xuất khẩu sang Trung Quốc như sầu riêng, mận...

Tiền Giang đang tập trung ưu tiên là rà soát, thực hiện nhanh việc cấp mã số vùng nguyên liệu trái cây chủ lực. Ảnh: Minh Đảm.

Tiền Giang đang tập trung ưu tiên là rà soát, thực hiện nhanh việc cấp mã số vùng nguyên liệu trái cây chủ lực. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo kỹ thuật để tiếp tục nộp hồ sơ đàm phán mở cửa thị trường mới cho nông sản Việt Nam, bổ sung các căn cứ kỹ thuật nhằm cải tiến các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.

Kết quả đầu tháng 6/2021, phía Trung Quốc có văn bản phản hồi sẽ xem xét việc xuất khẩu tạm thời cho 2 sản phẩm khoai lang tím và ớt nếu đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Trong số sản phẩm trên, Tiền Giang có 4 loại nông sản có sản lượng lớn, gồm thanh long, xoài, mít và ớt.

Năm 2021, Tiền Giang hiện có trên 82.000 ha diện tích cây ăn trái. Sản lượng thu hoạch ước 840.987 tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các loại cây chủ lực chiếm diện tích lớn là thanh long (9.704 ha), khóm (14.338 ha), sầu riêng (14.535 ha), bưởi (4.946) ha.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc của Tiền Giang nói riêng và các tỉnh khác nói chung vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, thiếu container rỗng, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều, chi phí đầu tư như logistics (tăng 10-15% so bình thường), nguyên liệu nhập khẩu tăng cao...Đồng thời, các thị trường xuất khẩu nông sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm... đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Tiền Giang.

Trái cây chế biến dễ tiêu thụ hơn trái cây tươi trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: Minh Đảm.

Trái cây chế biến dễ tiêu thụ hơn trái cây tươi trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: Minh Đảm.

Trong bối cảnh đó, Tiền Giang đang tập trung ưu tiên là rà soát, thực hiện nhanh việc cấp mã số vùng nguyên liệu, mã số nhà đóng gói để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu, đặc biệt Trung Quốc. Song song đó, đẩy mạnh xây dựng vùng trồng đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn hữu cơ... bảo đảm sản xuất nông sản an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tiền Giang cũng tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Lựa chọn phát triển sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất, cụ thể tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực, như thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng,..

Ngành nông nghiệp Tiền Giang cũng xây dựng và triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTG của Thủ tường Chính phủ về phê duyệt Đề án thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phát triển ngành hàng trái cây giai đoạn 2021 - 2025.

Sở NN-PTNT Tiền Giang phối hợp Sở Công thương xây dựng chương trình xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh với các địa phương khác. Kết nối tiêu thụ với các đơn vị bán lẻ lớn trong nước và đẩy mạnh mua bán trên các sàn giao dịch điện tử.

  • Tags:
Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.