| Hotline: 0983.970.780

Thử nghiệm đấu thầu vàng miếng ngay tuần này

Thứ Ba 26/02/2013 , 08:53 (GMT+7)

Chiều 26/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ ký hợp đồng gia công với SJC, trước khi thử nghiệm đấu thầu bán vàng miếng vào cuối tuần này.

Chiều 26/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ ký hợp đồng gia công với SJC, trước khi thử nghiệm đấu thầu bán vàng miếng vào cuối tuần này, một giải pháp được kỳ vọng giúp kéo giá sát với thế giới trong thời gian ngắn nhất.

Phiên thử nghiệm dự kiến được tổ chức với sự tham gia của một số ngân hàng và doanh nghiệp, nhằm thực hành các bước cơ bản của quá trình đấu thầu như đăng ký thiết lập giao dịch, cử người đại diện, thời gian mời thầu, báo giá và bỏ thầu… Riêng khâu thanh toán và giao nhận vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa tiến hành thử, bởi còn liên quan tới các văn bản pháp lý đi kèm.

“Phiên thử nghiệm sẽ giúp các bên làm quen và có thể đấu thầu suôn sẻ ngay khi hệ thống văn bản cho phép Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng miếng được ban hành và có hiệu lực”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Theo lộ trình tham gia và can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước, thời gian đầu, cơ quan này sẽ mua bán vàng miếng thông qua đấu thầu, trước khi tính tới chuyện trực tiếp giao dịch với ngân hàng và doanh nghiệp có nhu cầu. Trước 30/6, thời hạn các ngân hàng phải tất toán dư nợ huy động vàng, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu đấu thầu bán để cân đối nguồn cung trên thị trường, qua đó kéo sát giá trong nước về với thế giới.


Vàng miếng SJC một lượng 99,99% là loại duy nhất được sử dụng trong các phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước. Các loại vàng hàm lượng nhỏ hơn (1-3-5 chỉ) vẫn giao dịch bình thường trên thị trường, theo Ngân hàng Nhà nước

Liên quan tới các nghiệp vụ đấu thầu vàng miếng, ngày 25/2, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có buổi thảo luận với ngân hàng và doanh nghiệp, dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy. Đại diện một doanh nghiệp tham gia cuộc họp cho biết, thời hạn thanh toán và giao nhận vàng đang là mối quan tâm lớn nhất của các bên.

Theo dự thảo Thông tư công bố hôm 5/2, trong vòng một ngày làm việc các bên phải hoàn tất thanh toán tiền cho Ngân hàng Nhà nước, và tối đa một ngày sau khi nhận đầy đủ tiền, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao vàng cho các bên, theo lô nguyên niêm phong.

Các ngân hàng và doanh nghiệp cho rằng thời hạn nhận vàng tối đa tới 2 ngày làm việc sau khi kết thúc đấu thầu như vậy là quá dài, có thể gây rủi ro rất lớn cả về giá và nguồn hàng, đặc biệt khi thị trường biến động mạnh. Khi còn được nhập khẩu và kinh doanh tài khoản ở nước ngoài, nếu muốn bán vàng vật chất ra thị trường, doanh nghiệp có thể chốt giá và nhận vàng tài khoản ngay lập tức để cân đối trạng thái.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước xác định mua bán giao ngay để giải cứu thị trường thì vấn đề thời điểm rất quan trọng. Hai ngày là quá dài, một ngày cũng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu giá trong ngày hôm đó chạy quá nhanh. Ngân hàng Nhà nước cần chuẩn bị sẵn sàng kho quỹ, để khi doanh nghiệp trúng thầu, thanh toán xong là có thể được nhận vàng ngay. Như thế mới có thể gọi là can thiệp, bình ổn thị trường”, Chủ tịch Tập đoàn DOJI Đỗ Minh Phú đề xuất.

Chia sẻ quan điểm này, đại diện Công ty Vàng bạc Ngân hàng Nông nghiệp đề xuất thời hạn tối đa từ lúc giao tiền tới khi nhận vàng chỉ nên là 3 tiếng, bởi vàng do chính Ngân hàng Nhà nước sản xuất và đảm bảo, nên không tốn thời gian kiểm định.

Quy định về đặt cọc và hủy thầu cũng khiến các bên giao dịch với Ngân hàng Nhà nước băn khoăn. Theo dự thảo Thông tư cũng như dự thảo quy chế đấu thầu, doanh nghiệp và ngân hàng muốn tham gia phải đặt cọc dựa trên giá chào thầu và khối lượng đăng ký. Nếu thị trường biến động ngoài tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có thể hủy giá chào thầu đã công bố.

Với mong muốn giảm thiểu áp lực tài chính khi dự thầu, các doanh nghiệp đề xuất tỷ lệ đặt cọc không nên quá 5%. “Tỷ lệ ký quỹ phổ biến trên thế giới hiện khoảng 5-7%, nhưng áp dụng cho các giao dịch online tức thì. Đấu thầu mua bán vàng với Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp phải đặt cọc từ hôm trước, tham gia đấu thầu rồi một hai ngày sau mới có vàng. Khi thị trường biến động bên mua muốn hủy giao dịch cũng không thể vì số tiền cọc không lấy lại được quá lớn”, đại diện một doanh nghiệp nói.

Cũng theo ông, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quyền hủy giá chào thầu, sẽ tạo cảm giác không công bằng và dồn rủi ro cho các bên tham gia. Vị này đề xuất áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh hủy thầu mà vẫn có công cụ bảo hiểm nếu thị trường biến động. Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước đưa ra giá tham chiếu vào chiều hôm trước, để doanh nghiệp có căn cứ nộp tiền đặt cọc. Một tiếng trước phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố giá đấu chính thức dựa trên diễn biến mới nhất của thị trường.

“Có thể đưa ra quy định giá đấu chính thức không vượt quá bao nhiêu phần trăm so với tham chiếu, 10% chẳng hạn. Trong trường hợp giá trên thị trường quốc tế biến động trên 10%, phiên đấu thầu có thể hủy hoặc xác định lại giá mới. Như vậy khi đăng ký tham gia thầu và đặt cọc tiền mua vàng của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn và hình dung tương đối sát về mức giá bỏ thầu ngày hôm sau”, ông nói.

Các bên tham gia buổi họp ngày 25/2 cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên đơn giản hóa khâu kiểm định khi mua vàng của doanh nghiệp. Loại vàng duy nhất được sử dụng trong đấu thầu là vàng miếng SJC hàm lượng 99,99% loại một lượng. Khi đấu thầu mua vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức kiểm định sau, để đảm bảo không lẫn phải vàng giả, kém chất lượng.

Hầu hết các doanh nghiệp và ngân hàng đều đồng thuận cho rằng sử dụng duy nhất loại vàng miếng một lượng của SJC trong đấu thầu lô lớn là sự chuẩn hóa cần thiết, đảm bảo an toàn và giúp rút ngắn thời gian giao dịch cho các bên. Song họ cho rằng sẽ không khả thi nếu Ngân hàng Nhà nước muốn kiểm tra từng miếng vàng, thậm chí cắt vỏ bao để kiểm định chất lượng.

“Để làm như vậy, trung bình phải mất 2 phút mới kiểm định được một miếng vàng. Bán 1.000 lượng cho Ngân hàng Nhà nước mà phải mất cả ngày để kiểm đếm là không khả thi. Mà một khi đã cắt vỏ ra, miếng vàng đó phải mất công đóng gói lại mới có thể lưu hành trên thị trường”, ông Đỗ Minh Phú nói.

Ông đề nghị chọn phương án đơn giản hơn, Ngân hàng Nhà nước có thể photo nguyên bao các miếng vàng, đề nghị bên bán ký nhận và kiểm định sau. Sau này phát hiện vàng không đảm bỏa chất lượng, dựa trên series và các đặc điểm nhận dạng, Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lại cho bên bán.

Trao đổi với các doanh nghiệp, Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy cho biết thông tư hướng dẫn cũng như quy chế đấu thầu đang trong quá trình hoàn thiện, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các bên và hiệu chỉnh nếu phù hợp.

"Giá vàng biến động liên tục, vì vậy thời gian giao ngay trong ngày là rất quan trọng. Về lý thuyết, có thể giao vàng trong vòng 3 tiếng sau khi Ngân hàng Nhà nước nhận đủ tiền. Quy định 2 ngày trong dự thảo chỉ nhằm dự phòng những trường hợp bất khả kháng. Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ điều này đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm đếm, kho quỹ của Ngân hàng Nhà nước", ông nói thêm.

Liên quan tới tỷ lệ đặt cọc, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn để ngỏ, nhiều khả năng sẽ ấn định một mức phù hợp với biến động của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, ngân hàng và doanh nghiệp có thể đề xuất tỷ lệ hợp lý với thực tế giao dịch hiện nay.

"Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường, nên không thể ngay lập tức đưa ra các quy định cứng, mà có thể hiệu chỉnh linh hoạt phù hợp với thực tế. Hơn nữa, mục tiêu các bên tham gia đấu thầu rất khác nhau. Doanh nghiệp và ngân hàng tham gia vì mục tiêu lợi nhuận. Trong khi Ngân hàng Nhà nước ưu tiên ổn định thị trường, ngoài ra còn phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn tài sản nhà nước. Tất nhiên, phải đưa ra các quy định để làm sao hài hòa các mục tiêu này", ông Huy nói thêm.

Ông cho biết thêm, mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là sớm hoàn thiện các văn bản để tham gia thị trường sớm nhất, qua đó sớm thu hẹp khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới.

Theo kế hoạch, chiều 26/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ ký hợp đồng gia công với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), một bước quan trọng giúp sẵn sàng cung ứng vàng miếng cho các phiên đấu thầu bán ra cũng như can thiệp thị trường sau này. Trước mắt, đây sẽ là đơn vị duy nhất được phép gia công vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang tiếp tục cấp phép tạm xuất tái nhập vàng miếng phi SJC cho các đơn vị khác, sau khi đã cho phép Ngân hàng Đông Á xuất thử nghiệm 100kg trước Tết. Dự kiến có khoảng 9 tấn cần tạm xuất ra nước ngoài để nhập về vàng nguyên liệu, rút ngắn thời gian dập đúc thành vàng miếng SJC cung ứng cho thị trường.

"Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến hàng triệu đồng mỗi lượng như hiện nay rất bất hợp lý với cả người dân muốn mua bán và các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đủ nguồn lực tham gia thị trường, thời gian bắt đầu kéo giá trong nước sát với thế giới chỉ còn tính bằng ngày", ông Huy nói.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.